Hoa hậu Đỗ Thị Hà tự nhận 'làm màu' trên mạng xã hội
Nói chuyện về chủ đề thiện nguyện, Hoa hậu Đỗ Thị Hà nhận mình đang 'làm màu' nhưng là mang màu sắc tươi sáng cho người khác.
Tại Tọa đàm “Giới trẻ làm thiện nguyện: Từ tâm hay làm màu” được tổ chức ngày 28/10 tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hoa hậu Đỗ Thị Hà chia sẻ, ranh giới giữa từ tâm hay làm màu khi làm thiện nguyện có phần mong manh.
Người đẹp kể lại, khi đi từ thiện, cô thường chia sẻ một số hình ảnh trên mạng xã hội. Một số người không hiểu nên cho rằng, cô đang làm màu. Tuy nhiên, theo Hoa hậu Đỗ Thị Hà, việc chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội cũng nhằm lan tỏa, truyền cảm hứng đến giới trẻ về những việc làm tốt, ý nghĩa.
Tất nhiên khi đăng hình ảnh trên mạng xã hội, đều được lựa chọn, “cân lên đặt xuống”, làm sao những hình ảnh đó thực sự mang lại giá trị thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng về những việc làm tử tế. Từ đó, mọi người cùng chung tay làm việc tốt, giúp đỡ những người còn khó khăn, không may mắn.
“Nhiều người khuyên tôi không đi làm thiện nguyện nữa nhưng tôi vẫn làm; thậm chí còn làm nhiều và hiệu quả hơn. Đúng là tôi đang làm màu nhưng đó là mang màu sắc tươi sáng cho người khác” – Hoa hậu Đỗ Thị Hà nói.
Người đẹp quê Thanh Hóa cho rằng, làm thiện nguyện không cần thiết phải quá lý trí nhưng cũng cần tính toán, phân bổ nguồn lực sao cho hợp lý và minh bạch. Trước khi trao quà hay hỗ trợ, nên tham có khảo sát hoặc tham khảo ý kiến để xác định đúng người, đúng việc và đúng mục đích trao tặng. Tặng những gì họ cần không nên tặng những gì mình có.
Đồng quan điểm, MC Hạnh Phúc, biên tập viên của VTV dẫn câu chuyện thực tế, có quá nhiều cá nhân, tập thể và các tổ chức xã hội… trao tặng áo ấm, chăn màn cho người dân, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có cả những đồ cũ đã được giặt sạch sẽ, thơm tho.
Thế nhưng vì được tặng quá nhiều, mà lại cùng 1 sản phẩm dẫn đến thừa và người dân không dùng hết. Vì thế, có người từ chối lấy đồ cũ, hoặc có lấy nhưng sau đó sử dụng vào mục đích khác, thậm còn làm giẻ lau. Thực tế này khiến nhiều người nhận xét, họ “kén cá chọn canh”.
Rõ ràng, việc làm thiện nguyện trên là xuất phát từ tâm nhưng nhưng có thể chưa phù hợp nên chưa thiết thực, MC Hạnh Phúc nêu vấn đề và cho rằng, nên tìm hiểu nhu cầu của người dân trước khi đi thiện nguyện, xem họ cần và thiếu gì để phát động, bổ trợ. “Chúng ta không nên “đồng bộ hóa” khi làm thiện nguyện” - MC Hạnh Phúc trao đổi.
Sau mỗi chương trình thiện nguyện, bác sĩ Trương Tố Quyên – Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Châm cứu Trung ương tự rút ra bài học kinh nghiệm. “Tôi cũng phải tự “làm màu”, chẳng hạn: đưa hình ảnh tặng quà hoặc các hoạt động thiện nguyện dành cho bệnh nhân nghèo lên facebook.
Sau đó, rồi nhờ mọi người bấm like, share. Mục đích là để nhiều người biết đến những mảnh đời còn nhiều khó khăn, vất vả và họ rất cần sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng” – bác sĩ Tố Quyên bộc bạch.
Theo nữ bác sĩ, làm từ thiện không nhất thiết phải cho, tặng tiền. Đó có thể là những việc làm tử tế, giúp đỡ bạn bè, người thân từ những việc nhỏ. “Tôi nhớ, có lần thấy một nhóm sinh viên tình nguyện san lấp một số ổ trâu, ổ gà, giúp người dân đi đường an toàn hơn. Đó cũng là thiện nguyện và rất ý nghĩa” - bác sĩ Tố Quyên chia sẻ.
Theo bác sĩ Trương Tố Quyên, làm thiện nguyện không dễ và càng không phải lung linh, màu hồng. Thiện nguyện phải xuất từ tâm và nên có khảo sát, kiểm tra để việc trao – nhận đúng, đủ, thiết thực và ý nghĩa.