Hoa hậu khu phố Tàu và thế giới song song của người TQ ở Mỹ
Không chỉ cuộc thi sắc đẹp, cộng đồng người Trung Quốc ở Mỹ còn tạo ra một thế giới riêng cho mình ở khu phố Tàu.
Ngày 4/7/1948, một chiếc vương miện bằng bìa cứng sơn vàng được đặt lên đầu Penny Wong - một phụ nữ người Mỹ gốc Hoa trong chuyến dã ngoại ở San Francisco, Mỹ.
“Họ thực sự không biết cách mua vương miện. Sau khoảng 60, 70 năm tôi phải vứt nó đi vì quá cũ nát”, bà Penny Wong (95 tuổi) chia sẻ. Wong cũng là người chiến thắng đầu tiên của cuộc thi Hoa hậu khu phố Tàu tại Mỹ.
Dù vương miện không còn, Wong và danh hiệu của bà được nhắc đến trong một tập của bộ phim tài liệu You Are Here do nhà làm phim James Q. Chan (San Francisco, Mỹ) thực hiện.
“Tôi rất ngạc nhiên khi đoạt giải. Khi đó, tôi 23 tuổi, chỉ cao 1,57 m trong khi có rất nhiều thí sinh cao ráo, xinh đẹp hơn. Thời đó, hầu hết con gái không trang điểm nhiều, tôi cũng chỉ tô son”, bà Wong nói.
Mặc bộ đồ bơi một mảnh với giày cao gót, Wong đã cạnh tranh với các thí sinh khác trong một phần trình diễn quanh bể bơi. Ban đầu, bà lo lắng về việc mặc đồ bơi trước nhiều người, nhưng sau khi được một số bạn bè, bao gồm cả bác sĩ của mình động viên, Wong quyết định thử sức.
“Hầu hết cha mẹ của các cô gái trẻ thời đó không muốn con mình lộ chân cho người khác thấy”, bà nói.
Những ngày kỷ niệm
Vào những năm 1940, quần áo sặc sỡ và những điệu nhảy táo bạo không được hưởng ứng trong cộng đồng người Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc các quan niệm bảo thủ, nhiều vũ công, ca sĩ và người trẻ nhanh chóng phá vỡ các rào cản xã hội. Các nhà tổ chức cuộc thi Hoa hậu khu phố Tàu, cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, là một trong những nhóm người đó.
Cuộc thi sắc đẹp này đã ghi dấu ấn trong lòng cộng đồng người Mỹ gốc Hoa. Năm 1958, nó đã trở thành sự kiện quốc gia và đến nay vẫn được tổ chức hàng năm.
Một trong số các cô gái đăng ký tham gia cuộc thi trong những năm qua là Cynthia Yee, người từng được bà Wong chăm sóc khi làm giữ trẻ và chỉ 2 tuổi khi cuộc thi đầu tiên diễn ra.
“Từ khi còn bé, tôi đã luôn muốn tham gia các cuộc thi sắc đẹp”, bà Yee (74 tuổi) Hoa hậu khu phố Tàu ở San Francisco năm 1967 nói.
Yee lớn lên ở khu phố Tàu tại San Francisco, cùng tòa nhà với Wong và ngôi sao người Mỹ gốc Nhật Dorothy Toy.
“Vào những năm 40, 50, người châu Á làm nghề biểu diễn rất khó kiếm việc làm, thường lui tới một hộp đêm ‘Forbidden City’ làm việc”, Yee nói.
Yee cũng từng biểu diễn ở "Forbidden City" trong một tuần. Sau đó, bà lưu diễn khắp Mỹ, Canada, Châu Âu và vùng Caribean với chương trình biểu diễn kéo dài hàng giờ. Đến nay, bà vẫn nhảy múa và làm biên đạo cho nhiều chương trình ở khu phố Tàu.
“Những năm đầu, cuộc thi Hoa hậu khu phố Tàu ít phức tạp hơn bây giờ. Hiện nay cuộc thi tập trung nhiều hơn vào trí thông minh và sự giáo dục của các cô gái”, bà nói.
Hoa hậu khu phố Tàu không chỉ là cuộc thi có ý nghĩa đối với cộng đồng người Trung Quốc mà với mỗi thí sinh, nó lại mang ý nghĩa riêng.
“Đó là một trải nghiệm thú vị nhưng tôi không nghĩ nó là bước ngoặt trong cuộc sống của mình”, bà Felicia Lowe (74 tuổi) chia sẻ.
Đầu những năm 60, khi Lowe còn là sinh viên đại học, bà được một thành viên trong gia đình động viên tham gia cuộc thi. Trong suốt 2 tuần, bà tham dự các bữa tối xã giao, làm việc với các nhà tổ chức địa phương và biểu diễn một bài hát thể hiện tài năng.
“Mọi chuyện cứ diễn biến khá suôn sẻ. Tôi không cảm thấy cuộc thi quá cạnh tranh. Sau khi kết thúc, tôi trở lại trường đại học”, bà cho biết.
Thế giới song song
Đối với nhà làm phim Chan, việc thuyết phục những biểu tượng sắc đẹp khu phố Tàu một thời tham gia bộ phim tài liệu của mình không dễ dàng.
“Trong văn hóa của chúng tôi, chúng tôi được dạy đừng quá hớ hênh, đừng quá xúc động, đừng quá tọc mạch. Vì vậy việc xây dựng niềm tin với những nhân vật trong bộ phim là rất quan trọng”, anh nói.
Ban đầu, khi Chan giới thiệu về dự án phim, nhiều người, bao gồm cả bà Wong, tỏ vẻ ngập ngừng.
“Họ không cho là câu chuyện của bản thân đặc biệt hay đáng để quay phim”, anh nói.
Chan, một người tị nạn Việt Nam gốc Trung Quốc, sống cách khu phố Tàu ở San Francisco hai dãy nhà và học tiếng Quảng Đông khi lớn lên. Đối với anh, khu phố Tàu là ngôi nhà đầu tiên của nhiều người nhập cư, rồi sau mới chuyển đến các khu phố khác.
Theo bà Yee, cuộc thi sắc đẹp có vai trò quan trọng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, nhưng đó cũng là một ví dụ về sự sớm tách biệt của cộng đồng này.
“Người Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi sống và làm việc ở khu phố Tàu. Bên ngoài đôi khi thật nguy hiểm. Trước những năm 60, người Trung Quốc còn không được phép mua bất động sản bên ngoài khu phố Tàu”, bà nói.
Theo bà Lowe, người Trung Quốc ở San Francisco đã tự thành lập một thế giới song song của mình do bị tách biệt.
“Chúng tôi có nhà thờ và các tổ chức xã hội của riêng mình vì chúng tôi không được hoan nghênh. Bất cứ điều gì xảy ra trong thế giới người da trắng, chúng tôi đều có phiên bản của riêng mình”, bà nói.
Nhìn lại cuộc thi Hoa hậu khu phố Tàu, Yee nói bà rất thích gặp gỡ các cô gái khác và đến ngày nay vẫn liên lạc với nhiều người trong số họ.
Về lý do thực hiện bộ phim You Are Here, Chan chia sẻ anh chưa bao giờ được thấy ông bà của mình. Vì vậy, theo một cách nào đó, việc làm phim về những người lớn tuổi trong những năm cuối đời của họ là cách anh tưởng nhớ ông bà mình.