Hoa hậu Ý Nhi và hành trình vượt qua định kiến
Hành trình chinh phục Miss World của Hoa hậu Ý Nhi vẫn đang tiếp tục. Dù kết quả có ra sao, điều đáng ghi nhận là cô đã vượt qua áp lực, khắc phục khuyết điểm và mang đến một năng lượng tích cực, góp phần làm thay đổi cách nhìn của dư luận.
Từ những dư chấn của mạng xã hội đến bước chân trở lại đấu trường quốc tế, hành trình của Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi không chỉ là câu chuyện của một đại diện nhan sắc mà còn là bài học về nghị lực, sự thấu hiểu và khả năng phục hồi trước sóng gió truyền thông.
Sóng gió từ mạng xã hội.
Miss World – Hoa hậu Thế giới lần thứ 72 đã đi được một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm người phụ nữ sở hữu vẻ đẹp toàn diện. Đại diện Việt Nam tại đấu trường này là Huỳnh Trần Ý Nhi – Miss World Việt Nam 2023.
Nhắc đến Ý Nhi, công chúng từng nhớ đến một thời điểm sóng gió với loạt phát ngôn gây tranh cãi và hậu quả là làn sóng bạo lực ngôn từ kéo dài trên mạng xã hội. Khi đó, sự bức xúc của dư luận, những trào lưu câu view và hiệu ứng đám đông đã đẩy sự việc đi quá giới hạn.
Thay vì góp ý thiện chí, nhiều người chọn cách miệt thị, xúc phạm, tấn công cá nhân. Ý Nhi trở thành mục tiêu công kích, phải chịu đựng những lời lẽ cay nghiệt, nặng nề. Mỗi lần mở điện thoại, cô đều đối diện hàng loạt tiêu đề tiêu cực, những dòng bình luận ác ý – thứ có thể làm tổn thương bất kỳ ai, nhất là một cô gái trẻ.

Im lặng giữa thị phi
Trong lúc áp lực truyền thông lên đến đỉnh điểm, thay vì phản ứng hay thanh minh, Ý Nhi chọn giải pháp im lặng, rút lui khỏi ánh đèn sân khấu. Cô không phản bác, không tiếp tục xuất hiện trên truyền thông, cũng không tham gia các hoạt động đương nhiệm. Một quyết định khó khăn, nhưng cho thấy bản lĩnh.
Sau đó, cô sang Úc du học trong hai năm. Trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc thi Miss World 72, Ý Nhi đã dùng tiền thưởng từ cuộc thi trong nước và khoản lương làm thêm ở nước ngoài để thực hiện dự án thiện nguyện “Hành trình trái tim và khối óc”. Cô xây dựng, sửa chữa trường học, trao tặng tủ sách, tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó có cơ hội tiếp cận tri thức.
Hành trình của sự trưởng thành
Miss World là cuộc thi đề cao vẻ đẹp toàn diện – không chỉ về hình thể mà còn cả trí tuệ, lòng nhân ái và sự trưởng thành từ câu chuyện cá nhân. Ý Nhi bước vào cuộc thi với một năng lượng tích cực, khả năng ngoại ngữ tốt, dự án nhân ái thực chất và sự giao tiếp tự tin với bạn bè quốc tế.
Cách cô quay trở lại, chọn sự điềm tĩnh thay vì ồn ào đáp trả, là câu trả lời sâu sắc cho những định kiến trước đây. Ý Nhi không biến mình thành nạn nhân. Cô âm thầm hoàn thiện, sửa mình và chứng minh bằng hành động – không lời bào chữa.
Một hành trình ý nghĩa không chỉ cho riêng cô, mà còn là hình ảnh tiêu biểu của sự nỗ lực gấp bội để vượt qua định kiến. Từ người từng bị tổn thương bởi cộng đồng mạng, Ý Nhi đã nhận được những lời động viên, ủng hộ từ chính những người từng chỉ trích cô.
Khi sai sót không đồng nghĩa với tội lỗi
Bài học từ sự việc cũng đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm về ranh giới giữa “sai sót” và “tội lỗi”. Một phát ngôn thiếu khéo léo – nếu xuất phát từ sự non nớt, chưa phải là điều cố ý gây hại – không thể đánh đồng với hành vi xấu ác. Sai sót có thể xuất phát từ giới hạn về năng lực, kỹ năng. Điều đáng nói là cách người ta vượt qua nó như thế nào.
Trên mạng xã hội, mỗi người đều có quyền thể hiện chính kiến, nhưng khi quyền ấy đi kèm sự mỉa mai, tấn công, quy kết thái quá thì lời nói có thể trở thành vũ khí gây tổn thương lớn. Với người trẻ tuổi, những vết thương đó không dễ lành – thậm chí có thể để lại hệ lụy về tâm lý lâu dài.
Bài học cho cộng đồng và mỗi người
Nếu ai từng trải qua cảm giác bị tấn công hội đồng, từng thức dậy giữa những lời chửi rủa nhắm vào mình và người thân, sẽ hiểu sâu sắc cái gọi là khủng hoảng tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, sự im lặng không phải yếu đuối mà là một cách ứng xử khôn ngoan và giàu nội lực.
Câu chuyện của Ý Nhi đặt ra một câu hỏi cần thiết: liệu những áp lực chúng ta đối mặt trong cuộc sống đã lớn đến mức ấy chưa? Và khi đối diện với khó khăn, chúng ta chọn buông xuôi hay vượt qua bằng thay đổi chính mình?
Có câu nói: “Khi không thể thay đổi người khác, hãy học cách thay đổi bản thân để thích nghi”. Không phải để vô cảm hay giống với đám đông, mà là để nuôi dưỡng sự bình an trong tâm, trước muôn vàn biến động cuộc sống.
Một góc nhìn nhân văn
Hành trình chinh phục Miss World của Hoa hậu Ý Nhi vẫn đang tiếp tục. Dù kết quả có ra sao, điều đáng ghi nhận là cô đã vượt qua áp lực, khắc phục khuyết điểm và mang đến một năng lượng tích cực, góp phần làm thay đổi cách nhìn của dư luận.
Từ góc nhìn Phật giáo, đây là một ví dụ của việc “chuyển hóa nghiệp lực bằng chính nỗ lực tự thân” – không oán trách, không đấu khẩu, mà chọn tu sửa mình, làm điều thiện và tiến về phía trước trong chánh niệm. Như lời dạy trong Kinh Pháp Cú: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.” (Pháp Cú, câu 103)
Mỗi con người đều có thể vấp ngã, nhưng điều tạo nên giá trị không nằm ở quá khứ đã qua, mà ở khả năng vươn lên bằng sự tỉnh thức, từ bi và dũng cảm.
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm