Hỏa hoạn Trung Kính, bỏ quên trẻ trên xe ở Thái Bình: Không thể quản trị xã hội bằng... cảm xúc

Một vụ hỏa hoạn thảm khốc với nhiều người thương vong, một vụ bỏ quên trẻ trên xe dẫn đến tử vong lại diễn ra dù trước đó đã có tiền lệ...

Sau mỗi tai nạn, sau những phút bàng hoàng của mỗi cá nhân, câu chuyện lại tràn lên mạng xã hội các phương tiện truyền thông và cả những câu chuyện hàng ngày ở buổi chợ, trên mâm cơm mỗi gia đình.

Không dừng lại ở đó một lĩnh vực cũng biến động theo rất nhanh đó là thị trường. Đồng hồ định vị cho trẻ, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm, bình cứu hỏa... tất cả được cấp tập nhập về bày bán. Người dân cũng lên mạng tìm kiếm rồi chen chân ở cửa hàng chọn mua.

Về yếu tố tâm lý, con người luôn có xu hướng bình thường hóa mọi chuyện. Một niềm vui như trúng số, cảm giác lâng lâng cũng không thể kéo dài quá 6 tháng. Một cơn hoảng sợ cũng chỉ kéo dài với khoảng thời gian tương tự.

Vụ hỏa hoạn ở Trung Kính (Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng 14 người

Vụ hỏa hoạn ở Trung Kính (Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng 14 người

Sau một tuần, hai tuần, với những người không trực tiếp liên quan đến vụ việc, tất cả lại quay trở lại với thói quen cũ. Đương nhiên hầu hết ai cũng có những lo toan của riêng mình, của gia đình mình và đa số trong đó là chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền, chuyện học hành của con cái... Đó cũng là nỗi bận tâm gắn liền với đời sống con người từ trong lịch sử.

Nhưng nếu chúng ta lo không đúng cách, lo mà quên đi những quy chuẩn của an toàn của quản trị rủi ro, chúng ta sẽ phải trả giá.

Một gia đình có diện tích đất rộng để xây nhà cho thuê, một ông chủ của chung cư mini... khó có thể nói là họ khó khăn chật vật mưu sinh hay không còn lựa chọn nào khác mà phải bỏ qua những quy chuẩn an toàn. Một giáo viên hàng ngày đưa đón học sinh cũng khó có thể nói là không có khả năng điểm danh, liên lạc với gia đình mỗi khi không thấy học sinh của mình.

Chúng ta luôn có những lựa chọn, và đáng tiếc sau những sợ hãi, những cảm xúc "bồng bột" ban đầu khi sự việc xảy ra, rất nhanh chúng ta lại quay trở về với thói quen thường ngày và với suy nghĩ những rủi ro sẽ không xảy ra với mình.

Vụ hỏa hoạn ở Trung Kính, việc cháu bé ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đều không phải là sự việc xảy ra lần đầu.

Sau cái chết của bé trai trường Gateway vào tháng 8/2019 và tháng 9/2019, một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh. Rất may cháu bé kịp thời được cứu sống. Vào tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4 ở Từ Liêm, Hà Nội cũng bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón. Sau khi tỉnh ngủ, bé đập cửa và được giải cứu.

Sau vụ cháy thảm khốc ở Khương Hạ, tiếp tục có rất nhiều vụ cháy nữa chỉ khác là hậu quả không quá bi thảm. Và người ta chỉ thực sự chú ý khi lại một vụ cháy nghiêm trọng như ở Trung Kính.

Sau những vụ việc điển hình đó, một số trường học đã ban hành quy trình đón - trả trẻ, quy định sử dụng xe đưa đón học sinh sao cho đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sai sót. Tuy nhiên ở mức độ quốc gia vẫn chưa có một văn bản thống nhất mang tính bắt buộc cho tất cả các trường có hoạt động đưa đón học sinh.

Chiếc xe đưa đón học sinh mà cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên suốt một ngày

Chiếc xe đưa đón học sinh mà cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên suốt một ngày

Trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, nhiều quy định đã được ban hành. Thực tế những quy định đó đã đủ chặt chẽ, quá trình thực hiện có đủ để đi vào thực tế đời sống hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn.

Mất bò mới lo làm chuồng, vỡ bát mới kê lại cầu ao cũng là một quy luật của cuộc sống: Thực tế đời sống luôn phong phú và thường đi trước những nhận thức cũng như dự liệu của con người, cơ sở hạ tầng luôn đi trước và quyết định kiến trúc thượng tầng.

Nhưng khi có quá nhiều tai nạn, mà đó là những tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được, thì cũng là lúc chúng ta phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nhà quản lý cũng như trách nhiệm của người trong cuộc và xa hơn nữa là trách nhiệm của mỗi cá nhân cùng sống trong xã hội.

Sẽ chẳng có gì thay đổi tích cực hơn nếu tất cả chỉ dừng lại ở mức làm cho có, làm cho hết trách nhiệm hoặc chỉ trích, phê phán cho "sướng miệng" trên mạng xã hội.

Những mất mát ở các vụ tai nạn đó là không thể bù đắp. Sau những vụ cháy lớn, hàng chục người vĩnh viễn ra đi, những người khác bị thương. Phía sau họ là những gia đình thiếu khuyết đi những thành viên, là những nỗi ám ảnh khó nguôi ngoai.

Về mặt quản trị xã hội cũng như trong cuộc sống con người nói chung không thể hành xử thuần theo cảm xúc tâm lý. Các biện pháp quản lý cũng không phải chỉ bao gồm các giải pháp tình thế. Cần hơn nữa những động thái quyết liệt, những giải pháp đột phá để những cái chết thương tâm không còn tiếp tục xảy ra...

Tiểu Di

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoa-hoan-trung-kinh-bo-quen-tre-tren-xe-o-thai-binh-khong-the-quan-tri-xa-hoi-bang-cam-xuc-20240531152631872.htm