Hoa hồng cổ vào đất phương Nam

Ở miền quê Bắc Bộ, những khóm hoa hồng cổ hiện diện trước sân nhà là một hình ảnh trở nên thân thuộc từ xa xưa. Vài năm trở lại đây, những cây hồng cổ quý giá đó đã bắt đầu tỏa hương, khoe sắc ở miền đất phương Nam đầy nắng gió...

Trước đây, người Sài Gòn hay trồng lan, tết thì chơi mai. Như ở quận Thủ Đức có cả một làng trồng mai rộng lớn nổi tiếng. Còn vườn hoa lan thì nhiều vô kể. Nhưng bây giờ, làng mai Thủ Đức cũng như các vùng lân cận không còn bao nhiêu, nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng và kinh doanh các loại hoa khác, trong đó đặc biệt là hoa hồng cổ Việt Nam. Đi dọc trục Đại lộ Phạm Văn Đồng thuộc địa bàn quận Thủ Đức, người ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự chuyển mình đó, những vườn mai đang dần trở thành vườn hồng cổ lúc nào cũng ngập tràn hương sắc.

Anh Bình chủ vườn Osaka cắt tỉa hoa hồng cổ tại vườn ở Thủ Đức

Anh Bình, chủ vườn hoa hồng cổ lớn nhất trên đường Phạm Văn Đồng (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cho biết, anh vừa chuyển sang trồng hồng cổ hơn 1 năm nay. Nếu ngày trước anh có thời gian dài gắn bó với cây mai thì bây giờ anh không còn tự tin với mai nữa. Nó không còn mang lại kinh tế cho anh, cũng không được nhiều người lựa chọn như ngày trước, thay vào đó là hoa hồng cổ, bởi một điều đơn giản: Trong 1 năm, cây mai chỉ cho hoa duy nhất vào dịp tết, còn lại chỉ ngắm… lá, nhưng hồng cho hoa quanh năm, mỗi tháng một lứa hoa rực rỡ, thơm nồng. Đó là sự khác biệt rõ rệt nhất của hai loài hoa khiến nhiều nhà vườn chọn lựa.

Ngoài ra, anh Bình cho biết thêm, trồng hồng ít rủi ro hơn mai, cây mai có thể đột ngột chết mà không thể cứu nổi, nhưng với cây hồng thì không. “Bây giờ, nếu cầm vài chục triệu đồng để mua một gốc mai thì tôi sẽ rất đắn đo, nhưng với hồng cổ thì không” - anh Bình nói. Và đó cũng là lý do khiến phong trào trồng hồng cổ lan rộng ở Sài Gòn.

Nói đến hồng, nhiều nghĩ rằng đó là loài hoa ở tận trời Âu, hay là loài hoa bản địa ở vùng lạnh như Đà Lạt, Sa Pa, không mấy ai ngờ rằng, giữa TP HCM quanh năm nắng nóng vẫn có thể nở ra những bông hồng thơm ngát. Sự thật là có rất nhiều giống hồng ưa nắng nóng, càng nhiều nắng thì càng dễ trồng, sai hoa. Ngay cả với hồng cổ Sa Pa, giống hồng bản địa vùng Sa Pa lạnh giá, sương phủ quanh năm, nhưng vẫn tỏ ra rất thích nghi với khí hậu miền Nam. Tuy hoa không to như ở xứ lạnh nhưng hồng cổ Sa Pa ở TP HCM vẫn rất sai hoa, chuẩn màu.

Hiện tại, ở Việt Nam, ngoài các giống hồng đã du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc được gọi là “hồng cổ” như Sa Pa, Vân Khôi, hồng Đào… còn có hàng trăm giống hồng ngoại, chủ yếu là các giống hồng của Anh, Pháp, Nhật đang được các nhà vườn mua về nhân giống và cung cấp cho dân chơi hoa hồng. Nhưng người chơi vẫn thích hồng cổ hơn bởi những ưu điểm mà hồng ngoại không có được: Dễ trồng, phát triển nhanh, sai hoa, phù hợp khí hậu nên ít sâu bệnh.

Chị Trang, nhà ở quận 2, có một vườn hoa hồng quanh nhà với cả trăm gốc hồng. Ngày trước, chị chỉ trồng các giống hồng ngoại nhập nhưng gần đây chị cũng chuyển sang trồng thêm hồng cổ Sa Pa, hồng Đào… Chị nói, hồng cổ đỡ tốn công chăm sóc, phù hợp với những người bận rộn.

Vườn hồng thương mại Osaka của anh Bình cũng vậy, chỉ có một số ít giống hồng ngoại mà anh chọn lựa rất kỹ, phần lớn là các giống hồng cổ. “Đối với hồng ngoại, không phải thích giống nào là đem về trồng cũng được, bởi khác biệt khí hậu nên rất khó chăm sóc, dễ sâu bệnh hoặc là lâu lắm mới ra hoa” - anh Bình nói. Vì vậy mà anh ưu tiên trồng giống hoa hồng cổ.

Anh Bình khoe vừa xuất đơn hàng hoa hồng cổ trị giá 600 triệu đồng cho một khách trồng tại khu nghỉ dưỡng, trong đó cây hồng Đào là giá trị nhất, tới gần 150 triệu đồng. Đó là một cây hồng thuộc hàng cổ thụ, trên 50 năm tuổi. Những cây hồng này, theo anh Bình, được các nhà vườn phía Bắc đi săn lùng, mua của nhà dân, trong các dinh thự thời Pháp ngày trước. Anh mua lại từ các nhà vườn để chuyển vào TP HCM bán.

Đến tham quan vườn hồng cổ của anh Bình, người “chơi hoa” không chỉ choáng ngợp bởi hàng trăm cây hồng cổ đang đua nở, khoe sắc rực rỡ mà còn ngỡ ngàng vì lần đầu tiên nhìn thấy những cây hồng cổ thụ. Trong vườn anh Bình hiện có hàng chục cây hồng leo cổ Hải Phòng cao khoảng 4m đang nở hoa đỏ rực cả một gốc vườn. Mỗi cây cho hàng chục bông hoa, mỗi bông to bằng bát cơm. Bên cạnh đó là những cây hồng cổ Sa Pa, Vân Khôi, Đào, Bạch Ho… tất cả đều là hồng lâu năm, hiếm có.

Từ một người trồng mai chuyển sang trồng hoa hồng, ban đầu anh Bình cũng gặp không ít khó khăn trong cách chăm sóc. Theo anh, không phải hồng khó chăm sóc như mọi người nghĩ mà quan trọng là phải hiểu cây. Hồng ngoại hay hồng cổ Việt Nam đều vậy, từ cách trộn đất trồng, đến tưới nước, bón phân và trị bệnh đều phải theo… ý cây. Anh Bình đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, quan sát tỉ mỉ, lắng nghe cây hồng mỗi ngày, xem nó như một cơ thể sống thực thụ.

Hầu như chưa một ai dám bảo hành cây hồng cho khách như vườn của anh Bình. Nếu về nhà khách mà hồng bị bệnh thì chỉ cần chụp hình rồi gửi cho anh, anh xem và có thể bắt mạch đúng “bệnh”, sau đó “bốc thuốc” chữa trị. Chỉ cần khách xử lý đúng theo “đơn thuốc” của anh Bình là cây sẽ khỏi. Còn nếu cây chết, anh sẵn sàng đền khách một cây tương tự. “Sở dĩ tôi dám bảo hành vì tôi tin vào phương pháp chăm sóc cây hoa của mình”, anh Bình cho biết.

Chị Th - chủ một nhà vườn chuyên bán sỉ hồng cổ ở Hà Nội cho biết, 2 năm gần đây hồng cổ “lên cơn sốt”. Hằng tuần có khoảng trăm cây hồng cổ được chị chuyển vào các nhà vườn trong Nam. Chị nói, từ TP HCM cho đến các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ, khắp nơi đua nhau mở vườn hồng cổ. Còn ở các tỉnh ngoài Bắc, nhiều nông dân cũng mạnh dạn đầu tư lên luống trồng hồng ngay trên ruộng lúa. Hiện tại, những cánh đồng hoa hồng cổ rực rỡ đã xuất hiện rất nhiều ở Thái Bình, Quảng Ninh, ngoại thành Hà Nội…

Sẽ rất thú vị nếu như một ngày không xa, hoa hồng cổ Việt Nam sẽ khoe sắc ở khắp mọi nhà trên mọi miền đất nước chứ không phải chỉ là loài hoa bản địa phía Bắc. Đó cũng là cách lưu giữ và nhân rộng một nét đẹp văn hóa của một loài hoa mang tên “hồng cổ” Việt Nam. Hơn nữa, trồng một cây hoa là hành động hướng đến cái đẹp trong tâm hồn, để lòng người ấm áp hơn. Ở miền Tây Nam Bộ, rất nhiều con đường quê đã được trồng hoa hai bên đường. Bởi người nông dân nơi đây tin rằng, ngoài có tác dụng dẫn dụ sâu bọ có hại để bảo vệ mùa màng thì mỗi sáng bước ra đồng trên con đường hoa, lòng người yên bình và ấm áp hơn.

Sẽ rất thú vị nếu như một ngày không xa, hoa hồng cổ Việt Nam sẽ khoe sắc ở khắp mọi nhà trên mọi miền đất nước chứ không phải chỉ là loài hoa bản địa phía Bắc. Đó cũng là cách lưu giữ và nhân rộng nét đẹp văn hóa của một loài hoa mang tên “hồng cổ” Việt Nam.

Hoàng Lãm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hoa-hong-co-vao-dat-phuong-nam-522021.html