Hoa kiểng miền Tây nhộn nhịp vào Xuân

Tết năm nay, người trồng hoa kiểng tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) rất phấn khởi để chuẩn bị cho ra thị trường 3 triệu sản phẩm các loại, tương đương với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của nhiều người chuyên trồng thì Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có nhiều thuận lợi hơn như: Thời tiết diễn biến tốt, giá cả tương đối ổn định, lượng đặt hàng tăng cao, trong đó phần lớn là từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và thị trường Campuchia...

Người dân chăm sóc mai vàng tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trương Thanh Liêm

Người dân chăm sóc mai vàng tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trương Thanh Liêm

Người trồng phấn khởi

Ngoài những sản phẩm quen thuộc như: Các loại cúc, hướng dương, hoa treo, mai chậu, các loại kiểng lá, cây ăn trái trồng trong chậu, các loại mai kiểng mini, hoa giấy..., nhiều nhà vườn ở thành phố Sa Đéc đã chuẩn bị khá nhiều tiểu cảnh mới lạ phục vụ du khách trong và ngoài nước. Một điểm chek-in mới lạ và đầy hấp dẫn mà Tết này làng hoa Sa Đéc mới xuất hiện, đó là điểm tham quan Câu lạc bộ mai vàng Sa Đéc (tọa lạc tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc) với hơn 100 cây mai vàng cổ từ 60 đến trên 100 năm tuổi. Mỗi cây hiện có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, tùy thuộc tuổi đời, dáng, thế độc, lạ, ý nghĩa tâm linh, phong thủy... Đặc biệt là trong vườn mai cổ này đang sở hữu một gốc mai trên 100 tuổi được chủ nhân dát vàng lên thân cây. Tác phẩm này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mai vàng Sa Đéc cho biết: “Đây là cái Tết đầu tiên du khách được tham quan, tìm hiểu, ghi ảnh, quay phim trong khu vườn mai cổ độc nhất miền Tây tính đến thời điểm hiện nay, hy vọng nhiều du khách sẽ cảm thấy hài lòng, thú vị khi đến đây”.

Nét mới trong sắc Xuân hoa kiểng miền Tây năm nay là sự có mặt của Hợp tác xã hoa kiểng Xáng Mới (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Dù chỉ mới hoạt động chưa tròn 2 năm, nhưng năm nay, hợp tác xã cung ứng khoảng 180.000 sản phẩm hoa kiểng, tăng 25% so với năm trước với các chủng loại: Cát tường, cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, mai vàng...

Tại “vương quốc” hoa kiểng huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), người trồng đang rất phấn khởi lao động để có được một vụ mùa bội thu về sản lượng lẫn giá cả với nhiều tín hiệu lạc quan. Năm nay, huyện Chợ Lách xuống giống trên 600ha hoa kiểng với hơn 4.000 hộ tham gia, nơi tiêu thụ lớn nhất vẫn là thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Lạc quan nhưng vẫn trong tư thế cảnh giác

Theo dự báo của nhiều nhà vườn ở miền Tây, do dịch Covid-19 diễn biến khá nghiêm trọng ở các quốc gia trên thế giới nên du khách trong nước hạn chế du lịch nước ngoài và chuyển hướng sang đón Tết trong nước, trong đó, các làng hoa Đà Lạt, Sa Đéc, Chợ Lách đang là điểm đến khá lý tưởng và phù hợp nhất. Do vậy, nhiều nông dân đã đi trước đón đầu với nhiều loại hoa kiểng, trái độc, lạ, hấp dẫn để phục vụ du khách dịp Tết năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Lộc, Giám đốc Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc hy vọng, người trồng, kinh doanh hoa kiểng sẽ có một mùa bội thu để đón một cái Tết thật sung túc. Thế nhưng, một số người trồng hoa lại đang lo âu trước sự xuất hiện của các trận mưa lớn, gần đây nhất là vào trung tuần tháng 12-2020.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn mặn diễn biến phức tạp, nhưng diện tích trồng hoa Tết ở Chợ Lách vẫn giữ ổn định như mọi năm. Dự kiến, sẽ có khoảng 17 triệu sản phẩm phục vụ thị trường như: Mai vàng, kiểng tắc, hoa giấy, cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc vạn thọ, mào gà, hoa treo các loại...”.

Ông Nguyễn Thành Thu, ngụ tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách lo lắng nói: “Giai đoạn cận Tết như hiện nay là thời điểm quyết định sự thắng, bại của cả năm. Nếu thời tiết thuận lợi là bội thu, còn nếu có mưa, bão kéo dài thì thất thu là chuyện đương nhiên. Bây giờ vẫn chưa khẳng định được gì và vẫn đang trong tư thế đối phó với những tình huống xấu nhất”

Theo bà Lê Thị Tuyền, ngụ tại ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Thương lái bây giờ tính toán chặt chẽ lắm. Họ không đặt cọc nhiều như trước để đề phòng mưa, bão, sâu bệnh, giá cả sụt giảm bất thường. Do đó, người trồng hoa rất lo lắng khi thời tiết diễn biến xấu”.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khuyến cáo: “Nếu giá cả hợp lý, người dân nên bán sản phẩm hoa Tết tại vườn khi có thương lái đến mua, không nên “neo” sản phẩm chờ tăng giá cận Tết. Cùng với duy trì các thị trường tiêu thụ truyền thống, người trồng nên tăng cường bán hoa Tết online”.

Một không khí sôi động tại các làng hoa miền Tây với nhiều tín hiệu khả quan đã và đang diễn ra, hy vọng sẽ mang lại một cái Tết sung túc cho người trồng hoa kiểng.

Trương Thanh Liêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-kieng-mien-tay-nhon-nhip-vao-xuan-post436267.html