Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam: Những tác động tích cực

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức ban hành kết luận sơ bộ về thuế chống bán phá giá (CBPG) mật ong Việt Nam từ mức trên 410% xuống còn 58,74 - 61,27%. Với kết luận này, theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương, thị trường Hoa Kỳ đã được mở trở lại đối với mật ong Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào việc Hoa Kỳ giảm mức thuế CBPG đối với mật ong Việt Nam và tác động của mức thuế này đối với ngành sản xuất này?

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Như chúng ta biết, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng về mức phá giá trong vụ việc điều tra CBPG mật ong nhập khẩu từ Argentina, Barzil, Ấn Độ, Việt Nam. Cụ thể, thuế CBPG dành cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã từ mức 410,93 - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74 - 61,27%. Mức giảm này có thể nói là rất lớn, so với kết luận sơ bộ, biên độ bán phá giá cho Việt Nam ở kết luận cuối cùng giảm gần 7 lần. Đặc biệt, tác động của mức thuế này rất rõ ràng và đặc biệt quan trọng đối với ngành mật ong Việt Nam, bước đầu đã tháo gỡ khó khăn cho DN khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Nếu như trước đây, mức thuế sơ bộ trên 410% khiến thị trường Hoa Kỳ hoàn toàn đóng cửa với mật ong Việt Nam thì với mức thuế trung bình khoảng 60% này, có nghĩa đã mở cửa lại thị trường Hoa Kỳ đối với mật ong của chúng ta. Theo đó, các DN có thể tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ - một thị trường quan trọng tiêu thụ tới 80% sản lượng mật ong Việt Nam. Đồng thời, việc tiếp tục xuất khẩu là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để chúng ta có thể yêu cầu, đề nghị Hoa Kỳ rà soát, giảm thuế tiếp trong giai đoạn sắp tới.

Mặc dù giảm, nhưng hiện mức thuế Hoa Kỳ áp dụng với mật ong Việt Nam vẫn còn tương đối cao. Vậy, DN xuất khẩu mật ong Việt Nam có cơ hội nào để được giảm tiếp thuế trong thời gian tới?

Như tôi đã chia sẻ, kết luận sơ bộ của DOC rất tích cực, tác động lớn đến ngành mật ong Việt Nam. Theo quy định của WTO và Hoa Kỳ, các DN có thể yêu cầu Hoa Kỳ rà soát thuế hàng năm hoặc rà soát nhà xuất khẩu mới để có mức thuế hợp lý. Đặc biệt, chúng ta có thể tiếp tục nêu ý kiến với Hoa Kỳ về tác động của việc áp thuế CBPG mật ong Việt Nam đối với chính người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ, để có đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Hoa Kỳ nhằm đảm bảo lợi ích của nhà sản xuất mật ong cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ.

 Việc giảm thuế bước đầu đem lại tín hiệu tích cực cho ngành mật ong Việt Nam

Việc giảm thuế bước đầu đem lại tín hiệu tích cực cho ngành mật ong Việt Nam

Thực tế, một số ngành xuất khẩu của chúng ta như cá tra, basa, tôm ở kết luận điều tra CBPG ban đầu luôn bị áp dụng mức thuế rất cao. Tuy nhiên, qua các năm thực hiện kỳ rà soát, nhiều DN đã được giảm thuế, thậm chí xuống mức 0%, từ đó duy trì, thậm chí tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Như vậy, với việc tiếp tục xuất khẩu được sang Hoa Kỳ, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ người nuôi ong, ngành sản xuất và cả DN xuất khẩu mật ong, tôi tin rằng, các DN của chúng ta có thể được giảm thuế tiếp trong thời gian tới.

Dự kiến, Hoa Kỳ sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 23/5/2022. Bộ Công Thương sẽ triển khai các hoạt động gì để hỗ trợ DN xuất khẩu mật ong trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ, phối hợp với người nuôi ong, ngành mật ong Việt Nam ứng phó với vụ việc này. Bộ Công Thương cũng đã bày tỏ rõ quan điểm với phía Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ thực hiện các cuộc điều tra đánh giá công bằng, tuân thủ đúng quy định của WTO. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần trao đổi trực tiếp với các cấp của Hoa Kỳ về vụ việc, đề nghị đảm bảo lợi ích chính đáng của người nuôi ong Việt Nam.

Qua vụ việc này, có thể nói, các cơ quan quản lý của Việt Nam, Chính phủ tới các bộ, ngành, Hội Nuôi ong và DN xuất khẩu đã rất chủ động, tích cực ngay từ ban đầu khi vụ việc khởi xướng điều tra. Trong quá trình điều tra, chúng ta phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ để lên tiếng, nêu đề nghị Hoa Kỳ có đánh giá khách quan. Đồng thời, đánh giá đầy đủ tác động của vụ việc không chỉ với ngành ong, người nuôi ong mà cả người tiêu dùng Hoa Kỳ, cũng như Hoa Kỳ cần đánh giá tác động môi trường nếu như mức thuế áp dụng quá cao đối với mật ong Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện những bước tiếp theo, kể cả việc hướng dẫn người nuôi ong, DN chuẩn bị thông tin, số liệu thực hiện các yêu cầu rà soát, đảm bảo được hưởng mức thuế phù hợp, phản ánh đúng thực tiễn hoạt động sản xuất của ngành ong Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục bày tỏ quan điểm với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ cho đến khi Hoa Kỳ ban hành kết luận về thiệt và có lệnh áp thuế chính thức. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như khai thác, đa dạng hóa các thị trường quốc tế ngoài Hoa Kỳ; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có mức giảm thuế về 0% đối với sản phẩm mật ong Việt Nam.

Qua vụ việc này, ông có khuyến nghị nào tới DN xuất khẩu mật ong cũng như DN các ngành sản xuất khác trong việc ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài trong bối cảnh hội nhập, tham gia các FTA của nền kinh tế?

DN Việt Nam đa số là DN nhỏ và vừa, trong khi PVTM là vấn đề mới, phức tạp trong thương mại quốc tế. Mặc dù nhận thức, hiểu biết của các DN về PVTM đã cải thiện, nhưng cần được đẩy mạnh hơn. Chính phủ cũng đã ban hành Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia FTA, đề ra hàng loạt giải pháp để nâng cao nhận thức của DN, ngành sản xuất, cơ quan quản lý trong ứng phó, sử dụng hiệu quả biện pháp PVTM, bảo vệ lợi ích của chúng ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên thực tế, DN ngành ong cũng như các ngành sản xuất khác đang có nhiều vấn đề phải cải thiện thời gian tới. Đặc biệt, nếu chúng ta mong muốn có kết quả rà soát thuận lợi, tích cực hơn trước các vụ điều tra PVTM bắt buộc phải đổi mới quản lý, áp dụng phương thức sản xuất hiện đại; tập trung đa dạng hóa thị trường nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường cũng là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến PVTM cũng như các vấn đề pháp lý trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-ky-giam-thue-chong-ban-pha-gia-doi-voi-mat-ong-viet-nam-nhung-tac-dong-tich-cuc-175976.html