Hoa Kỳ tài trợ 21,7 triệu USD giúp Việt Nam cải thiện thủ tục hải quan
Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ được thực hiện trong 5 năm nhằm mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro đối với cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ vừa được khởi động sáng nay 10/7. Dự án đã được Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản và Tổng cục Hải quan là chủ dự án.
Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2018 - 2023), tổng vốn đầu tư dự án là 22,225 triệu USD trong đó vốn ODA không hoàn lại là 21,785 triệu USD ( tương đương gần 500 tỷ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam là 440 nghìn USD (tương đương 10 tỷ đồng).
Trong đó, Hoa Kỳ sẽ tài trợ 21,785 triệu USD cho Việt Nam nhằm cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giải hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mục tiêu cụ thể của dự án là triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, tạo thuận lợi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, áp dụng quản trị rủi ro nhằm tạo thuận lợi thương mại cũng như thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực cho các cán bộ hải quan và quan hệ hợp tác giữa hải quan và khu vực tư nhân.
Việc này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn và dễ dự đoán hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng như các nhà thương mại và đầu tư quốc tế.
Chiến lược thực hiện của dự án sẽ từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh. Ở cấp Trung ương, dự án sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các bộ chủ quản; hỗ trợ đổi mới chính sách về tạo thuận lợi thương mại; hỗ trợ Ủy ban 1899; đẩy mạnh quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.
Ở cấp tỉnh, dự án sẽ tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương; hỗ trợ thực hiện Hiệp định TFA; góp phần cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ áp dụng thống nhất các thủ tục giữa các tỉnh; đẩy mạnh quan hệ đối tác với khu vực tư nhân...