Hòa Lạc, Ba Vì tiếp tục 'dậy sóng': Đất làng, đất xã tăng giá 3 lần trong 1 năm

Bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, giá đất mạn Hòa Lạc, Ba Vì- Hà Nội và các xã xung quanh, trong bán kính 20 km đều tăng chóng mặt. Thời điểm này, ở các vùng này, đâu đâu cũng thấy người lên xem đất, mua đất.

Trong bán kính 20 km quanh Hòa Lạc, đất làng hóa “vàng”

5 năm gần đây, Hòa Lạc - Ba Vì luôn là “tâm điểm” hút vốn của thị trường bất động sản Hà Nội. Ngay trong năm 2020, bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, giá đất Hòa Lạc và các xã xung quanh, trong bán kính 20 km tăng đều 2 - 3 lần, thậm chí có nơi tăng lên 4 lần.

Đất quanh khu vực hồ Đồng Chanh liên tục lên giá.

Tuấn Anh, một chuyên viên môi giới bất động sản tại Hòa Lạc tiết lộ: Ở thời điểm hiện tại, xung quanh hồ Đồng Chanh, Lương Sơn (Hòa Bình) chính là vị trí “chiến lược”, đang hấp dẫn nhà đầu tư ở mọi nơi tìm tới.

Tuấn Anh cho biết: Đang có tập đoàn lớn triển khai giai đoạn 2, một dự án nhà máy “khủng” tại khu vực này. Do đó, trong thời gian tới, giá đất vẫn sẽ tiếp tục tăng theo chiều thẳng đứng.

“Đầu năm 2020, giá đất xung quanh hồ Đồng Chanh có giá 1,1 triệu đồng/m2, nhưng nay đã tăng lên 3 triệu đồng/m2, có nơi chủ đất còn rao bán 4,5 triệu đồng/m2, tăng hơn 4 lần sau 1 năm”, Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, một số lô đất đẹp có diện tích lớn, khoảng 8.000 - 10.000 m2, có giá tương đối thấp, khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Tuấn Anh giải thích, các lô đất lớn kén người mua, do dòng vốn ban đầu đổ vào đây tương đối cao. Trong khi các lô đất dưới 1.000 m2 đang có hiện tượng “cháy hàng”.

Không chỉ xung quanh hồ Đồng Chanh, tại khu vực Đầm Sản, xã Quang Minh- huyện Ba Vì, giá đất cũng đã tăng gấp đôi, dao động trong khoảng 270 triệu đồng/sào đất 360 m2, tương đương 750.000 đồng/m2.

Những thửa đất tại đây thường được rao bán từ 3 sào trở lên, tương đương 1.100m2. Trong đó, có khoảng vài trăm m2 là đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Tương tự, đất nền tại Ba Vì cũng tăng từ vài trăm nghìn, lên 1 - 1,2 triệu đồng/m2. Khu vực xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, giá đất cũng tăng từ 1,8 triệu đồng lên 3 triệu đồng/m2, chỉ trong 1 năm ngắn ngủi.

Cẩn trọng khi giao dịch

Theo tìm hiểu của PV Báo Nhà báo và Công luận vào sáng 15/3, mặc dù đất Hòa Lạc tăng trưởng rất “nóng” trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, khi rót vốn vào khu vực này, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi giao dịch.

Nườm nượp khách lên xem đất, những người nông dân bỗng trở thành "cò" đất.

Thứ nhất, đất Hòa Lạc chủ yếu là đất nông nghiệp, thậm chí nhiều nơi là đất rừng. Nên khi giao dịch, chủ yếu là giấy viết tay. Việc giao dịch đất nền qua giấy viết tay có rất nhiều rủi ro. Trong trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư sẽ mất trắng nếu không chứng minh được nguồn gốc đất.

Thứ hai, do tính chất phức tạp của nguồn gốc đất, nên một lô đất Hòa Lạc đã xuất hiện tình trạng tranh chấp.

Thứ ba, tình trạng “thổi giá”, “hét giá” xuất hiện tương đối phổ biến. Một số nơi xuất hiện tình trạng “cò” đất tự giao dịch, nhằm đẩy giá đất lên cao.

Do đó, giới chuyên gia nhận định, nhà đầu tư cần phải tỉnh táo trước khi rót vốn vào khu vực Hòa Lạc, Ba Vì nhất là thời điểm “nóng sốt” như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết: 10 năm trước, khu vực Ba Vì - Hòa Lạc từng xuất hiện “sốt đất” và trở thành nỗi ác mộng của nhiều nhà đầu tư thời kỳ đó.

Thời điểm này, dù giá đất Ba Vì - Hòa Lạc không “phình” to như 10 năm trước, nhưng với tốc độ tăng giá phi mã như hiện nay cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư cẩn trọng.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoa-lac-ba-vi-tiep-tuc-day-song-dat-lang-dat-xa-tang-gia-3-lan-trong-1-nam-post123442.html