Hoa lan trên gỗ lũa
Như bao người dân có khát vọng làm giàu, anh Nguyễn Văn Tịnh (53 tuổi, trú tổ 6, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ , TP Đà Nẵng) khi lập nghiệp đã chọn nghề nuôi và bán chim cảnh để mưu sinh hơn 15 năm. Tuy nhiên, do một sự tình cờ và niềm đam mê đã 'dẫn đường' cho anh thêm một hướng mới:- tạo các tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ hoa phong lan ghép trên gỗ lũa cách đây 5 năm.
Như bao người dân có khát vọng làm giàu, anh Nguyễn Văn Tịnh (53 tuổi, trú tổ 6, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ , TP Đà Nẵng) khi lập nghiệp đã chọn nghề nuôi và bán chim cảnh để mưu sinh hơn 15 năm. Tuy nhiên, do một sự tình cờ và niềm đam mê đã "dẫn đường" cho anh thêm một hướng mới:- tạo các tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ hoa phong lan ghép trên gỗ lũa cách đây 5 năm.
Chúng tôi rất ấn tượng và ngỡ ngàng khi đến tham quan cơ sở trồng phong lan ghép trên gỗ lũa của anh Tịnh rất quy mô với diện tích 200m2 tại cơ sở Tịnh Tâm, số 154-156 Lê Đại Hành (Q. Cẩm Lệ). Đến đây, mọi người như lạc vào một không gian "non bộ", rừng gỗ lũa độc đáo, thiên hình vạn trạng với hàng 100 tác phẩm đặc sắc từ hoa lan ghép trên gỗ lũa đang khoe màu khoe sắc tạo nên một không gian sống động khi xuân về.
Anh Tịnh cho hay, trước đây, trong những lần đi mua chim cảnh nơi núi rừng xứ Quảng, anh có dịp chiêm ngưỡng những gốc, rễ gỗ lũa nằm lăn lóc bên suối hay lấp ló dưới khe suối. Những "tác phẩm" này có cái dáng dấp những dãy núi xanh lơ tít tắp cuối chân trời hay những ngọn núi kỳ vĩ với những hang, động, khe suối gập ghềnh trong các bức họa "cao sơn- thủy mặc" của người xưa. Những tác phẩm từ gỗ lũa kia đã dần thành "lối mòn" ăn sâu vào ký ức của anh Tịnh và trở thành chủ đề các tác phẩm độc đáo của anh sau này.
Theo anh Tịnh, ngắm nhìn những đóa hoa trong giấy chỉ cho ta ấn tượng nào đó nhưng không thể nào cho chúng ta thưởng thức vẻ đẹp toàn diện cả hương lẫn sắc của một bông lan thực thụ. Cảm giác này cũng như xem một thiếu nữ trong tranh vẽ hay một bức ảnh chân dung, khác xa với việc chiêm ngưỡng tận mắt dung nhan và duyên dáng của mỹ nhân bằng xương bằng thịt. Song, vẻ đẹp của mỹ nhân và hoa lan tại tùy thuộc một phần nào vào khung cảnh chung quanh. Đóa phong lan hoang dã mọc trên cây hay được gắn vào "gỗ lũa" dù sao cũng có một vẻ đẹp thiên nhiên hơn là lan trồng trong chậu nên xu thế trở về với thiên nhiên luôn được khách hàng ưu tiên chọn lựa.
Chị Ngô Thị Thủy (53 tuổi, vợ anh Tịnh) cho biết: "Gỗ lũa đạt yêu cầu thẩm mỹ để ghép lan là phải phần ròng của gốc, rễ, thân của các cây danh mộc như trai, nghiến, muồng, sơn đào... Gỗ lũa rất cứng, không mối mọt nào ăn được, không bị cong vênh hay ảnh hưởng mưa nắng. Có nhiều loại gỗ lũa: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được bào mòn từ dòng nước chảy... Mỗi loại lại có đặc điểm riêng: Gỗ lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; gỗ lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; gỗ lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp. Gỗ lũa cũng không bao giờ trùng lặp. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng ghép cho cây lan sống khỏe, cây lan cho hoa đẹp. Đặc biệt, năm 2020, miền Trung xảy ra thiên tai bão lũ triền miên nên số gỗ lũa do nước lũ cuốn trôi về hạ lưu các con sông, suối khá nhiều nên chúng tôi thu nhặt, mua về để làm nguyên liệu ghép hoa phong lan...".
"Trước khi ghép lan vào gỗ lũa nên vệ sinh gỗ lũa sạch sẽ, ngâm với nước vôi vài ngày rồi đem ra phơi khô. Sau đó tiếp tục ngâm với nước có pha hỗn hợp NPK Lân Kali vài ngày cho no nước rồi đem ra ghép lan. Đối với lan: Những cây lan trong vườn nhà khi thay giá thể để ghép vào gỗ lũa nên tránh làm cây bị dập lá, hư bộ rễ. Với những cây mới mua về nên cắt tỉa gọn gàng, bỏ hết những lá và rễ bị dập hỏng. Sau đó ngâm trong dung dịch Physan 20 (liều 1ml pha 1 lít nước) để diệt nấm khuẩn trong 10- 15 phút. Khi bạn mang ra để ráo nước rồi ngâm các chất kích thích ra rễ nảy chồi sau đó ghép thì tỷ lệ lan bị thối nhũn là rất thấp. Có thể thay thế Physan20 bằng Nano bạc hoặc Benkona... Tiến hành ghép lan vào gỗ lũa. Cách đơn giản nhất là dùng dây ni-lông hoặc dây xiết bằng nhựa cố định cây lan vào lũa. Chú ý phải buộc thật chắc. Đối với những loại lan đơn thân ghép trên những cục lũa to nên dùng đinh để cố định cây. Ngoài ra ta cũng có thể khoan 1 lỗ nhỏ vào gỗ sau đó dùng tre hoặc thanh sắt cắm vào lỗ. Dùng dây rút cố định chặt cây lan vào thanh sắt đó. Đợi khi bộ rễ bám chắc vào giá thể ta có thể gỡ ra để tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm...", anh Tịnh chia sẻ kinh nghiệm và cho biết thêm, tùy theo các loại lan mà ta ghép vào mỗi loại gỗ lũa cho thích hợp mới cho các tác phẩm đẹp như: Lan đơn thân là những loại lan sinh trưởng đơn lẻ, không mọc theo khóm, 1 cây thường có 1 thân như Đai Châu, Sóc ta, Sóc lào, Đuôi Cáo, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, Hoàng Nhạn, Bạch Nhạn, Hải Yến...; Lan đa thân như: Phi điệp tím, Phi Điệp Vàng, Hạc Vỹ, Long Tu, Thập Hoa, Hương Vani, Kèn, Ngọc Thạch, Ý Thảo...
Anh Tịnh cho biết, hiện nay cơ sở có khoảng 400 loại phong lan (trong đó cơ sở tự trồng 30% hoa lan, còn 70 % nhập ở Đà Lạt về) với hơn 1.000 tác phẩm gỗ lũa ghép có giá: Loại nhỏ (300.000 đồng- 2.500.000 đồng / tác phẩm; loại lớn 500.000- 5.000.000 đồng/ tác phẩm). Cơ sở sản xuất có 4 "nghệ nhân" làm việc, sau khi trừ các khoản chi phí trung bình thu nhập mỗi người 500.000 đồng/ người/ ngày. Trong những ngày giáp Tết Tân Sưủ2021, nhu cầu chưng Tết của người dân tăng cao, được sở hữu một vài tác phẩm độc đáo chưng trong ngày Tết là sự lựa chọn hoàn hảo, tuyệt vời đối với những người yêu hoa lan nhân dịp Tết đến xuân về.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_238089_hoa-lan-tren-go-lua.aspx