Hoa lông chông

Vốn chỉ là loài cỏ dại mọc trên những cồn cát dọc bãi biển miền Trung, chẳng biết tự bao giờ, cỏ lông chông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật...

Hoa lông chông – loài hoa khiến người ta liên tưởng đến vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng kiên cường, mạnh mẽ của những người phụ nữ vùng biển.

Cỏ lông chông là loài cây mọc thành bụi thấp, ngoài tác dụng chắn cát, còn được bà con vùng biển sử dụng làm dược liệu. Cây cho hoa hình cầu, dày đặc, đường kính 10-20cm, mang nhiều bông trên các nhánh cứng. Hoa đầu cái to đến 30cm, bông nhỏ 2 hoa; hoa dưới lép, hoa trên là hoa cái hoặc lưỡng tính, cụm hoa cái rụng xuống, mang theo hạt giống lăn tròn theo gió. Thoạt nhìn, hình ảnh hoa lông chông chạy dài trên cồn cát tựa hồ như “đàn nhím biển” đang vui vẻ nô đùa; “mặt trời con đuổi nhau trên cát”. Riêng đối với những người phụ nữ vùng cửa biển, đó là cả cuộc chiến sinh tồn. Chẳng được như những loài hoa khác đua nhau khoe sắc, tỏa hương, hoa lông chông xù xì, khô cứng, không hương cũng chẳng vị. Để có thể tồn tại giữa điều kiện thời tiết nắng gió, khô cằn khắc nghiệt, hoa lông chông tự mình đâm ra nhiều cái gai tua tủa vừa như để tự vệ vừa như để hồi sinh. Bởi lẽ, chính những cái gai ấy, sau này, sẽ biết lợi dụng sức gió đưa hoa đi xa, mang theo sứ mệnh tiếp tục gieo mầm cây trên những vùng đất mới, sang cả phía bờ bên kia của đại dương mênh mông, sâu thẳm.

Nhớ lại lần đầu tiên bắt gặp loài hoa ấy nằm phơi mình dưới nắng, tôi đã rất tò mò, cố gắng lê la khắp nơi cửa biển Lạch Trường (thuộc xã bãi ngang ven biển Hoằng Trường, Hoằng Hóa) chỉ để hỏi cho tường tận về nó. Mấy chị phụ nữ đang quây quần với nhau ngồi vá lưới, nghe thấy tiếng tôi hỏi, chậm rãi cười cười, nói với lại: “Cô ở thành phố xuống đúng không? Người thành phố xuống đây, thấy ai cũng hỏi chúng tôi về loài hoa lông chông này. Các cô thấy mới lạ chứ loài hoa này cũng có khác gì đời người phụ nữ vùng biển chúng tôi”. Dưới ánh nắng lấp lánh hắt lên từ phía biển, cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn của những người phụ nữ nơi đầu sóng ngọn gió hiện diện trong màu da bị hong sạm, hằn lên trên gương mặt nhiều nếp nhăn trước tuổi. Không khó để tôi có thể tìm ra mối liên hệ giữa họ và loài hoa lông chông này – như lời họ vừa nói. Cũng giống như hoa lông chông, những người phụ nữ vùng biển thường mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng kiên cường, mạnh mẽ.

Ví như câu chuyện về nghị lực biết vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế của cô Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, thôn 1, xã Hoằng Trường) – chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) tiểu thương xã Hoằng Trường. Sinh ra và lớn lên nơi cửa biển, tuổi thơ của cô Hoa phải trải qua những ngày tháng sống nghèo đói, cực khổ trong túp lều tranh ọp ẹp, tưởng chừng chỉ một cơn gió đưa đẩy cũng có thể lốc bay đi. Vì vậy, cô Hoa lớn lên với một tâm niệm mãnh liệt: “Nhất định phải cố gắng làm việc, vươn lên thoát nghèo” – cô quả quyết. Năm 18 tuổi, cô Hoa xây dựng gia đình. Từ công việc đồng áng vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, cô Hoa mạnh dạn bàn bạc với chồng “vét hết của nả trong nhà” rồi vay mượn bạn bè, anh em họ hàng sắm một chiếc xe trâu, quyết tâm “khởi nghiệp”. Tính khí người phụ nữ miền biển, ăn sóng nói gió, nghĩ là làm. Ngồi nhớ lại quãng thời gian ấy, cô Hoa cười vui vẻ, nói: “Ngày đó, xe trâu cũng đã là hiếm, cả xã chỉ 1, 2 nhà có thôi nhé. Xe nhà chúng tôi chủ yếu dùng để chở thuê các loại vật liệu xây dựng cho hộ gia đình quanh xã. Vỏn vẹn trong cái xã này thôi nhưng bứt ra khỏi đồng ruộng, có thêm thu nhập nên cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Sau thời gian ấy, cô Hoa càng có thêm động lực phấn đấu. Năm 1995, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc vận động người dân mạnh dạn tín chấp với các ngân hàng, tổ chức tài chính vay vốn phát triển kinh tế. Một lần nữa, cô Hoa lại thủ thỉ bàn bạc, tính toán cùng chồng. Với vốn vay ngót nghét 20 triệu đồng, cô Hoa đứng ra nhận đầu tư cho các hộ gia đình thiếu vốn nhưng có nhu cầu “sắm nghề”. Đồng thời, cô cũng làm đầu mối chuyên đi thu mua hải sản từ các hộ đi đánh bắt thủy hải sản trở về. Ngày này qua tháng nọ, công việc ngày càng phát triển một cách suôn sẻ, thuận lợi. Từ chỗ cuộc sống gia đình khó khăn, thu nhập thấp, cô Hoa trở thành “tiểu thương” có tiếng trong xã, thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Đến nay, cô không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số chị em phụ nữ bằng nghề chế biến thủy hải sản với mức lương dao động từ 2 – 4 triệu đồng, chủ yếu là lao động theo thời vụ. Ngoài việc nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, cô Hoa được đánh giá là người rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các phong trào đoàn thể, nhất là các hoạt động do hội phụ nữ xã tổ chức kêu gọi, phát động. Hiện tại, cô Hoa đang làm chủ nhiệm CLB tiểu thương xã Hoằng Trường. Đặc biệt, trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, cô Hoa tham gia rất tích cực. Với vai trò là chủ nhiệm CLB tiểu thương, cô thường xuyên vận động các thành viên trong CLB phối hợp với hội phụ nữ xã quyên góp, tạo nguồn kinh phí nhằm mục đích hỗ trợ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Nói về những dự định trong tương lai, người phụ nữ đã sắp sửa chạm ngưỡng lục tuần vẫn nhiệt huyết, hăng say: “Bao giờ còn sức khỏe thì vẫn còn phấn đấu, cố gắng đến cùng. Bây giờ, con cái cũng đã thành đạt cả, tôi không còn phải quá bận tâm đến chuyện lo toan kinh tế. Tôi có thể sống và cống hiến cho quê hương nhiều hơn”.

Cô Nguyễn Thị Hoa đi thu mua hải sản của các hộ trong xã.

Cũng như cô Nguyễn Thị Hoa, chị Lê Thị Tích (47 tuổi, thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường) có xuất phát điểm từ những năm tháng nghèo khó, ngoài túp lều tranh làm nơi trú thân thì chẳng có gì đáng giá. Không có đồng vốn lận lưng, chị Tích chỉ quanh quẩn ở nhà làm công việc vá lưới hoặc buôn bán lặt vặt ở chợ làng. Chị Tích kể: “Chồng chị có đi biển nhưng ngày ấy thiết bị khai thác, đánh bắt hải sản còn thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người nên thu nhập chẳng đáng là bao”. Hai vợ chồng quần quật làm lụng nuôi 4 đứa con đều đang tuổi ăn tuổi lớn thành thử “chẳng loại ra được đồng nào”. Từ năm 2000, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kết hợp với hội phụ nữ xã tuyên truyền, vận động các hộ tín chấp vay vốn ngân hàng, các tổ chức tài chính. Sau nhiều lần suy đi tính lại, chị Tích hăng hái vay vốn, đầu tư sắm bè mảng, tàu công suất 90CV, ngư lưới cụ, tập hợp lao động nhằm phát triển nghề. Kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2005 cho đến nay, do thiếu nguồn lao động, gia đình chị Tích quyết định bán tàu cá, tập trung vốn mở rộng kinh doanh, đầu tư phương tiện vận chuyển thủy, hải sản trong nước. Hiện tại, gia đình chị Tích đã xây dựng được 5 bể chứa ghẹ với sức chứa khoảng 1 tấn ghẹ/5 bể. Chi phí đầu tư xây dựng hoàn thiện bể chứa khoảng từ 400 – 500 triệu/5 bể. Hằng năm, trung bình, gia đình chị Tích đạt mức thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng.

Trước những nỗ lực phấn đấu và thành quả bước đầu mà nhiều hội viên đã đạt được, chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoằng Trường không giấu được niềm vui, niềm phấn khởi: “Trước đây, xã Hoằng Trường là một xã nghèo thuộc vùng bãi ngang ven biển. Chị em từ chỗ học ít, không có việc làm, không tiếp cận được với thị trường, hầu hết chỉ làm công việc bấp bênh, thời vụ, thu nhập thấp nên thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về mọi mặt của địa phương và sự tích cực, chủ động vươn lên của bản thân các chị em mà đời sống được cải thiện rất nhiều”. Để có được kết quả đó, một mặt là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân đầu tư phương tiện khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, phát triển ngư nghiệp. Nắm bắt, hiểu đúng và đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là hội phụ nữ, chị em mạnh dạn tín chấp vay vốn, sắm nghề, phát triển đa dạng các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Thực hiện kế hoạch của Hội LHPN huyện Hoằng Hóa, hằng năm, hội phụ nữ xã đều tổ chức lựa chọn các gương điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp toàn tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện cho hội viên có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Thiết thực, cụ thể, theo từng năm, hội đăng ký giúp từ 3 – 5 hộ thoát nghèo. Thông qua hình thức vận động hội viên đóng góp, xây dựng quỹ, từ đó hỗ trợ vốn giúp cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mua con giống, phát triển chăn nuôi. Hiện nay, Hội LHPN xã Hoằng Trường đã xây dựng được một số CLB như: “5 không, 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”, “Giảm nghèo”, “Tiểu thương”... Đây vừa là sân chơi vừa là nơi để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, động viên, quan tâm lẫn nhau và triển khai thực hiện các phong trào do hội phát động dựa vào nguồn kinh phí do các thành viên tự nguyện đóng góp. Chị Tuyết cho biết: “Từ đầu năm đến nay, hội đã tổ chức tặng quà cho 7 hội viên và 7 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã với tổng số tiền là hơn 5 triệu đồng, 70kg gạo. Cùng với đó, hội phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ cho 250 hộ vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng”.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và những người phụ nữ nơi cửa biển Lạch Trường khép lại trong ánh chiều dần buông. Nhìn bóng dáng cô Hoa, chị Tuyết, chị Tích nhanh nhẹn, hăm hở trở lại với công việc còn đang dang dở, tôi như thấy được phần nào sức sống mới, nguồn năng lượng tích cực cho sự phát triển bền vững bên trong từng mái ấm gia đình và rộng hơn là thôn xóm, làng xã ở đây. Bởi lẽ, người phụ nữ miền biển bao giờ cũng tự ví mình như những bông hoa lông chông – “những mặt trời vàng ươm/ mọc lên từ ngọn cỏ/ cỏ xanh từ mặt cát/ một rừng chông”... (Khúc hát cỏ lông chông – Nguyễn Huỳnh Sa).

Bài và ảnh: Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hoa-long-chong/110144.htm