Hoa lửa năm xưa, nghĩa tình còn mãi

Tháng tư về, lòng người rạo rực niềm vui hướng về ngày hội lớn của dân tộc. Trong ký ức thấm đẫm tình đồng đội, những cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP), dân quân tự vệ (DQTV) và các lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ khắp mọi miền Tổ quốc có dịp gặp mặt tại hội trường Bộ Quốc phòng cùng nhau ôn lại một thời hoa lửa.

Sau 50 năm gặp lại, những con người đi qua cuộc trường chinh nay mái đầu pha sương, gương mặt hằn in nếp gấp thời gian. Họ là những chàng trai, cô gái của thế kỷ 20, được sống và chiến đấu giữa những ngày cả nước ra trận. Những đôi chân trần, chí thép đã lập nên những chiến công oai hùng ngỡ như huyền thoại. Sau chiến tranh, những con người là chứng nhân lịch sử sống giản dị và khiêm nhường, để rồi khi gặp lại tay bắt mặt mừng, ánh mắt reo vui, kể chuyện năm xưa, thêm tự hào về truyền thống, trân quý nghĩa tình đồng đội.

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội).

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội).

Bước sang tuổi 77, Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân vẫn còn mạnh khỏe, giọng nói hào sảng. Trên ngực áo người anh hùng lấp lánh huân, huy chương. Ông phấn khởi kể lại một thời thanh niên sôi nổi. Năm 1972, người thanh niên Trần Văn Xuân là sinh viên Trường Đại học Thủy lợi xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, được biên chế vào Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Tình hình trên các chiến trường rất ác liệt, máy bay địch bắn phá, ném bom vào đội hình chiến đấu của các đơn vị bộ binh, gây nhiều tổn thất. Lúc này, Liên Xô viện trợ tên lửa vác vai 9K32 Strela-2, khi về Việt Nam gọi là A72. Áp dụng vào thực tế chiến đấu, xạ thủ Trần Văn Xuân nghiên cứu máy ngắm của súng 12,7mm rồi chế tạo ra khung điểm đón cho A72. Với khí tài tự chế cùng cách đánh sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, xạ thủ Trần Văn Xuân xuất sắc lập công, bắn rơi 8 máy bay, khiến kẻ thù khiếp sợ.

Giữa những ngày cả nước ra trận, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng bằng mưu trí, lòng dũng cảm. Trong chiến tranh ác liệt, có biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt trên khắp các chiến trường. Trở về cuộc sống thường nhật, những người lính năm xưa lại đứng trong hàng ngũ hơn 3 triệu CCB cùng nhau xây dựng nên truyền thống quý báu của CCB Việt Nam: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.

Cùng với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của bộ đội, lực lượng TNXP đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến trường cần là TNXP có mặt, ở đâu có giặc là TNXP xuất quân. Hơn 28 vạn nam, nữ TNXP hăng hái lên đường ra mặt trận, trở thành một binh chủng đặc biệt, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ nặng nề ở hầu hết những địa bàn nóng bỏng, lửa đạn phục vụ quên mình, sẵn sàng hy sinh vì những tuyến đường ra trận và sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch.

Trong dòng hồi ức lịch sử, cựu TNXP, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế nhớ lại những tháng năm phục vụ chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn. Năm 1965, chị Huế viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP. Chị đảm nhiệm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Đại đội 759, đơn vị TNXP có phiên hiệu N75 phục vụ trên tuyến đường 12A đoạn thuộc địa phận huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là tuyến đường huyết mạch, bị không quân Mỹ ném bom bắn phá rất ác liệt nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Mỗi lần vào trận, chị và đồng đội đều được làm lễ truy điệu sống. Là Tiểu đội trưởng, đồng chí Huế nhiều lần vào sinh ra tử, bị bom ép đất vùi, tỉnh lại là lao vào trận tuyến, phá bom nổ chậm, san lấp mặt đường, hiên ngang, kiên cường làm cọc tiêu sống, kịp thời thông xe, vượt qua trọng điểm an toàn.

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

Là người có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380, Lữ đoàn 203 thấy mình vô cùng may mắn khi được chứng kiến ngày Tổ quốc thống nhất. Bồi hồi nhớ đến đồng đội, ông bày tỏ niềm tri ân đối với những người đã ngã xuống. CCB Nguyễn Khắc Nguyệt đã ghi lại trong cuốn “Hành trình đến dinh Độc Lập” những lời tâm sự giản dị, chân thành: “Hành trình đến ngày chiến thắng đó chẳng hề dễ dàng như có người đã từng suy nghĩ. Về không gian, nó trải dài hàng nghìn cây số, về thời gian là nghìn ngày có lẻ cùng với bao mất mát, hy sinh, anh hùng và hèn nhát, cao thượng và thấp hèn, vinh quang và cay đắng...”.

Trong buổi gặp mặt, những người đi qua cuộc chiến thấy may mắn khi còn đủ sức khỏe để gặp gỡ đồng đội, ôn chuyện năm xưa. Thời gian lùi xa nhưng tình đồng đội thì mãi sắt son bền chặt. Họ gắn kết cùng nhau vượt qua những gian khó đời thường, vẹn nghĩa tri ân với đồng đội đã ngã xuống. Những con người bằng xương bằng thịt đã sống một cuộc đời đẹp như huyền thoại, hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc đến nay vẫn gìn giữ phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh TNXP, DQTV ưu tú, trở thành niềm tin yêu, tự hào, là biểu tượng cao đẹp trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Thế hệ hôm nay mãi mãi ghi tạc công lao, tri ân sâu sắc lớp người đã hy sinh, cống hiến cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoa-lua-nam-xua-nghia-tinh-con-mai-825168