Một loại súng máy hạng nhẹ giống phiên bản nâng cao của tiểu liên AK-47, rất phù hợp làm hỏa lực cấp tiểu đội bộ binh và do một cá nhân sử dụng, được dùng nhiều trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, đó là súng máy hạng nhẹ RPK, hay trung liên RPK.
RPK là loại súng máy hạng nhẹ được phát triển dựa trên tiểu liên AKM, súng máy hạng nhẹ RPK khác với AKM ở nhiều đặc điểm thiết kế, như có nòng dài hơn, do vậy sơ tốc đầu nòng cũng như tầm bắn hiệu quả lớn hơn so với AK-47. Sức chứa của hộp tiếp đạn nhiều hơn và có thêm chân súng để cải thiện độ chính xác khi bắn.
Kể từ khi Quân đội Liên Xô đưa vào trang bị súng tiểu liên AK-47 vào năm 1949 và súng trường tấn công AKM (ban đầu được gọi là súng máy hạng nhẹ AKM) vào năm 1959, thì cả hai loại súng AK-47/AKM đều sử dụng loại đạn trung gian M-43 7,62×39 mm.
Đặc điểm nổi bật của loại đạn M43 7,62×39 mm là khả năng hoạt động tin cậy, độ giật tương đối nhỏ, có thể sử dụng trong nhiều điều kiện chiến đấu khắc nghiệt khác nhau; giúp vũ khí dễ sử dụng và có hỏa lực mạnh khi bắn liên tục.
Với những thiết kế mang tính cách mạng, cộng với xu hướng phát triển súng trường tiến công đang nổi lên lúc bấy giờ, Kalashnikov đã phát triển súng máy hạng nhẹ dành cho cấp tiểu đội dựa trên súng trường tấn công AKM; đó chính là nguyên mẫu của súng máy hạng nhẹ RPK nổi tiếng thế giới.
Loại súng máy hạng nhẹ này được chính thức sử dụng và đặt tên là RPK, tức là "súng máy hạng nhẹ Kalashnikov" của Nga. RPK là loại súng máy hạng nhẹ được Liên Xô trang bị vào năm 1959, để thay thế cho súng máy cấp tiểu đội RPD, mới được đưa vào trang bị trước đó không lâu.
Súng máy RPK vẫn áp dụng nguyên lý hoạt động trích khí qua thoi đẩy về của súng trường tấn công AK-47/AKM và bắn đạn trung gian M1943 cỡ nòng 7,62×39 mm. Vì vậy, súng máy RPK vẫn giữ được những ưu điểm về hiệu suất tốt và độ tin cậy của súng AK-47.
Đã có nhiều phiên bản phái sinh và cải tiến của súng máy hạng nhẹ dòng PRK, ví dụ như súng máy RPK-74. Loại súng máy RPK-74 cũng được phát triển trên cơ sở súng tiểu liên AK-74M và chúng đều có thể sử dụng chung đạn với nhau.
Giống như AK-74M có phiên bản xuất khẩu dòng AK-100, RPK-74M cũng có hai phiên bản xuất khẩu là RPK-201 cỡ nòng 5,56 NATO và RPK-203 cỡ nòng 7,62×39. Có một số phiên bản khác nữa, nhưng tất cả đều cơ bản nhìn giống nhau.
Súng máy RPK có thể chi viện hỏa lực tương đối mạnh, nhưng vẫn đủ nhẹ để có thể bắn cầm tay trong một số tình huống. Dòng súng Kalashnikov không được thiết kế để trở thành súng trường chính xác, nhưng mức chính xác cũng không quá tệ.
Với chế độ bắn liên thanh, súng máy RPK có thể bắn liên tục ba hộp đạn (120 viên); tuy nhiên lúc này nòng súng sẽ nóng lên rất nhanh, nhưng súng không thể thay nòng nhanh. Việc này đã hạn chế khả năng hỏa lực liên tục của súng máy RPK trong chiến đấu.
Hiện súng máy RPK được Quân đội Nga và Ukraine sử dụng phổ biến trong chiến đấu, phần lớn là các mẫu do Liên Xô phát triển và chế tạo. Vũ khí này cũng còn một lượng đạn rất lớn, đủ cho hai bên có thể chiến đấu một thời gian dài.
Với Quân đội Ukraine, ngoài súng máy RPK, lực lượng đặc biệt của họ còn sử dụng súng máy MG5 do Đức sản xuất. Vào ngày 28/3, Quân đội Ukraine đã công bố những bức ảnh mới trên mạng xã hội về lính Ukraine sử dụng súng máy MG5 Heckler & Koch (thường được gọi là H&K).
Việc này cũng xác nhận rằng, Chính phủ Đức đã giao 100 khẩu súng MG5 cho lực lượng đặc biệt Ukraine. Súng máy MG5 nổi tiếng khắp thế giới về độ chính xác và tin cậy, những khẩu súng máy tiên tiến này hiện được nhiều lực lượng đặc biệt và quân đội một số quốc gia “nhà giàu” sử dụng.
Dòng súng máy H&K MG5 rất nổi tiếng, vì nó có nguồn gốc từ dòng súng máy đa năng dòng MG của Quân đội Đức trong Thế chiến thứ 2. Do hiệu suất của súng máy MG quá ưu việt, nên nhiều sửa đổi sau này chỉ nhằm mục đích cải tiến các loại đạn và thêm một số tính năng của kỷ nguyên mới.
Còn trên thực tế, có rất ít thay đổi về các thiết kế cốt lõi như chế độ tự động của súng và khóa nòng của súng máy dòng MG. Súng máy MG5 (còn được gọi là súng máy H&K 121) là hậu duệ của súng máy MG, đây là loại súng máy đa năng, tiếp đạn bằng dây.
MG5 dùng đạn 7,62×51mm NATO do Công ty H&K của Đức sản xuất. Quá trình phát triển MG5 được bắt đầu ngay sau khi MG4 được giới thiệu, ra mắt với tên gọi H&K MG43 tại triển lãm thương mại MILIPOL 2001 ở Paris.
Vào tháng 6/2013, Chính phủ Đức tuyên bố tiến hành thử nghiệm và đánh giá 65 khẩu MG5, đồng thời lên kế hoạch mua ít nhất 7.114 khẩu MG5 cho Quân đội Đức từ năm 2014 đến năm 2017, với khả năng mở rộng lên 12.733 khẩu MG5.
Bắt đầu từ năm 2015, súng máy MG5 thay thế súng máy MG3 do Rheinmetall sản xuất, đang được trang bị trong Quân đội Đức. Ưu điểm của súng máy MG5 là độ chính xác và tầm bắn hiệu quả được cải thiện do tốc độ bắn giảm, việc này cũng giúp tiết kiệm đạn một cách hiệu quả.
MG5 được trang bị nòng tiêu chuẩn dài 55cm, chân chống tiêu chuẩn và báng súng có thể điều chỉnh, đồng thời được trang bị kính ngắm có độ phóng đại gấp 4 lần và kính ngắm điểm đỏ. MG5 cũng hỗ trợ nhiều loại kính ngắm quang học và ray Picatinny để lắp phụ kiện.
Súng máy MG5 sử dụng nguyên lý trích khí piston hành trình dài và nguyên lý khóa nòng tự động mở và sẵn sàng khai hỏa; súng đã kết hợp một số ưu điểm từ súng máy MG4. MG5 có thể thay nòng nhanh, khóa an toàn cho cả hai bên và báng súng có thể điều chỉnh độ dài.
Sáng kiến của Đức trang bị cho Ukraine súng máy MG5 nêu bật sự hỗ trợ liên tục của Berlin dành cho Kiev trong cuộc xung đột hiện tại và thể hiện sự tin tưởng vào khả năng của Quân đội Ukraine trong việc sử dụng hiệu quả những vũ khí tiên tiến này để bảo vệ đất nước. (Nguồn ảnh: BilD, DW, Wikipedia, Topwar).
Tiến Minh (Theo Army Regognition, NetEase)