Hoa mai da diết nhớ hoa đào
'Ở thành phố hoa mai nhớ thành phố hoa đào/ Giữa bến Nhà Rồng nhớ sông Hồng đỏ phù sa/ Ở thành phố hoa mai ta vẫn hướng ra Hà Nội…'. Tết đến, khi ai đó phải xa Hà Nội mà nghe bài hát 'Nhớ thành phố hoa đào' của nhạc sĩ Phan Long, ắt hẳn lòng sẽ cồn cào nỗi nhớ. Hãy nghe họ trải lòng về những cái Tết ấy…
Nhớ tiếng dương cầm thoảng đêm gió bấc
Diễn viên Lan Phương là con gái Hà Nội gốc, tuổi thơ của cô gắn với những cái tết ấm cúng của Hà Nội. Lan Phương cho biết, sau này gia đình cô chuyển đến sinh sống ở Nga, rồi Vũng Tàu, rồi Sài Gòn, nhưng dù có đi đâu cô cũng không quên được những cái Tết ở Hà Nội.
Mười tám tuổi, Lan Phương đã có cái Tết đầu tiên ở Sài Gòn, nhưng trong tâm trí của cô gái gốc Hà Nội, Tết ở Sài Gòn khá nóng nực, không khí khác hẳn Hà Nội. “Chắc một phần vì những cái Tết ở Sài Gòn Phương chỉ có bố mẹ ở bên cạnh, còn Tết Hà Nội Phương có rất nhiều họ hàng, cho nên dù Hà Nội rất lạnh khi Tết đến nhưng Phương vẫn thấy vô cùng ấm cúng.
Điều khó quên nhất với Phương chính là khi Tết đến được đi thăm họ hàng, rồi họ hàng đến nhà nhau chúc Tết, vừa vui vừa rất tình cảm. Sau này khi Phương lấy chồng (người Anh), Phương đã đưa chồng con về ăn Tết Hà Nội, đi thăm họ hàng, em bé được mừng tuổi và được tương tác với mọi người. Ông xã Phương cho rằng đây là phong tục rất đẹp ở Việt Nam mà miền Bắc là nơi mang nét đặc trưng nhất”, Lan Phương chia sẻ.
Cô cũng xúc động khi nhớ đến những cái tết khi còn rất nhỏ: “Khi Phương còn rất nhỏ, Phương thích ngồi bên bếp lửa, cạnh nồi bánh chưng nhìn bà nội nhai ngô rang. Cho đến bây giờ, hình ảnh bà nhai ngô vẫn còn nguyên trong tâm trí, mà lúc đó Phương đã từng thắc mắc vì sao răng bà lại khỏe thế? Rồi cô chú đến nhà gói bánh chưng, quây quần bên nồi bánh thật là vui.
Còn một điều ấn tượng nữa với Phương là những đốm lửa tí tách bắn lên từ bếp than hồng khi đun bánh chưng, nó rất đẹp mà cho đến giờ Phương vẫn nghĩ đó là vẻ đẹp tuyệt vời nhất trong tuổi thơ của Phương. Tết Hà Nội trong cái không khí lạnh, trẻ con mặc quần áo đẹp, hớn hở, xúng xính đi lễ tết, chơi xuân… khắp phố phường tưng bừng pháo hoa, đèn lồng, hoa đào … đó là những cái Tết Hà Nội khó quên”.
Lan Phương cho biết năm nay cô sẽ ăn Tết ở Hà Nội cùng gia đình, cho nên cô lại có thêm một cái Tết nữa để gói vào hành trang kỷ niệm, dù sau này do công việc của chồng cô, không phải năm nào cũng được về ăn Tết Hà Nội.
Đến những cơn mưa phùn rơi tóc em
Sinh ra ở Sài Gòn nhưng lại lớn lên ở Hà Nội, siêu mẫu, nhà thiết kế Cường Bely đã quay về Sài Gòn định cư được hai năm nay, nghĩa là đã hai cái Tết, anh gửi trọn nỗi nhớ của mình cho Hà Nội.
Cường Bely chia sẻ, anh cảm nhận rất rõ ràng hai cái Tết ở miền Nam và miền Bắc. Theo tập tục của người miền Bắc, Tết là dành cho gia đình, họ hàng và bạn bè để mọi người thăm hỏi, quan tâm nhau, cùng thưởng thức những bữa tiệc ấm cúng bên cạnh người thân. Và có một phong tục rất đặc trưng đó là thắp hương làm lễ cúng gia tiên từ chiều ba mươi đến ngày mùng năm Tết. Còn Tết của Sài Gòn hay nói rộng hơn là phía Nam thường thắp hương cúng gia tiên hết đêm ba mươi hoặc đến mùng ba tết là nhiều, thời gian còn lại, các gia đình sẽ đi du lịch, nghỉ ngơi chứ không dành cả Tết ở nhà như phía Bắc.
“Tôi đã quen với cái Tết Sài Gòn, nhưng những ngày đầu khi vào Nam, tôi nhớ da diết cái Tết Hà Nội. Tôi ăn Tết xa nhà từ nhỏ, không nhớ nổi bao nhiêu cái Tết xa nhà và gia đình. Lần đầu tiên tôi ăn Tết Sài Gòn là lúc mới mười một tuổi vào Sài Gòn theo học sân khấu kịch Hồng Vân. Thầy giáo của tôi là đạo diễn Lê Vũ Cầu, chú đi diễn suốt nên tôi phải theo chú đi diễn nguyên dịp Tết. Lúc đó dù là trẻ con nhưng cảm giác rất cô đơn và nhớ nhà.
Cái Tết của Hà Nội lại rất rõ ràng về khí hậu, đặc biệt là những cơn mua phùn mùa xuân rất đẹp. Nếu ai yêu hoa thì sẽ cảm nhận được ngoài những loài hoa đặc trưng của Hà Nội như cúc họa mi, như hoa ly, hoa thược dược,… và đặc biệt nhất là hoa đào. Hoa đào đỏ thắm phố phường mỗi khi Tết đến”, Cường Bely chia sẻ.
Anh cũng cho biết những năm tháng ở Hà Nội, anh thường đi du xuân, đi lễ chùa vào dịp Tết, và còn một thú vui nữa là ra những vườn hoa Tết, hội chợ hoa để ngắm mà không mua quá nhiều về nhà.
Nhớ cái se lạnh của Hà Nội khi Tết về
Mấy năm gần đây, do lịch diễn và các sự kiện nên cô gái quê lụa Hà Đông – diễn viên Yan My phải bay đi bay lại giữa Sài Gòn và Hà Nội trong dịp Tết. Có những năm Yan My ở Sài Gòn đón giao thừa, nhưng khi tiếng pháo bắt đầu nổ râm ran là nỗi nhớ Hà Nội lại trào dâng, cảm giác nhớ nhà đến phát khóc.
“Có những cảm xúc mà ở nơi ấy, ngay tại khoảnh khắc ấy ta không thể cảm nhận được, chỉ khi xa rồi mới thấm thía. Yan My là con gái quê lụa Hà Đông, từ nhỏ đã được trải qua những cái Tết Hà Nội đầm ấp, mặc dù mỗi khi Tết về, Hà Nội thường lạnh căm.
Yan My đã quen với cái Tết Hà Nội với tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất, cái rét dài bao trùm lên từng con phố. Trong cái lạnh ấy mọi người dường như xích lại gần nhau hơn, cùng đón giao thừa, cùng nhâm nhi trà nóng, bóc bánh chưng, ăn ô mai, mứt gừng, rồi cả mùi của hoa mùi già đêm ba mươi mẹ đun nước tắm cho cả nhà….
Tết Sài Gòn thường nóng, đi chơi xuân mồ hôi nhễ nhại, chỉ biết ngậm ngùi tìm cái lạnh qua những bức ảnh của bạn bè up trên facebook, muốn bay về Hà Nội ngay. Có ở Hà Nội mới biết, cái màu hoa đào đỏ rực khắp phố phường vào ngày Tết ấy nó đặc biệt thế nào. Yan My thích nhất là ngắm hoa đào trên phố vào những ngày cận Tết, nó cho My có cảm giác mùa xuân sang, lòng nhẹ nhàng đón nhận một tuổi mới, chín chắn hơn, trưởng thành hơn”, Yan My chia sẻ.
Đối với cô gái Hà thành, Tết Sài Gòn có hoa mai, màu hoa vàng rực rất hợp với cái nắng Sài Gòn. Nhiều người quen với cái Tết hoa mai nên nếu xa Sài Gòn cũng sẽ thấy nhớ, nhưng riêng với Yan My, Tết Hà Nội thật sự da diết, khó quên. Vì thế, dù bận việc đến mấy, cô cũng sẽ bay về Hà Nội để hưởng không khí tết, dù đó là cái Tết muộn…
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoa-mai-da-diet-nho-hoa-dao-102536.html