Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, triệu chứng điển hình thiếu máu não, cách hạn chế nguy cơ thiếu máu não
Thiếu máu lên não là tình trạng máu nuôi lên não không đủ, khiến tế bào não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Tế bào thần kinh do thiếu năng lượng nên hoạt động và chức năng đều bị ảnh hưởng rất lớn.
Thiếu máu lên não khởi phát thường có triệu chứng nhẹ, khó nhận biết và tăng dần theo mức độ bệnh. Những triệu chứng phổ biến là: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn cảm giác, cơ thể mệt mỏi, giảm trí nhớ,…Trước đây thiếu máu lên não thường gặp hơn ở người cao tuổi, người mắc bệnh lý về tim mạch, huyết áp, nhưng hiện nay tỉ lệ người trẻ mắc phải tình trạng này ngày càng nhiều.
Nguyên nhân gây thiếu máu não
Nguyên nhân gây bệnh cũng rất đa dạng, một người bị thiếu máu não có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp:
Xơ vữa động mạch: là nguyên nhân gây ra hơn 80% trường hợp thiếu máu não.
Tăng huyết áp khiến thành mạch dần giãn ra, xuất hiện những tổn thương, phình mạch, chảy máu não, hình thành cục máu đông cản trở lưu thông máu.
Bệnh lý tim mạch khiến chức năng bơm máu lên não cũng như mọi cơ quan khác bị suy giảm.
Bệnh lý cột sống, đốt sống cổ: gây chèn ép mạch máu nuôi lên não.
Ngoài ra, các yếu tố tác động gây thiếu máu não khác gồm: Stress, căng thẳng, lười vận động, chế độ dinh dưỡng không khoa học, lạm dụng rượu bia và thuốc lá,…
Biện pháp giảm tác hại, nguy cơ thiếu máu lên não
Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần sớm tới cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra. Mặc dù chưa có phương pháp điều trị thiếu máu lên não một cách triệt để song nếu điều trị tích cực cùng thay đổi lối sống, dinh dưỡng thì bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được. Một số loại thuốc điều trị thiếu máu lên não hiện nay chủ yếu có tác dụng tăng lưu lượng máu lên não cũng như cải thiện những triệu chứng mà thiếu máu não gây ra. Bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để phòng ngừa, kiểm soát bệnh tốt hơn
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ dinh dưỡng
Dinh dưỡng rất quan trọng trong nuôi dưỡng và đảm bảo chức năng của não bộ, tim mạch và hệ tuần hoàn. Với bệnh nhân bị thiếu máu lên não, cần lưu ý bổ sung các loại dinh dưỡng như:
Sắt: giúp thúc đẩy quá trình tạo máu, tăng chất lượng máu nuôi não cũng như toàn cơ thể.
Omega - 3: Tăng cường hoạt động của tim và chức năng của não bộ, có nhiều trong cá hồi, cá trích, cá tuyết,…
Nitrat: có trong cải bó xôi, rau diếp,…
Polyphenols: có nhiều trong trà, đậu, cacao, các loại hạt,…
Cùng với đó, người bệnh thiếu máu lên não cần hạn chế những thực phẩm không tốt như: mỡ động vật, thức ăn nhanh, các chất kích thích và nước uống có cồn, thực phẩm chế biến sẵn, phụ gia thực phẩm,…
Tập thể dục và vận động hàng ngày, thường xuyên
Tập thể dục là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai của cơ bắp và tim mạch, từ đó giúp việc lưu thông máu đến não tốt hơn. Vì thế, kể cả người bình thường lẫn người bệnh, cần dành thời gian vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút. Các bài tập tốt cho hoạt động của tim mạch và bơm máu lên não gồm: đi bộ, khiêu vũ, tập yoga, kéo giãn cơ thể, đạp xe,…
Nghỉ ngơi và hạn chế căng thẳng
Tâm lý không ổn định, tình trạng stress, căng thẳng, lo âu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trái tim và não bộ. Chính vì thế mà khi căng thẳng, bực tức, tình trạng thiếu máu lên não thường nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh đau nhức đầu, choáng váng, thậm chí ngất và đột quỵ.
Bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để thư giãn cơ thể, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và làm việc quá sức. Đặc biệt cần đảm bảo đủ thời gian ngủ mỗi ngày 7 - 8 tiếng và ngủ sớm trước 11 giờ đêm.
Sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định
Hãy sử dụng thuốc điều trị và thực phẩm chức năng hỗ trợ máu lên não theo đúng liều lượng, thời gian sử dụng mà bác sĩ hướng dẫn. Để cải thiện tình trạng thiếu máu lên não, cần kiên trì điều trị kết hợp với thay đổi lối sống, dinh dưỡng.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe
Thiếu máu lên não tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh như: thiếu máu đột ngột, đột quỵ, suy giảm trí nhớ và chức năng não bộ,… Vì thế, người bệnh cần thăm khám định kỳ để kiểm tra mức độ bệnh cũng như rà soát loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn.