Hòa nhập xã hội là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách số
Theo chuyên gia, nếu người nghèo, đối tượng yếu thế không có hoặc có rất ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ số, nền tảng số thì khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng nới rộng hơn.
Tại Việt Nam, nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo luôn được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, cũng như đa số các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với việc làm thế nào để thu hẹp khoảng cách số.
Để có cái nhìn đa chiều và toàn diện về chủ đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Abdul Rohman và bà Võ Thị Diễm Trang, đại diện nhóm nghiên cứu dự án "Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế ở TP.HCM và Hà Nội".
Khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách số liên quan ra sao, nhất là đối với nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, thưa ông Abdul?
Tiến sĩ Abdul Rohman: Khoảng cách kỹ thuật số là một vấn đề tồn tại lâu dài trong hành trình nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận các nền tảng số.
Mặc dù có những tiến bộ trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng chi phí các nền tảng kỹ thuật số vẫn còn cao đối với nhóm người yếu thế.
Vì vậy, nhiều người trong số họ không thể tận dụng tiềm năng của các nền tảng số để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tăng cường các nền tảng kỹ thuật số và làm cho chúng có giá cả phải chăng hơn là điều kiện tiên quyết để thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, người bình thường và người khuyết tật.
Nói cách khác, hòa nhập xã hội chính là chìa khóa cho các nỗ lực xóa đói giảm nghèo nhằm kết hợp các công nghệ kỹ thuật số vào quá trình phát triển. Tất nhiên, người dân và đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế cũng cần nâng cao năng lực kỹ thuật số để có thể tận dụng tối đa các nền tảng số này vào đời sống.
Ông bà có thể chia sẻ rõ hơn về năng lực kỹ thuật số là gì? Đó có phải là kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội Facebook hay các phần mềm Excel, Word,… không?
Tiến sĩ Abdul Rohman: Năng lực kỹ thuật số mà chúng tôi hướng tới là khả năng hiểu biết về kỹ thuật số và thông tin.
Điều đó có nghĩa là các nhóm người yếu thế như người nghèo, phụ nữ nghèo có thu nhập thấp và người khuyết tật vừa có thể truy cập các nền tảng kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội và các công nghệ trên Internet, vừa có thể bảo vệ quyền riêng tư thông tin của họ.
Dự án của chúng tôi đã tập trung vào việc làm cho Internet an toàn và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Bà Võ Thị Diễm Trang: Cần lưu ý rằng kiến thức kỹ thuật số không phải là kỹ năng sử dụng Facebook hay Microsoft Word, mà là cách chúng ta sử dụng khả năng phán đoán của mình để duy trì nhận thức về những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Ví dụ: kiến thức kỹ thuật số bao gồm cách phát hiện tin giả, cách tạo nội dung hiệu quả và cách quản lý thông tin cá nhân của chúng ta trực tuyến.
Đây là vấn đề đang rất được quan tâm bởi lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và tinh vi hơn. Không chỉ nhắm vào đối tượng người bình thường, tin tặc còn nhắm vào người khuyết tật và phụ nữ yếu thế bởi đây là đối tượng dễ tổn thương, ít giao tiếp xã hội và có tâm lý khao khát kiếm thêm thu nhập. Ông Abdul và bà Diễm Trang chia sẻ góc nhìn của mình về thực trạng này?
Tiến sĩ Abdul Rohman: Mặc dù thiệt thòi về thể chất và các thiết bị công nghệ hạn chế, nhóm đối tượng yếu thế luôn hy vọng rằng họ được cải thiện chất lượng cuộc sống về mặt kinh tế. Những gì chúng ta có thể làm là tạo ra một môi trường mạng an toàn để họ có thể hiện thực hóa được mong muốn đó, và loại bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số.
Cụ thể, các công ty công nghệ nên tăng cường thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tạo ra môi trường an toàn và bình đẳng cho các tương tác kỹ thuật số. Cùng với đó, Chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện nhất quán các chính sách hiện có.
Bà Võ Thị Diễm Trang: Vấn đề này không chỉ xảy ra ở nông thôn, miền núi mà rất phổ biến đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp sống ở các thành phố lớn. Nạn nhân thậm chí có thể là người thân đang buôn bán online của chúng ta. Vì vậy, trách nhiệm của mọi người là chia sẻ kiến thức của mình về vấn đề này.
Với tâm huyết như vậy, dự án bước đầu đã đạt được hiệu quả ra sao?
Tiến sĩ Abdul Rohman: Thông qua 6 buổi chia sẻ tại Hà Nội, dự án đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật số và kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân cho 289 người (206 phụ nữ, 83 đàn ông) bao gồm người khiếm thị, người khiếm thính, và người khuyết tật vận động.
Tại TP.HCM, tính đến nay, dự án đã triển khai thành công 8 buổi đào tạo cộng đồng, đào tạo được 240 người thuộc cộng đồng yếu thế nơi đây.
Xin cảm ơn ông bà!