Hoa nhong trên sông Ba

Sau khi cơn lũ đi qua, những lùm cây nhong bám rễ vào khe đá để sống giữa lòng sông Ba đoạn qua thị trấn Kông Chro lại trở nên xanh tốt. Những cánh hoa vàng bắt đầu bung nụ khoe sắc sặc sỡ, soi bóng xuống làn nước trong xanh.

Vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước, giữa lòng sông Ba và hai bên bờ có nhiều loại rau rừng, trong đó, bông nhong là một trong những loại hoa mà người dân ở gần sông và dân vạn chài ưa thích. Hoa dùng để nấu canh và đặc biệt hơn là kho cá đá.

Cây nhong thường mọc giữa khe đá dưới lòng sông, một phần rễ chìa ra đung đưa dưới mặt nước và đẻ nhánh. Cây nhong có rễ chùm, mành và dày đan ken với nhau. Nhong là loại thân gỗ, vỏ cây màu đà ở đoạn gốc, xanh dần lên giữa thân và ngọn. Cây to nhất chỉ bằng cổ tay người lớn, mọc thành cụm, chen chúc nhiều lớp lớn, nhỏ với nhau, cao chừng vài mét, vươn lên thẳng đứng. Lá nhong là loại lá kim, màu xanh đậm, sống lá màu trắng, lá đơn mọc từ thân cây ra, phân bố đều và dày lên đến ngọn.

Khi những cơn lũ tràn trên mặt sông, cây nhong ngập nước rạp mình xuống đáy sông, rác cỏ bám đầy thân. Qua lũ, cây nhong lại gượng dậy và tiếp tục sinh cây non, đẻ nhánh, đơm bông. Hoa nhong nở quanh năm, nhiều nhất là mùa xuân, hạ. Hoa nhong bằng ngón tay trỏ người lớn, hình loa kèn, màu vàng nhạt. Mỗi cây nhong đầu cành là một chùm hoa và nụ, thay phiên nhau nở, khoe sắc màu sặc sỡ. Dưới chân của lùm cây nhong là những hầm nước, nhiều cá sốc lớn, nhỏ hay tụ tập sống ẩn trong đám rễ cây, thi thoảng tung mình lên mặt nước đớp những bông nhong rụng xuống trôi xuôi dòng.

Hoa nhong. Ảnh: C.T.V

Hoa nhong. Ảnh: C.T.V

Tầm tháng Chạp, người ta thường tổ chức đánh bắt cá bằng lưới hoặc câu. Các điểm đến là những hầm cá vùng nước cuộn gần lùm nhong, mồi câu là những chiếc bông nhong nhỏ móc lưỡi câu vào và thả cho chiếc hoa trôi nổi tự nhiên. Thả mồi xuống là dính ngay một chú cá sốc nặng oằn cần. Những buổi câu như vậy về nhà thường được vài ba ký cá để dùng trong dịp Tết. Và, người ta không quên nhổ về những cây nhong mang dáng vẻ đẹp thanh mảnh, trồng vào các tiểu cảnh để tăng thêm vẻ đẹp cho hòn non bộ.

Vào mùa hạ, khi tiết trời ấm áp, mọi người thả thuyền xuôi dòng sông Ba, lần đến những vùng có cây nhong để đánh bắt cá. Những đàn cá đá trườn lên các phiến đá xâm xấp nước để ăn rong. Khi những giỏ cá đá đã đầy cũng là lúc nồi cá kho bông nhong được bắc lên bếp chuẩn bị bữa cơm trưa. Bông nhong hái chọn những búp vừa chớm nở để giữ lại mùi hương và mật nhụy. Cá đá được ướp gia vị chừng một giờ, bắc lên bếp kho xâm xấp nước. Khi cá vừa chín tới thì sắp bông nhong lên trên mặt cá, đậy vung tiếp tục đun nhỏ lửa. Chừng mươi phút, những bông nhong đã rã, nhả ra mật nhụy còn giữ lại trong hoa quyện vào thân cá, kho thêm mươi phút nữa cho cá cứng là có thể dùng được. Ngồi trong chiếc thuyền nhỏ ẩn dưới tán cây, mở vung nồi, màu vàng bông nhong quyện vào thân cá nằm sắp lớp trong nồi rất bắt mắt, dậy lên một hương vị đặc trưng của núi rừng, sông nước. Gắp một đũa bông nhong đưa vào miệng nghe đậm hương cá với gia vị ướp lẫn vị thơm của hoa lan nhẹ vào khoang miệng, cắn một khúc cá đưa cơm, vị thơm ngọt của hoa và cá hòa trộn thành một thức ăn dân dã lôi cuốn không gì tuyệt vời hơn.

Những nồi canh tập tàng nấu với cá sông cũng không thiếu hoa nhong để đệm thêm hương vị. Hoa nhong cũng có thể nhúng ăn với các loại rau khác cũng giống như ăn món lẩu hoa điên điển của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Bây giờ, sông Ba có lúc khô cạn đáy vì bị chặn dòng từ đầu nguồn. Có lẽ vì vậy mà những lùm hoa nhong sống nhờ nước cũng thưa dần.

AN SINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202201/hoa-nhong-tren-song-ba-5764109/