Hoa như mưa rơi rơi...
'Mỗi mùa hoa đỏ về/ hoa như mưa rơi rơi/ cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/ như nuối tiếc một thời trai trẻ...', NSND Thái Bảo cất giọng hát đắm say trong chiều mưa Hà Nội. Chị vừa hoàn thành MV tâm huyết 'Thời hoa đỏ'. MV cũng là cách chị tri ân với đồng tác giả, nhà thơ Thanh Tùng và nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng với nhạc phẩm để đời này.
Bài thơ "Thời hoa đỏ" được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972, khi hôn nhân của ông cùng người vợ ở Hải Phòng đổ vỡ. Ông viết để kỷ niệm mối tình với người vợ đầu. Dẫu chia tay, Thanh Tùng lấy người khác nhưng hình ảnh bà vẫn ở mãi trong tâm hồn ông và khiến ông day dứt khôn nguôi. Khi nghe tin bà mất, ông tức tốc về quê viếng bà. Bi thương về cuộc tình nhiều nuối tiếc đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ "Thời hoa đỏ".
Bài thơ "Thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng chạm đến từng miền kỷ niệm về một thời tuổi trẻ của mỗi người. Mỗi câu thơ là nỗi mộng mơ, cũng là niềm day dứt về mối tình dang dở, giữa màu hoa đỏ, mãi luôn "diệu kì" trong ký ức.
"Thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng, đã gắn bó thiết tha với thời tuổi trẻ của nhiều thế hệ. Bài thơ đầy giai điệu âm nhạc, bởi thế mà ca khúc cùng tên đã được ra đời sau đó 18 năm, một lần nữa làm sống lại những câu thơ đẹp, bài thơ đẹp. Câu chuyện phổ nhạc ca khúc trữ tình này rất tình cờ và đầy những bất ngờ thú vị.
Năm 1989, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cùng một số nhạc sĩ được đi dự Trại sáng tác về nhạc Giao hưởng tại nước bạn Liên Xô. Không quen với khí hậu lạnh giá ông bị ốm nằm viện cả tháng trời trên xứ sở Bạch Dương. Nằm viện rảnh rỗi, lục mớ hành lý mang theo thấy có tập "99 bài thơ tình hay" (Nhà xuất bản Văn hóa), ông mang ra đọc cho khuây. Khi bất chợt lật giở đến bài "Thời hoa đỏ" đúng vào câu "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi" khiến trải tim nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng run lên xao xuyến.
Từ phút rung động tình cờ ấy, tứ nhạc, nét nhạc cứ hiện lên, tiếp nối dâng trào khiến ông đặt bút khởi thảo và hoàn thành rất nhanh ca khúc mà lúc đó ông không hề biết rằng sau này trở thành một tình khúc để đời.
Thời gian sau đó, khi được các nhạc sĩ dàn dựng thành công theo đúng ý đồ sáng tác, nhất là qua chất giọng phù hợp của ca sĩ Lệ Thu (thành phố Hồ Chí Minh), tình khúc "Thời hoa đỏ" ngay lập tức tạo được tiếng vang và trở thành bài hát không thể thiếu trong sổ tay công chúng yêu âm nhạc, nhất là học sinh, sinh viên thời đó, kể cả học sinh, sinh viên ngành Công an nhân dân.
"Thời hoa đỏ", bản phổ nhạc của Nguyễn Đình Bảng có một chút thay đổi so với nguyên tác văn học của nhà thơ Thanh Tùng. Chính điều này đã làm cho tác phẩm được nâng thêm tầm cao rộng, sâu sắc về triết lý nhân sinh. Nói về sự thay đổi đó, Nguyễn Đình Bảng tâm sự rằng, ông đã trăn trở mãi rồi mới đi đến quyết định dùng "Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi" thay cho nguyên bản thơ: "Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi" vốn đã rất hay, rất đằm và mang nặng nỗi niềm của nhà thơ.
Nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng cũng đã mạnh dạn "làm nhẹ bớt cấp độ bi lụy" và có phần riêng tư trong ý thơ Thanh Tùng bằng cách thay hai chữ "máu ứa" thành "nuối tiếc" để ca từ phù hợp với tứ nhạc, với âm hưởng chủ đạo của nhạc phẩm: "Như nuối tiếc một thời trai trẻ".
Sự thay đổi này không ngoài mục đích để "Thời hoa đỏ" là tâm sự chung, hoài niệm chung đẹp đẽ, thánh thiện của nhiều thế hệ những người đã từng đi qua "thời thiếu nữ", "thời trai trẻ"… chứ không chỉ giản đơn, khuôn tròn trong một mối tình của riêng ai đó. Thơ cũng như âm nhạc, luôn đi từ cái "tôi" đến cái "chúng ta".
"... Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa...", NSND Thái Bảo chia sẻ: "Đã 25 năm tôi gắn bó với ca khúc này. Bài hát như thấm vào máu, như ngấm vào tim, tôi đã hát bằng cả tâm hồn như một dòng chảy với nhiều cung bậc cảm xúc, rưng rưng khẽ chạm vào những điều ẩn khuất của bao trái tim đã từng nhớ mong và yêu đương tha thiết...."
NSND Thái Bảo kể rằng, "Thời hoa đỏ" đã theo chị suốt hành trình sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp, kể cả theo chị lên biên giới, những ngày đỏ lửa. Năm 2015, trong Liveshow "Bài hát yêu thích tháng 8" của Đài Truyền hình Việt Nam, giải thưởng đã thuộc về ca khúc "Thời hoa đỏ". Trước đó, "Thời hoa đỏ" 3 tuần liên tiếp giữ vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng tuần của "Bài hát yêu thích".
Ở thời điểm trao giải, "Thời hoa đỏ" áp đảo các ca khúc của top 3 với tỷ lệ bình chọn 6,97%. Cùng lên nhận giải, nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng rất bất ngờ và cảm động. Ông không nghĩ, sau 26 năm, tính từ năm 1989, bài hát còn được khán giả yêu mến đến vậy.
Là một giọng ca hát thành công dòng nhạc trữ tình, cách mạng, năm 2019, NSND Thái Bảo thực hiện xong MV "Thăm bến Nhà Rồng", thay nghĩa cử tri ân với quê hương của chị, chị lại tiếp tục nuôi khát vọng làm MV "Thời hoa đỏ". Đúng lúc đó chị gặp nguyện vọng của gia đình nhà thơ Thanh Tùng, muốn thực hiện MV bài hát này để tưởng nhớ về ông. Gia đình Thanh Tùng đã "Chọn mặt gửi vàng" không ai khác ngoài Thái Bảo.
Tháng 7/2020 thời điểm trước ngày giỗ của nhà thơ Thanh Tùng, chị cùng ê kíp đã về Hải Phòng để thực hiện các cảnh quay khi mùa Hoa phượng đỏ rực đất Cảng. Đây cũng chính là quê hương của nhà thơ Thanh Tùng. NSND Thái Bảo đã hát bằng những cảm xúc bùng cháy, MV được hoàn thành khi Hà Nội vào thu.
Theo dòng tâm sự, NSND Thái Bảo chia sẻ: "Tôi muốn gửi tặng MV này cho tất cả những khán giả trong và ngoài nước, cho những ai yêu thích ca khúc "Thời hoa đỏ"....Và đặc biệt xin gửi tặng gia đình nhà thơ Thanh Tùng và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng".
Hương Lan, con gái nhà thơ Thanh Tùng không giấu được xúc động khi biết được nguyện vọng của nghệ sĩ Thái Bảo: "Khi còn sống bố tôi bảo chị Thái Bảo là ca sỹ của "Thời hoa đỏ". Mỗi lần hát chị ấy chuyển tải sự say đắm, day dứt đến kỳ lạ. Mùa hè 2020 thật đáng nhớ với tôi và gia đình khi NSND Thái Bảo về Hải Phòng làm MV về ca khúc này".
NSND Quang Vinh là người thực hiện bản phối MV "Thời hoa đỏ" của NSND Thái Bảo. Bài thơ của nhà thơ Thanh Tùng vốn đầy giai điệu; ca từ bản nhạc của Nguyễn Đình Bảng đẹp, da diết; phối khí, hòa âm của nhạc sỹ, NSND Quang Vinh cùng tốp nữ vocal hòa quyện với giọng ca trầm khàn day dứt, lúc cao trào cháy bỏng, dâng hiến của Thái Bảo đã tạo ra hiệu ứng âm nhạc khác biệt.
Gần nửa thế kỷ với bài thơ "Thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng, hơn 30 năm với bản nhạc "Thời hoa đỏ" của Nguyễn Đình Bảng và 25 năm ca khúc "Thời hoa đỏ" gắn với tiếng hát ca sỹ, NSND Thái Bảo. "Thời hoa đỏ", chắc chắn không chỉ thuộc về "một thời" mà thuộc về mãi mãi.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/hoa-nhu-mua-roi-roi-608235/