'Hoa nở' từ tâm

7 năm với danh nghĩa người cựu chiến binh, 2 năm trong vai trò Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, ông Đồng Quang Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã và vẫn sẽ tiếp tục hành trình của những việc làm ý nghĩa, nhân văn cho đồng đội, cho thân nhân những gia đình liệt sĩ.

Ông Đồng Quang Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cùng các đơn vị tài trợ trao nhà tình nghĩa cho hộ bà Hà Thị Vui, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Ông Đồng Quang Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cùng các đơn vị tài trợ trao nhà tình nghĩa cho hộ bà Hà Thị Vui, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Thời trai trẻ, từng tình nguyện xin đi bộ đội vào cuối năm 1972 khi chưa đủ tuổi, rồi chính thức lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc những năm tháng chiến tranh vào cuối năm 1973; trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên với nhiều trận đánh từ Tây Nguyên về đến Sài Gòn, lập nhiều chiến công góp phần nhỏ bé làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử; tiếp tục tham gia quân tình nguyện chiến đấu ở Campuchia và biên giới phía Bắc.

5 lần bị thương trong chiến đấu; 4 Huân chương Chiến công, 2 Dũng sĩ và nhiều khen thưởng khác là "tài sản” kinh qua năm tháng chiến đấu có được của người lính Đồng Quang Hưng. Sống sót trở về qua những năm tháng chiến trường ác liệt là điều mà người lính như ông thấy may mắn và hạnh phúc hơn hàng triệu người lính đã nằm lại chiến trường. Giá trị của hòa bình đánh đổi bằng máu xương của bao người con của đất nước là điều người lính ấy quá hiểu. Thế nên, "nợ” ơn nghĩa với những người lính và gia đình họ như một điều cứ vẫn luôn ở đó trong thẳm sâu nơi ông, như thể để chờ một ngày nào đó được thực hiện nghĩa cử đáp đền.

Ngày đó - là lúc ông bắt đầu có thời gian cho mình sau những năm tháng công tác ở cơ quan nhà nước, nghỉ chế độ ở vị trí Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh ở tuổi 60. Bắt đầu từ những day dứt, xa xót trong những lần thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn về khu phần mộ của liệt sĩ Yên Bái chưa được đẹp đẽ như ở nhiều địa phương khác, vẫn còn lối đi chung cùng khu phần mộ liệt sĩ của tỉnh Lào Cai…, ông đã đề nghị lãnh đạo tỉnh cấp kinh phí cho tu sửa, tôn tạo lại khu phần mộ liệt sĩ của quê hương. Bỏ công sức tham gia cùng cán bộ cơ quan chức năng trong quá trình thiết kế, tu sửa, tôn tạo ấy, bản thân ông còn tự mình kêu gọi, vận động được gần 1 tỷ đồng góp phần cùng tỉnh tôn tạo, tu sửa khu phần mộ liệt sĩ Yên Bái.

Từng bia mộ được trát lại bằng đá, những bát hương sứ trước đó cũng được thay thế bằng những bát hương đá, làm nhà hóa vàng, trồng cây xanh, tặng một bàn đá cho khu trung tâm Nghĩa trang, 1 bàn đá cho khu vực phần mộ liệt sĩ của tỉnh để làm nơi bày lễ cho người đến viếng mà trước đây chưa có. Góp phần công sức cho những việc làm ý nghĩa đó, bản thân ông như thể có sự "an lòng” với 64 phần mộ liệt sĩ quê hương Yên Bái nơi này.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, rồi Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), ông tiếp tục muốn được góp những việc làm ý nghĩa khi tận mắt nhìn thấy sự hy sinh lớn lao của những anh hùng, liệt sĩ hằn in trên hàng dài bia mộ. Dâng tặng một số bàn đá làm nơi bày lễ cho thêm trang nghiêm, tặng đôi lục bình đá xanh ngọc hàng tấn để đưa lên đài hương 468, góp 2 tấn xi măng làm đường lên đài hương 468, tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng đã được ông vận động ủng hộ cho những việc làm ý nghĩa đó. Những việc làm không ai bắt cả, nhưng ông tự thấy mình cần có trách nhiệm để góp phần nhỏ bé của mình thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập nước nhà.

Với người đã nằm xuống là thế, với người còn sống, càng có nhiều việc mà ông cần thấy mình muốn làm và cần phải làm. Vô tình gặp lại người đồng đội năm xưa trên đất Báo Đáp, huyện Trấn Yên, nay là thương binh với chân trái cụt đùi và chân phải vỡ gót, cả gia đình sống trong căn nhà không đủ che mưa nắng.

Gia cảnh người đồng đội khiến ông không thể gặp đó mà không bận lòng. Làm một căn nhà cho đồng đội là điều mà ông chỉ muốn làm ngay tức thời khi đó. Đề nghị với chính quyền địa phương giúp về ngày công làm nhà, ông và gia đình vừa bỏ tiền nhà vừa kêu gọi bạn bè ủng hộ, hỗ trợ, từ viên gạch, bao xi măng đến tiền mặt tổng trị giá được 90 triệu đồng giúp người đồng đội có được ngôi nhà mới đàng hoàng hơn. Đó là ngôi nhà đầu tiên mà ông giúp đồng đội mình có được. Ấy là độ năm 2016.

Cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của gia đình đồng đội khi có được căn nhà mới càng thôi thúc ông bước những bước đi dài hơn trên hành trình hỗ trợ đồng đội nói riêng và gia đình chính sách nói chung trên địa bàn tỉnh làm nhà. "Mình có điều kiện có thể thực hiện hoạt động vận động ủng hộ, lại thấy có nhiều gia đình chính sách hay những người từng là bộ đội thời chiến thứ duy nhất có giá trị trong căn nhà họ là chiếc bàn thờ, mình không thể không làm gì đó” - ông chia sẻ về cái "trách nhiệm” mà tự mình muốn "gánh lấy”.

Trong khoảng từ 2016 - 2022, với danh nghĩa là người cựu chiến binh, ông đã kết nối, vận động hỗ trợ làm được 55 căn nhà tình nghĩa, căn thì hỗ trợ 40 triệu đồng, căn thì 50 triệu đồng, căn thì 60 triệu đồng, có căn 90 triệu đồng với tổng giá trị hỗ trợ trên 2 tỷ đồng. Mỗi một căn nhà được hỗ trợ là một sự nỗ lực không mệt mỏi của ông. Mỗi một căn nhà được bàn giao là một niềm hạnh phúc của người nhận mà ông mong được nhìn thấy!

Quá trình gặp gỡ thân nhân những gia đình liệt sĩ, ông cũng thấu cảm hơn nữa một nỗi mong mỏi, ước mơ lớn của họ là được tìm thấy, được đón tro cốt người thân của họ đã nằm lại đâu đó nơi chiến trường năm xưa trở về quê nhà. Bởi thế, cũng trong khoảng thời gian từ 2016 - 2022, cùng với 55 căn nhà tình nghĩa, ông đã cùng anh em, đồng đội đón được 5 hài cốt liệt sĩ từ Củ Chi, Tây Ninh, Gia Lai, Khánh Hòa về cho gia đình họ và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nghi thức an táng trang nghiêm, long trọng tại địa phương.

Ông bảo: "Đó là phần việc tôi thấy mình cũng cần góp sức làm để cho những người mẹ, người bố, người vợ, người con liệt sĩ vơi bớt nỗi đau mất mát. Và quan trọng, phải tổ chức được nghi lễ truy điệu, an táng trang trọng, trong đó có tổ chức cho các cháu học sinh, thanh niên đến thăm viếng bởi đó chính là công tác giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn thế hệ cha ông một cách thiết thực nhất cho thế hệ trẻ hiện nay. Không có sách vở nào hay hơn bằng chính thực tế các cháu được chứng kiến sự trân trọng của người sống với những người đã hy sinh xương máu vì đất nước để các cháu không chỉ hiểu hơn giá trị của hòa bình mà Tổ quốc ta có được như ngày hôm nay mà còn sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần!”. Nhiều hơn một nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa mà người lính kinh qua chiến tranh ấy muốn gửi gắm trong những việc làm này.

Trong hành trình của những việc làm đầy ý nghĩa đó những năm qua, từ năm 2023, trong vai trò Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, ông càng dốc lòng, dốc sức cho hoạt động của Hội, nhất là việc hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ khó khăn và việc tìm kiếm, đón hài cốt liệt sĩ về với gia đình. Một người vợ liệt sĩ với ước mơ về một căn nhà tử tế; một người mẹ liệt sĩ tuổi 100 và căn nhà xa xưa… - càng có điều kiện cùng với cán bộ Hội tìm đến, gặp gỡ những gia đình liệt sĩ, ông càng thêm động lực để nỗ lực không ngừng nghỉ những mong góp phần làm những phần việc ý nghĩa cho gia đình họ.

Ông kể: "Cụ Lương Thị Lưu tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình là vợ liệt sĩ, hơn 80 tuổi vẫn sinh sống trong căn nhà làm bằng gỗ tạp từ hơn 40 năm về trước. Hầu hết cột và xà nhà đã bị mối ăn ruỗng, mái nhà trước đây làm bằng cọ thì nay mòn đến tận cuống, để che được mưa thì chỗ được bổ sung bằng những tấm proximăng cũ, chỗ thì được che bằng những miếng bạt. Hai đầu nhà trống trải nhìn rõ cả bầu trời, những tấm phên nứa tre xung quanh hầu hết đã mục nát được bổ sung vào đó những miếng bạt tận dụng và những tờ bìa cũ kiếm được từ các cửa hàng tạp hóa. Một trong hai ước mơ lớn của cụ là mong sao có một căn nhà đủ để ở che được nắng mưa, gió bão, để thờ cúng chồng một cách trang trọng như bao gia đình khác. Hay như cụ Tạ Thị Nhật, sinh năm 1923, cư trú tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên là mẹ liệt sĩ, sống trong căn nhà cũ kỹ được làm từ 70 năm về trước, phần mái lợp cọ được đè tấm proximăng lên trên có chỗ đã trông thấy trời vì mái hư hỏng, xung quanh nhà những tấm phên đan bằng nứa để che chắn gió mưa đã mục nát phải lấy giấy báo và những miếng bạt tận dụng dán vào mặt trong nhà vừa để trang trí vừa để ngăn gió, ngăn mưa… Anh em chúng tôi trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh luôn nỗ lực, sát sao để những trường hợp gia đình liệt sĩ như thế có được những sự hỗ trợ tốt nhất có thể”.

Ước mơ về căn nhà mới của người vợ liệt sĩ như cụ Lương Thị Lưu đã thành hiện thực; ngôi nhà "xa xưa” của mẹ liệt sĩ Tạ Thị Nhật cũng đã được thay bằng căn nhà mới. Từ năm 2023 đến nay, ông cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã hỗ trợ làm được 80 căn nhà tình nghĩa cho gia đình thân nhân liệt sĩ; trung bình mỗi căn hỗ trợ 50 - 60 triệu đồng.

"Có những căn nhà được hỗ trợ tới 180 triệu đồng. Năm 2024 này hỗ trợ được 5 căn nhà với mức 180 triệu đồng/căn, 5 căn nhà 150 triệu đồng/căn. Cần có những sự tận tụy, sát sao, tính toán để có được những sự tài trợ, hỗ trợ tốt nhất có thể trong quá trình hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, vì có những gia đình rất khó khăn, cần sự hỗ trợ gần như hoàn toàn cho căn nhà” - ông cho hay. Làm nhà, cất bốc, đưa đón hài cốt liệt sĩ về với gia đình; tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho thân nhân liệt sĩ - rất nhiều việc làm ý nghĩa đã được ông và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh tiếp tục thực hiện trong hai năm qua.

9 năm qua, bỏ công sức và thậm chí cả tiền của gia đình, rồi có những thời điểm phải vượt qua bạo bệnh nhưng người lính ấy vẫn không dừng lại hành trình của những việc làm đầy ý nghĩa, nhân văn đó. Bởi với ông: "Thấy gia đình được trao nhà tình nghĩa hạnh phúc là mình hạnh phúc; thấy gia đình liệt sĩ khi được đón người thân trở về đã an lòng là mình cũng thấy an lòng. Không mong gì hơn những điều đó!”.

Năm 2023, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã hỗ trợ làm 43 căn nhà tình nghĩa; cất bốc, đưa 5 hài cốt liệt sĩ ở miền Nam về với gia đình; tặng 100 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 4 triệu đồng; tặng 300 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp 27/7 và tết Nguyên đán; tặng 50 xe lăn cho gia đình thân nhân liệt có hoàn cảnh khó khăn; đi xác định thông tin liệt sĩ trên bia mộ ở các nghĩa trang ở miền Nam và Hà Giang, tổ chức 4 chuyến về chiến trường xưa cho thân nhân liệt sĩ. Tổng giá trị hỗ trợ các hoạt động năm 2023 là 2,712 tỷ đồng.

Năm 2024, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã hỗ trợ làm 37 căn nhà tình nghĩa; cất bốc, đưa 8 hài cốt liệt sĩ về với gia đình; tặng 100 sổ tiết kiệm mỗi sổ 2 triệu đồng, tặng 200 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp 27/7 và tết Nguyên đán; tặng 30 quạt và đồng hồ cho các gia đình thân nhân liệt sĩ trong các ngày bàn giao nhà tình nghĩa; tặng 16 xe lăn cho gia đình thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Tổng giá trị hỗ trợ các hoạt động là 3,951 tỷ đồng.

Hạnh Cầm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/343768/hoa-no-tu-tam.aspx