Hoa pằng nảng rơi rơi: Đau đáu mãi thân phận đàn bà vùng cao

Tập truyện ngắn 'Hoa pằng nảng rơi rơi' của nhà văn Nguyễn Phú đẫm không gian văn hóa của đồng bào vùng cao. 12 câu chuyện về thân phận những người đàn bà miền núi cao đẹp và buồn như cánh hoa pằng nảng.

Tập truyện ngắn "Hoa pằng nảng rơi rơi" của nhà văn Nguyễn Phú

Tập truyện ngắn "Hoa pằng nảng rơi rơi" của nhà văn Nguyễn Phú

“Hoa pằng nảng rơi rơi” là cuốn sách thứ hai nhà văn Nguyễn Phú trình làng sau tập truyện ngắn “Giấc phai” ra mắt đầu năm 2024. Cả hai tập truyện ngắn đều viết về những thân phận đàn bà trong khắc khoải tình yêu lứa đôi, trong khát khao một cuộc đời tự do, hạnh phúc. Nếu ở “Giấc phai” những câu chuyện được tác giả viết trong không gian của vùng Bắc bộ xoay quanh đề tài người lính thì tập truyện ngắn “Hoa pằng nàng rơi rơi” những câu chuyện được ướp hương sắc của núi rừng, thấm đẫm trong không gian văn hóa đặc quánh của đồng bào thiểu số Tây Bắc.

Nhà văn Nguyễn Phú đã thai nghén “đứa con” tinh thần thứ hai của mình trong suốt 18 năm trước khi ra mắt bạn đọc. 18 năm là khoảng thời gian dài với một cuốn sách nhưng có lẽ với tác giả Nguyễn Phú từng ấy thời gian mới vừa vặn cho những trải nghiệm về những miền đất anh đi qua, những con người nơi rẻo cao anh gặp để có thể viết lên câu chuyện về số phận, cuộc đời họ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Phú có khoảng thời gian 5 năm công tác tại cực Bắc (Hà Giang) và cực Tây (Điện Biên) của Việt Nam. Chính khoảng thời gian này đã cho nhà văn được sống hòa mình trọn vẹn với văn hóa đời sống của người miền núi, giúp anh tích lũy cho mình một phông nền văn hóa vùng cao vững chắc để từ đó những câu chuyện về đất về người nơi đây như mạnh nguồn tuôn chảy trong anh.

Cuốn sách “Hoa pằng nảng rơi rơi” gồm 12 truyện ngắn viết về những mối tình của đàn bà nơi vùng rừng xanh, núi thẳm. Tác giả đã không hoa mỹ về những chuyện tình miền núi thơ mộng mà khiến người đọc phải ngẩn ngơ tiếc nuối bởi những sự thật trần trụi với nỗi buồn dư âm mãi dù cuốn sách đã gấp lại từ lâu. Các câu chuyện trong tập truyện ngắn đều man mác một nỗi buồn cho những cuộc tình dở dang, cho những phận người đàn bà chẳng thể thoát khỏi chiếc quẩy tấu đè nặng lên lưng để được sống, được yêu theo ý nguyện của chính mình.

Tập truyện ngắn mở đầu bằng truyện “Hoa pằng nảng rơi rơi”, đây cũng là truyện ngắn đưa chàng sĩ quan trẻ 18 năm về trước chạm ngõ với văn chương. Truyện gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi nỗi buồn như những mắt lưới chằng chịt đan lấy nhau quấn lấy cuộc đời người đàn bà vùng cao, quấn lấy cố ngoài, bà ngoại, lấy mẹ cho đến Dúa chẳng thể nào thoát. Hạnh phúc của người đàn bà Mông mong manh như bông pằng nảng chênh vênh, chỉ chực chờ để lìa cành trong nền trời xám bạc tháng ba vùng cao.

Tác phẩm đầu tay thường định hình cái “tạng” của người viết chính bởi điều này nên những truyện ngắn về sau của mình âm hưởng buồn thương về đàn bà, nhất là đàn bà vùng cao với thân phận, niềm đau và tình yêu của họ nhiều lần trở lại trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Phú.

Điều này thể hiện rõ trong 11 truyện ngắn còn lại của cuốn sách “Hoa pằng nảng rơi rơi”, từ Si trong “Lá chao đỏ”, Chớ trong “Ngôi nhà trên dốc gió”, So trong “Tuyết đào”, Sỏa trong “Phiên chợ cuối cùng” cho đến Mảy trong “Bông pằng nảng cuối mùa Xuân” những người đàn bà nơi rẻo cao khát khao tình yêu, tự do, hạnh phúc nhưng bị ngáng trở bởi những lề lối, luật tục và cả sự tham lam, ích kỷ của những người thân.

Chân dung nhà văn Nguyễn Phú

Chân dung nhà văn Nguyễn Phú

Nguyễn Phú với nghệ thuật dựng truyện, miêu tả tâm lý nhân vật đã viết lên những câu chuyện trong không gian văn hóa vùng cao một cách đầy nghệ thuật. Những câu chuyện cũng là sự cảm thông, tiếng lòng xót xa của chính tác giả đến những người đàn bà nơi rẻo cao nơi anh từng có thời gian công tác.

Với văn chương Nguyễn Phú tâm niệm “Văn chương không là cuộc chơi, văn chương là một phần cuộc đời của những người dấn thân với nó” nên nhà văn chọn cho mình riêng một lối đi trên con đường văn chương thật khác. Nhà văn không ồn ào, vội vã trong việc xuất bản sách mà âm thầm như bông hoa pằng nảng lặng lẽ đốt cháy rực một góc trời của riêng mình.

Đề tài miền núi không phải là mới nhưng luôn là địa hạt văn hóa mà nhiều nhà văn muốn chinh phục. Giữa những tác phẩm về đồng bào dân tộc thiểu số Nguyễn Phú vẫn giữ cho mình một nét riêng không bị lẫn với những phong cách văn chương khác. Có một miền núi chỉ riêng của Nguyễn Phú nơi anh viết lên những câu chuyện từ những đau đáu với những thân phận người.

Nói về cuốn sách “Hoa pằng nảng rơi rơi” của mình nhà văn Nguyễn Phú chia sẻ: “Có lẽ yêu thương đàn bà, viết về thân phận đàn bà là cái duyên của tôi. Mà duyên thường gắn với nợ. Tôi e rằng nợ nần này, tôi dùng chữ nghĩa, và cả những gì ngoài chữ nghĩa cũng sẽ không bao giờ trả hết được”.

Nhà văn Nguyễn Phú tên thật là Nguyễn Văn Phú hiện nay đang sinh sống và làm việc tại Sơn Tây, Hà Nội. Nguyễn Phú bắt đầu sáng tác từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, từng đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn 2008-2009 của Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải Ba truyện ngắn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức và một số giải thưởng của các tạp chí khác, tốp 10 Báo Văn nghệ Trẻ năm 2010, tốp 10 Báo Văn nghệ năm 2012, có truyện đăng tải trên các báo, tạp chí: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Nhân dân...

Những cuốn sách đã xuất bản: Giấc phai (2024), Hoa pằng nảng rơi rơi (2024).

Lê Đình Trung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-pang-nang-roi-roi-dau-dau-mai-than-phan-dan-ba-vung-cao-a26221.html