Hòa Phát (HPG) công bố lợi nhuận quý I/2021 đạt kỷ lục 7.000 tỷ đồng
Kết thúc quý I/2021, Hòa Phát đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 7.000 tỷ đồng, trong đó 6.500 tỷ đồng lợi nhuận sản xuất và 500 tỷ đồng từ bán công ty nội thất. Đặc biệt, trong tháng 1 và 2 là tháng thấp điểm kết quả kinh doanh bình thường, nhưng tháng 3 đạt kết quả rất tốt một phần nhờ giá thép tăng cao.
Chia sẻ trên được ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG - sàn HOSE) đưa ra tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 diễn ra sáng nay 22/4/2021.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Đại hội đã thông qua chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 18.000 tỷ đồng.
Về việc xin phép tăng sở hữu Tập đoàn mà không phải chào mua công khai của gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, ông Long chia sẻ, thủ tục chào mua công khai phức tạp và lâu nên xin ĐHCĐ thông qua không phải chào mua công khai. Việc này không mang lại lợi ích cá nhân gì hơn các cổ đông khác vì “tôi mua vào chứ không phải bán ra”.
Việc mua mỏ, ông Long cho biết, việc mua mỏ là rất thuận lợi nhưng nguyên tắc là việc mua đó phải có lợi, chứ không phải Hòa Phát sản xuất thép thì phải mua mỏ. Hòa Phát đang trong quá trình tìm hiểu việc này.
Về lợi thế của Hòa Phát trong sản xuất container, ông Long phân tích, hiện nay, Trung Quốc chiếm 90% sản lượng sản xuất container trên toàn thế giới, với 5 - 6 hãng lớn. Hòa Phát thuận lợi trong sản xuất container vì 50 - 60% giá thành phụ thuộc vào giá thành thép đặc biệt là thép kháng thời tiết chứ không phải thép HRC (thép nguội cán nóng) bình thường. Đây là nguyên liệu HPG sản xuất được. Thêm nữa chi phí sản xuất ở Việt Nam cạnh tranh hơn.
"Nếu HPG sản xuất được 500.000 container thì tiêu thụ 1 triệu tấn thép cho khu liên hiệp, là một khách hàng lớn thường xuyên ổn định, rất tốt cho hệ sinh thái", ông Long nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, tổng nhu cầu HRC Việt Nam là 12 triệu tấn, tăng trưởng 12% mỗi năm, thì 2 nhà sản xuất trong nước đáp ứng 8 triệu. Hiện nay, HPG sản xuất 1 triệu tấn HRC cũng bán hết. Vì thế, HĐQT Công ty quyết định đầu tư Dung Quất 2 với đầu ra chủ yếu là thép nguội cán nóng. Mục tiêu là HPG sẽ có 5 triệu tấn HRC.
Về kế hoạch phát triển mảng nông nghiệp, ông Doãn Gia Cường, Phó chủ tịch HĐQT HPG cho biết, dự kiến doanh thu tăng 2 lần trong 2 năm tới, đạt 20.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của Công ty đến năm 2022 sẽ đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 500.000 đầu heo thương phẩm/năm, 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng quy mô lớn, hiện đại, an toàn sinh học và hiệu quả hơn.
Đồng thời, Hòa Phát hướng tới phát triển theo chuỗi 3F (Feed - Farm _ Food), nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất.
Về kế hoạch triển khai bất động sản, ông Long chia sẻ, HPG sớm muộn cũng phát triển đa ngành sau khi hoàn thành phát triển mảng thép và bất động sản là một hướng. Lãnh đạo Tập đoàn đã đi nhiều địa phương để phát triển quỹ đất đồng thời tìm kiếm cơ hội M&A nhưng quan điểm là chỉ mua khi tính toán có lời chứ không mua bằng mọi giá, nên đến thời điểm này vẫn chưa có thương vụ M&A nào được thực hiện.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu HPG đang đứng tại mức giá 57.200 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của HPG đạt gần 25,8 triệu đơn vị/phiên.