Hòa Phát lãi gấp 3, rót thêm 20.000 tỷ đồng làm 'quả đấm thép'

Nhờ doanh thu tăng mạnh và kiểm soát tốt chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ, đạt 6.189 tỷ đồng.

 Tập đoàn Hòa Phát của Chủ tịch Trần Đình Long đã rót thêm gần 20.000 tỷ đồng vào "quả đấm thép" Dung Quất 2. Ảnh: Nam Khánh.

Tập đoàn Hòa Phát của Chủ tịch Trần Đình Long đã rót thêm gần 20.000 tỷ đồng vào "quả đấm thép" Dung Quất 2. Ảnh: Nam Khánh.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 mới công bố, Hòa Phát cho biết tập đoàn đã ghi nhận 39.556 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý gần nhất, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhờ cải thiện biên lãi gộp từ 11% lên 13%, cộng với việc tiết giảm đáng kể chi phí tài chính (trong đó chi phí lãi vay giảm gần một nửa), lợi nhuận sau thuế của nhà sản xuất thép lớn nhất thị trường Việt Nam đã tăng 129%, đạt 3.320 tỷ đồng trong quý.

Lợi nhuận 6 tháng tăng gấp 3 lần

Ngoài ra, mức tăng trưởng lợi nhuận cao quý II kể trên cũng đến từ nền so sánh quý II/2023 thấp, do đây vẫn thuộc chu kỳ suy thoái của ngành thép trong nước và toàn cầu.

Dù vậy, kết quả quý II năm nay là mức lợi nhuận cao nhất Hòa Phát thu về được trong 2 năm đã qua.

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đạt 70.408 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% và thu về 6.189 tỷ đồng lãi ròng, tăng hơn 3 lần.

Hòa Phát cho biết trong kết quả kinh doanh tích cực kể trên, nhóm sản phẩm thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lần lượt 96% và 91% cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Mảng nông nghiệp đứng thứ 2 với tỷ trọng lần lượt 4% doanh thu và 7% lợi nhuận. Trong khi bất động sản đứng thứ 3 với tỷ trọng 0,3% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế.

Năm nay, tập đoàn được mệnh danh là "vua thép" đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với năm 2023. Như vậy, sau nửa đầu năm, Hòa Phát đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và gần 62% mục tiêu lợi nhuận.

Trong nửa đầu năm nay, Hòa Phát đã sản xuất 4,37 triệu tấn thép thô, tăng 53% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tiêu thụ thép cũng đạt 4,31 triệu tấn, trong đó tiêu thụ quý II tốt hơn quý I. Riêng sản lượng thép xây dựng và HRC cung cấp cho thị trường quý II đã đạt 2 triệu tấn, tăng 13% so với quý liền trước.

Nhờ đó, tập đoàn này cho biết vẫn giữ thị phần thép xây dựng số 1 trong nước với 38%.

Ngoài ra, tổng sản lượng ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong quý II là 188.000 tấn, tăng 43% so với quý liền trước. Sản phẩm tôn mạ các loại đạt 124.000 tấn, tăng 27% với lượng xuất khẩu đạt 72.000 tấn.

Hòa Phát cho biết trong bối cảnh giá bán thép xây dựng và HRC giảm trong quý II, đà tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ tăng, trong khi các chi phí vẫn được kiểm soát tốt.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, thị trường thép dài trong 6 tháng đầu năm nay có những tín hiệu tích cực hơn với tăng trưởng từ ngành xây dựng đạt 7,34% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thép xây dựng vì thế được cải thiện với tổng tiêu thụ 6 tháng đạt 2,23 triệu tấn, tăng 35%. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tập trung cao nhất vào tháng 4-5 và giảm vào tháng 6 cho thấy đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thể khẳng định xu hướng tăng trưởng chắc chắn cho những quý sau.

Về giá thép, hiệp hội cho biết giá thép xây dựng tại Việt Nam sau khi tăng nhẹ vào cuối năm trước cũng đã bắt đầu ghi nhận các nhịp điều chỉnh trái chiều nửa đầu năm qua, trong đó phần lớn là giảm, phản ánh sự thiếu ổn định trong cầu thép.

Rót thêm 20.000 tỷ đồng làm "quả đấm thép" Dung Quất 2

Ngoài kết quả lợi nhuận tăng mạnh kể trên, điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý này của Hòa Phát là tổng tài sản tập đoàn đến cuối tháng 6 đã đạt trên 206.600 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung tại giá trị hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn.

Đến cuối tháng 6, giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát đạt trên 40.000 tỷ, tăng 16% so với đầu năm và chiếm gần 20% tổng tài sản. Trong khi đó, giá trị tài sản dở dang dài hạn đạt gần 45.400 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm, chiếm 22% tổng tài sản.

Trong phần tài sản dở dang dài hạn này, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm phần lớn, riêng giá trị tại dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất (dự án Dung Quất 2) đã chiếm gần 42.400 tỷ đồng, tăng 88% so với đầu năm, tương đương mức tăng ròng gần 20.000 tỷ đồng.

Nếu so với cuối quý I, Hòa Phát cũng đã tăng đầu tư vào dự án này gần 16.000 tỷ đồng trong 3 tháng qua.

Dung Quất 2 hiện là dự án trọng điểm của Hòa Phát, được coi là "quả đấm thép" của tập đoàn này. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, và nằm trong nhóm 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, lãnh đạo Hòa Phát cho biết dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động có thể giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng/năm.

Để có nguồn lực đổ vào dự án này, bên cạnh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và tăng vốn cổ phần, Hòa Phát cũng đã đẩy mạnh việc vay nợ.

Sau khi đạt đỉnh vào cuối quý I, tổng số dư vay và nợ thuê tài chính của tập đoàn này đã giảm trong quý II, hiện vào khoảng gần 73.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% so với quý trước. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, số dư vay nợ của Hòa Phát vẫn tăng 12%.

Hòa Phát cho biết hiện tập đoàn đã đầu tư được 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2 của dự án Dung Quất 2.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-phat-lai-gap-3-rot-them-20000-ty-dong-lam-qua-dam-thep-post1489344.html