'Hoa rừng' - hành trình kiến trúc vì cộng đồng

'Không chỉ là sự ra đời một cuốn sách, 'Hoa rừng' là một dấu mốc cho một chặng đường rất dài các kiến trúc sư và các nhà hảo tâm đã trải qua, kiến trúc vì cộng đồng và nhất là với vùng cao.

Hơn cả gần 100 công trình trường học được xây dựng dành cho các em nhỏ, đó là thông điệp về sự trân trọng, về tình thương và trách nhiệm và không được lười biếng”- đó là chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Quỹ trò nghèo vùng cao tại buổi ra mắt sách “Hoa rừng” của Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và các cộng sự của Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, diễn ra sáng ngày 22/2 tại Hà Nội.

KTS Hoàng Thúc Hào

KTS Hoàng Thúc Hào

Cuốn sách “Hoa rừng” được xuất bản song ngữ, tập hợp những ghi chép về quá trình xây dựng các điểm trường vùng cao, cùng sự chung tay của cộng đồng để tạo nên những ngôi trường khang trang, ấm cúng cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Những công trình ấy gợi liên tưởng như những bông hoa, cây nấm, cánh diều… được xây dựng bằng nguyên vật liệu địa phương, cùng sự chung tay của người dân địa phương, tạo ra không gian thân thiện.

Điểm trường Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) là công trình trường học vì cộng đồng đầu tiên do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 thiết kế, được xây dựng với sự chung tay của Quỹ Trò nghèo vùng cao và Quỹ Phượng Hoàng (nguồn ảnh: Văn phòng kiến trúc 1+1>2)

Điểm trường Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) là công trình trường học vì cộng đồng đầu tiên do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 thiết kế, được xây dựng với sự chung tay của Quỹ Trò nghèo vùng cao và Quỹ Phượng Hoàng (nguồn ảnh: Văn phòng kiến trúc 1+1>2)

“Người ta có quyền tự hào về cái rất bình thường của họ nhưng nó có thể trở thành biểu tượng kiến trúc mới. Rặng cau, đá, sỏi, cách phơi váy của đồng bào Mông, điệu múa xòe của người Thái… đều trở thành nguồn cảm hứng cho thiết kế, ngẫu hứng và tự nhiên như một bản nhạc jazz”- KTS Hoàng Thúc Hào nói. Tại lễ ra mắt sách, KTS Hoàng Thúc Hào cũng cho biết trong thời gian tới, tổng hợp kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, tới đây, Trường Đại học Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ cho ra mắt cuốn sổ tay hướng dẫn, xây dựng thiết kế các điểm trường vùng sâu, vùng xa.

Là người đồng hành với KTS Hoàng Thúc Hào từ năm 2016 khi xây dựng điểm trường vùng cao Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên), nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng: “các điểm trường vùng cao hiện nay khi xây dựng, phần lớn đều giống như trường dưới xuôi. Mô hình phổ biến là các dãy nhà hai, ba tầng. Tất nhiên khi các lớp học thưng bằng gỗ, tre, lá nay được thay thế bởi các nhà kiên cố, to, đẹp, tránh được cái rét vùng cao… thì quý quá rồi. Nhưng nếu như cùng là một công làm, cũng bỏ ra số tiền như thế, mà lại đẹp, lại hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên vùng cao, lại có màu sắc và phong cách vùng cao …thì còn quý hơn”.

KTS Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự tại văn phòng kiến trúc 1+1>2 chụp ảnh với các em học sinh vùng cao

KTS Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự tại văn phòng kiến trúc 1+1>2 chụp ảnh với các em học sinh vùng cao

Ông Phạm Hùng Anh, Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở cấp mầm non, phổ thông mới được khoảng 85%. Cả nước hiện còn khoảng 10 nghìn phòng học đang ở tình trạng xuống cấp, kết cấu không an toàn, thiếu vệ sinh tự hoại… được xây dựng bằng vật liệu đơn sơ, không đảm bảo tiện nghi sinh hoạt. Trong khi đó, việc xây dựng các điểm trường lẻ thường rất tạm bợ, áo dụng mô hình kiến trúc, xây dựng giống như miền xuôi… dẫn đến chi phí đầu tư khá lớn nhưng môi trường lại không thân thiện với vùng sâu, vùng xa. Do vậy, để hướng đến mục tiêu kiên cố hóa trường hợp học đến năm 2030 cần có những giải pháp thiết kế, xây dựng tốt, thân thiện, giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn tạo ra môi trường học tập lành mạnh cho các em.

Tại buổi giới thiệu sách, bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ sự khâm phục những người đã cùng chung tay làm nên những công trình có ích cho xã hội, đặc biệt là vì trẻ em vùng cao. “Việc xây dựng các điểm trường khác nhau, tôn trọng tính bản địa, văn hóa địa phương. Sự tham gia của người dân địa phương, các thầy cô, các em học sinh… tạo ra niềm hạnh phúc để họ được cảm thấy đây chính là sản phẩm của họ, do chính tay họ làm và họ thực sự làm chủ… đấy là tinh thần rất cần trong điều kiện chúng ta hiện nay, khi chúng ta đang cần những thay đổi mạnh mẽ. Để xây dựng quy chuẩn trường học thì đừng chấp nhận quy chuẩn chung cho các trường học mà hãy chấp nhận theo hướng đa dạng, để cho địa phương tối đa hóa việc bảo tồn những giá trị bản địa của mình trong phát triển và phát huy tốt nhất khả năng tham gia của người dân, tạo nên sự phát triển cho chính họ, để họ làm chủ cuộc sống của mình” - bà Phạm Chi Lan nói.

Phương Thúy/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/hoa-rung-hanh-trinh-kien-truc-vi-cong-dong-post1156666.vov