Hoa Sen Group: Vỡ kế hoạch niên độ khi lãi giảm sâu, lập công ty tìm bất động sản 3.000 tỷ đồng
Niên độ 2022-2023, Hoa Sen Group ghi nhận lợi nhuận giảm sâu 88% so với niên độ trước, kết quả này đã khiến cho hai kế hoạch được đặt ra trước đó đều không thể thực hiện thành công.
Lãi giảm mạnh, vỡ kế hoạch niên độ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) có tiền thân là Công ty Cổ phần Hoa Sen, được thành lập ngày 08/8/2001 với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Hoa Sen Group hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tôn, thép số 1 Việt Nam và là nhà xuất khẩu tôn, thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa công bố Báo cáo thường niên cho niên độ 2022-2023.
Về tình hình kinh doanh, với các chủ trương đầu tư lớn vào bất động sản, IPO mảng nhựa và cơ cấu lại khối vật liệu xây dựng và nội thất, HSG ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất niên độ tài chính 2022-2023 đạt 31.650 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần niên độ tài chính 2022-2023 của HSG đạt hơn 31.650 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của HSG lần lượt giảm 35% và 22% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận đạt 2.476 tỷ đồng và 406,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 30 tỷ đồng, giảm 88% so với niên độ trước.
Trong niên độ 2022-2023, HSG đã đặt ra 2 kế hoạch kinh doanh, ở phương án thứ nhất, HSG dự kiến doanh thu mục tiêu đạt 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 60%. Ở phương án 2, HSG dự kiến doanh thu đạt 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng. Như vậy, theo kết quả kinh doanh đạt được trong niên độ 2022-2023, HSG đã không thể hoàn thành cả 2 phương án đã đề ra trước đó.
Tính tới thời điểm ngày 30/9/2023, Hoa Sen Group có tổng cộng tài sản đạt 17.365 tỷ đồng, tăng 340 tỷ đồng so với thời điểm 1/10/2022. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với 11.274 tỷ đồng. Tài sản dài hạn của doanh nghiệp tính tới ngày 30/9/2023 đạt 6.090 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 6.585 tỷ đồng, chiếm 61% tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Lập công ty mới để “dấn sâu” vào bất động sản
Về chiến lược phát triển của Hoa Sen Group, hồi cuối tháng 12/2023, công ty đã thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Theo đó, thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.
Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn dự kiến có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm 40 tỷ đồng vốn góp của HSG, người đại diện cho phần vốn của HSG tại Hoa Sen Sài Gòn là ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực – điều hành của HSG. Ngoài ra, 60 tỷ đồng của các cổ đông sáng lập khác. Mặc dù chỉ góp vốn 40% nhưng công ty này vẫn mang thương hiệu Hoa Sen. Ngành nghề kinh doanh chính của Hoa Sen Sài Gòn là kinh doanh bất động sản, kho bãi, dịch vụ lưu trú ngắn hạn, dịch vụ ăn uống, xây dựng nhà ở…
HSG cho biết, việc góp vốn thành lập Hoa Sen Sài Gòn nhằm tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).
Trên thị trường, Hoa Sen Group chỉ có duy nhất 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái (được thành lập năm 2016). Như vậy, HSG sắp có thêm 1 công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản. Trong quá khứ, HSG từng tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng và sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là thép.
Trên thị trường chứng khoán, sau 7 tháng bị liệt vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế âm, cổ phiếu của Hoa Sen Group đã được giao dịch ký quỹ trở lại sau thông báo ngày 27/12 của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Khép phiên giao dịch ngày 9/1, cổ phiếu HSG giảm 2,01%, qua đó đưa thị giá cổ phiếu về mức 21.900 đồng/cổ phiếu.