Hoa sen ngày Tết: Từ sự phi lý đến… hợp lý nhờ cái nhìn của tâm tưởng
Những biểu tượng về hoa sen, những điêu khắc về hoa sen vẫn được người đời tạc, đưa lên bàn thờ. PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, người Việt thờ hoa sen ngày Tết chính là thờ những bông hoa sen nở trong tâm tưởng của chúng sinh, hướng về ý nghĩa cao đẹp, tinh khiết và gắn với lẽ đạo.
Đồng nhất với cái đích hạnh phúc
Trong hệ thống hoa 4 mùa, hoa sen gắn với mùa hạ, mang tính âm. Hoa sen và mùa hạ có mối quan hệ âm dương thích hợp với tư duy người làm nghề nông. Vì vậy, người Việt rất chú trọng đến hoa sen. Loài hoa này được người đời đề cao bởi tâm tưởng, chứ không phải sắc đẹp của nó. Dân gian nhìn hoa sen theo ý nghĩa cao đẹp, tinh khiết.
Giữa một biển lá xanh, nổi lên những bông hoa sen trắng hoặc hồng, ai nhìn vào cũng cảm thấy tâm hồn phơi phới, gạt bỏ cái khổ đau của con người. Hương của hoa sen không quá nồng, cũng không quá nhạt, thực sự giúp cho người ta thấy được cái sảng khoái khi tiếp cận trong không gian bao la, trên con đường tâm tưởng.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, với đạo Phật, hoa sen có nhiều loại nhưng đặc biệt, hoa sen được biết tới nhiều nhất ở thế giới tịnh độ, đất Tây phương cực lạc do Phật Adiđà làm chủ. Những chúng sinh có Phật quả được trôi về miền cực lạc. Ở nơi ấy, mọi chúng sinh này đều được tái sinh từ các bông sen to, nhỏ khác nhau.
Qua sự tích kể trên, một số nhà nghiên cứu ngờ rằng, hoa sen là hiện tượng nghệ thuật hóa và thiêng hóa, nơi để sinh ra của các loài hữu tình. Hoa sen đồng nhất với cái đích hạnh phúc mà các tôn giáo hướng tới. Vì thế, niết bàn đồng nhất với hoa sen đã được coi như một lẽ tất yếu.
Còn với họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, hoa sen là biểu tượng cho ý chí vươn lên, vượt qua bùn lầy để tỏa hương và khoe sắc với đời, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, số phận. Đặc biệt, nhìn hoa sen để thấy sự thánh thiện, không làm điều ác. Hương thơm của loài hoa này không quá lạnh lùng nhưng cũng không quá quyến rũ khiến người ta sa ngã. Vì sự gần gũi với tinh thần quật cường, không chịu khuất phục của người Việt nên loài hoa này gắn bó tự nhiên với đời sống, tín ngưỡng của cư dân bản địa.
Hoa sen trong mỹ thuật cổ
Từ xa xưa, hoa sen đã xuất hiện trong các công trình kiến trúc qua các điêu khắc trên bệ mái ở đình, đền, chùa cho tới ngôi nhà Việt. Các nghệ nhân dân gian làm hoa sen bằng gỗ, bằng đồng, hoành phi câu đối cho đến cửa võng.
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức cho biết, sen được sử dụng rộng rãi trong mỹ thuật cổ và ngôi nhà Việt tới mức, cúi đầu xuống nhìn vào các chân cột đình, chùa cũng thấy hoa sen, ngẩng mặt nhìn lên hoành phi, câu đối, bàn thờ là thấy ngay bông sen bằng gỗ, là hình ảnh con hạc ngậm bông sen và nhìn sang ngang thì thấy hoa sen ở các đồ gốm. Điều đó cho thấy, hoa sen đã ăn sâu và bám rễ trong tâm trí người Việt đến mức, rất khó xuất hiện thêm loài hoa khác thay thế vị trí của loài hoa thanh tịnh này.
Có một điều khá thú vị, dù sen không thuộc mùa xuân, nhưng vào ngày Tết, loài hoa này vẫn chiếm một vị trí trang trọng trong ngôi nhà Việt. Ngoài bát đĩa, ấm chén, những vật dụng người dân sử dụng trong ngày Tết, ngay trên bàn thờ, những bông sen bằng gỗ vẫn không thể thiếu. Đặc biệt, để miêu tả lại đời sống của chúng sinh, về sinh thái của muôn loài, trên lá sen bằng gỗ, các nghệ nhân dân gian còn gắn thêm hình ảnh của con nhện giăng tơ, trên đài sen còn gắn thêm hình ảnh của con chuột đang gặm nhấm…
Điều đó chỉ có thể được giải thích bằng việc, sen vừa thanh quý, tịnh độ vừa giống như con người, cũng chịu những tác động của môi sinh. Nhưng cao hơn cả, người Việt thờ hoa sen chính là thờ những bông sen trong tâm tưởng, hướng tới sự giải thoát khỏi khổ đau. Vì gắn kết sâu sắc với tâm tưởng ấy nên ở nhiều chùa đã có những bức phù điêu về hồ sen. Trong đó, chính tâm của bức phù điêu là lá sen úp cuộng, vòng lên rồi chạy xuống bùn. Đi kèm với lá sen là bông sen nở, rồi điểm xuyết là các nụ sen. Đương nhiên, đã là hồ sen còn có các nụ, các lá nhỏ bao xung quanh tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh.
Trở thành huyền thoại
Ý nghĩa Phật giáo ở bức phù điêu đó còn cao đẹp hơn nhiều những gì người ta nhìn thấy. Lá sen úp cùng các đường gân là tượng trưng cho con đường của trí tuệ, giải thoát, là con đường để cảm hóa. Với chức năng như vậy, 2 bông sen nhỏ ở 2 bên như tượng trưng cho âm, dương đối đãi và ở trên trục trung tâm như đã miêu tả là bông sen nở tượng trưng cho niết bàn.
Từ thực tế của thiên nhiên, xã hội, con người đã đẩy vẻ đẹp của hoa sen lên thành huyền thoại. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, những bộ óc của kẻ tiểu nhân chỉ nhìn thấy ở đó sự phi lý, mê tín dị đoan nhưng người thức giả cần phải thông qua huyền thoại ấy để tìm về bản thể, cốt lõi của văn hóa, để thấy được vẻ đẹp mênh mông, thuộc tư duy liên tưởng của người xưa, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày nay, hoa sen tiếp tục được các họa sỹ Việt theo đuổi trong hội họa. Tuy nhiên, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức đánh giá, chưa có thời kỳ nào, hoa sen lại được sử dụng triệt để như trong vốn cổ. Từ một lá sen, một bông sen, người xưa đã cách điệu và tạo hình rất đa dạng.
Thậm chí, hoa sen đã được vẽ như những hình kỷ hà. Trong khi đó, các họa sỹ ngày nay phần lớn chỉ tập trung đi vào miêu tả về trạng thái, tình cảm của loài hoa này và có thiên hướng tả thực nhiều hơn. Nhưng cũng ở đề tài này đã xuất hiện những tên tuổi dành cả đời theo đuổi một đề tài về sen như họa sỹ Đặng Phương Việt, Vũ Tuyên…
Dù sự đa dạng trong cách thể hiện về sen của các họa sỹ ngày nay còn có nhiều điều đáng bàn, tuy nhiên, với những tác phẩm đã ra đời, lớp họa sỹ ngày nay đã tiếp nối trong vốn cổ của cha ông để tạo ra những bức tranh đẹp mắt về sen, về quan niệm nhân sinh quan từ tạo hình của loài hoa này.
Đó là một dòng chảy liền mạch không ngừng nghỉ của mỹ thuật Việt từ xa xưa cho tới thời hiện đại. Với những người yêu mến nghệ thuật, các tác phẩm về hoa sen luôn được ưa chuộng và không ít người đã mạnh tay rút hầu bao để sở hữu tác phẩm ấy với những hy vọng về một năm mới bình an, thanh tịnh trong tâm hồn, bớt đi những ưu phiền và khổ đau, chỉ có niềm vui và sự hạnh phúc.