Họa sĩ Claudie Vân: 'Tôi không vẽ để bán tranh'
Back to the Nature là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Claudie Vân nhằm ghi lại dấu mốc 16 năm trên hành trình kiên trì theo đuổi đam mê hội họa.
Mới đây, tại không gian nghệ thuật Six Senses Space, Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt tranh sơn mài và lụa của họa sĩ Claudie Vân.
Ở triển lãm lần này, Claudie Vân mang tới 9 tác phẩm sơn mài cùng 8 bức tranh lụa mà chị đã gửi gắm trọn vẹn trái tim và tâm sức để tìm tòi, thử nghiệm và hoàn thành. Triển lãm sẽ kéo dài trong vòng một tháng, từ 27/5 đến 27/6.
Nhân dịp này, chia sẻ với TG&VN, họa sĩ Claudie Vân cho biết, đại dịch Covid-19 như một cơn cuồng nộ của tự nhiên, khiến con người chợt thức tỉnh. Bởi vậy, thông điệp mà chị muốn gửi gắm chính là “Quay về với tự nhiên”.
Chị bén duyên với nghiệp hội họa từ khi nào?
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật đã ảnh hưởng rất lớn tới cách nhìn nhận vấn đề của tôi. Bản thân tôi cũng là người có nhiều trải nghiệm, do đó thế giới quan của tôi rất phong phú. Tôi nghĩ cái tôi thiếu chỉ là kỹ năng và cái này thì có thể học được.
Tuy nhiên, tôi không học qua trường lớp bài bản nào về hội họa mà chỉ tìm học những người giỏi nhất ở từng lĩnh vực và về tự triển khai. Tôi dùng hội họa như một công cụ để thể hiện cảm xúc. Không vẽ tranh để làm nghề hoặc để đi bán tranh, tôi vẽ tranh để kể câu chuyện của bản thân.
Ý tưởng của bộ sưu tập lần này là gì?
Là một người ưa vận động, ưa trải nghiệm cuộc sống, yêu thiên nhiên tôi thường chạy mỗi sáng qua những đầm sen thơm ngát ven hồ Tây. Điều này đã khơi dậy cảm xúc và thôi thúc tôi hình thành tác phẩm “Back to the Nature” – điểm nhấn gây ấn tượng thị giác đặc biệt trong triển lãm lần này.
Hoa sen là một đề tài khá quen thuộc trong nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Chị đã khai thác nó ở khía cạnh nào để tạo được điểm nhấn riêng?
Lựa chọn hình tượng hoa sen là một quyết định táo bạo và khó khăn. Bởi hoa sen đã được khai thác rất nhiều trong nghệ thuật cũng như hội họa.
Để tạo nên sự khác biệt, tôi không theo đuổi phần hình mà đi vào mô tả phẩm chất của hoa sen. Tôi cảm nhận được khí chất của loài hoa này, từ dưới bùn vươn lên, trụ vững ở trên bùn và tỏa hương thơm ngát. Bắt nguồn từ suy nghĩ này đã thôi thúc tôi sử dụng một đề tài cũ nhưng với cách nhìn hoàn toàn mới.
Các tác phẩm này được ra đời trong hoàn cảnh nào?
13 bức tranh thuộc 9 tác phẩm sơn mài lần này được thực hiện phần lớn trong thời gian đại dịch Covid-19 phủ bóng đen hắc ám lên khắp địa cầu và Hà Nội bức bối, ngột ngạt trong những ngày dài bị phong tỏa.
Chị đã sử dụng kỹ thuật và chất liệu nào để tạo nên các tác phẩm của mình? Chúng có ý nghĩa đối với việc thể hiện ý đồ của tác phẩm?
Tôi sử dụng nhiều chất liệu từ acrylic đến sơn dầu, từ mềm mại đầy nữ tính như lụa tới những kỹ thuật sơn mài truyền thống đầy thử thách. Mặc dù biết rằng, chọn lựa lối đi sơn mài đã rất đỗi gập ghềnh, tôi còn quyết định thử thách bản thân với kỹ thuật gắn vỏ trứng – kỹ thuật khó nhất của sơn mài.
Việc thể hiện tác phẩm bằng vỏ trứng cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro, nếu làm không tới thì tác phẩm của mình trông chẳng khác gì đồ mỹ nghệ.
Kỹ thuật này đòi hỏi rất nhiều thể lực, đôi khi nam giới cũng còn ngần ngại (cười). Bên cạnh thể lực, còn đòi hỏi sự bền bỉ và tính toán kỹ lưỡng cho từng mảng màu, giữa mảng gắn trứng với mảng còn lại.
Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với việc thể hiện cảm xúc của tôi. Như đã nói ở trên, tôi chọn cách khai thác hình tượng bông hoa sen theo một hướng hoàn toàn khác, kỹ thuật gắn trứng giúp tôi thể hiện được một cách hoàn hảo nhất khí chất mạnh mẽ của bông hoa sen.
Quá trình sáng tác mất bao lâu? Chị đã gặp phải những khó khăn như thế nào?
Sau hơn một năm trời đánh vật, tôi cũng đã hoàn thành tác phẩm cuối cùng. Trong quá trình đó, khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Tôi bị sơn ăn vào da, ngứa và dị ứng. Bố mẹ thấy vậy thì can ngăn rằng thôi bỏ đi, vẽ vời gì nữa (cười). Nhưng tôi nghĩ sơn cũng là một chất liệu tự nhiên, chỉ là do cơ địa cần thời gian để thích ứng.
Thêm vào nữa, quá trình sáng tác cũng hết sức nặng nhọc và vất vả. Dĩ nhiên, tôi phải hợp tác cùng một bạn nam nữa để hỗ trợ, tuy nhiên về màu sắc, độ tương phản hay đường nét vẫn là do bản thân tự tay làm.
Hơn tất cả, tôi gạt hết mọi khó khăn sang một bên và tiếp tục bền bỉ sáng tác.
Thông điệp chính mà chị muốn gửi gắm tới khán giả là gì?
Cái tên “Back to the nature” chợt lóe lên sau khi các tác phẩm được hoàn thiện. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm cũng bắt nguồn từ cái tên này, chính là “Quay về với tự nhiên”.
Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, hơn bao giờ hết, cơn cuồng nộ của tự nhiên khiến con người chợt thức tỉnh. Chúng ta đâu cần phải chạy theo những thứ quá phù phiếm làm tổn thương tới tự nhiên. Chỉ lối sống hòa hợp với thiên nhiên, tìm về với nguồn cội thì mới có thể duy trì bền vững sự sống.
Đó là điều tôi đã cảm nhận sâu sắc từ bản thể, để tìm thấy nguồn cảm hứng vô tận và duy trì năng lượng sáng tạo trong những ngày tháng khó khăn nhất chống chọi và chế ngự "cơn sóng thần" Covid-19.
Tôi nghĩ tôi đã làm tròn câu chuyện của mình.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!
Claudie Vân tên thật là Nguyễn Thúy Vân (sinh năm 1974). Hoạt động nghệ thuật từ năm 2006, tham gia học tập, nghiên cứu hội họa, đi thực tế tại các bảo tàng lớn trên thế giới như Seattle Art Museum, Frye Art Museum (Mỹ), Bảo tàng Louvre (Pháp)...
Chị từng học và làm việc với các họa sĩ Trương Tiến Trà, Đặng Thảo Ngọc, Đinh Cảnh và Phan Cẩm Thượng. Từ những người thầy, người bạn của mình, Claudie Vân nắm được các kỹ thuật hội họa và tạo hình, đủ để sáng tác một cách độc lập và tìm được lối đi riêng trên con đường thực hành hội họa.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-si-claudie-van-toi-khong-ve-de-ban-tranh-186467.html