Họa sĩ Đào Tấn Hưng: Người lính giữa đời thường
Đời chiến trận, đời người lính, qua lời kể của những người đồng đội luôn là những câu chuyện cảm động nhất, ngậm ngùi nhất. Đó cũng là câu chuyện của họa sĩ Đào Tấn Hưng, vốn là đặc công trên chiến trường rừng Sác đã dành gần như cả cuộc đời mình để sống đời người lính và sáng tác về đồng đội của mình.
* Trung thành với đề tài người lính
Có một vị thiếu tướng nhiều năm vào sinh ra tử, đến khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo mới nghĩ đến việc ghi lại vài điều cho cuộc đời mình. Khi nghe ông tâm sự, họa sĩ Đào Tấn Hưng đã thực hiện một bộ tác phẩm điêu khắc giúp bạn thỏa ước nguyện riêng. Bộ phù điêu đắp bằng xi măng, 4 tấm thể hiện chủ đề xuân - hạ - thu - đông (thể hiện quy luật của cuộc sống); 5 tấm còn lại kể về quá trình vị thiếu tướng ấy được sinh ra, học tập, trưởng thành, đi chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Những hình ảnh hết sức cô đọng và tiêu biểu, thông qua mô típ hình tròn: vòng tròn đắp nổi một vành trăng khuyết tựa trên mặt sóng, xung quanh là lá tre, nhánh lúa, vồng khoai kể về ngày ra đời... Cho đến ngày người trai ra đi làm nghĩa vụ bảo vệ non sông đất nước, vẫn vòng tròn ấy nhưng bên trong là hình ảnh núi sông trùng điệp và những cánh chim sải rộng trên bầu trời... Ngày toàn thắng, vòng tròn ấy nổi bật hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh, vầng nguyệt quế và thanh gươm lệnh, cùng với những trang sách đang mở rộng…
Chỉ với xi măng giả đồng, nhưng nét điêu khắc tinh tế, người họa sĩ đã nói thay được tấc lòng của đồng đội dành cho quê hương, gia đình.
Họa sĩ Đào Tấn Hưng còn nổi tiếng với tác phẩm ghép gốm chân dung Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước. Thời gian ông chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tá Lê Bá Ước không dài, nhưng ông đã gắn bó với vị chỉ huy suốt 40 năm sau chiến tranh, chăm lo cho bao đồng đội đã ngã xuống qua công tác đền ơn đáp nghĩa. Ông đã đưa chân dung chỉ huy Lê Bá Ước lên tranh gốm với tất cả tình yêu thương và sự gần gũi, ai xem tranh cũng nhận ra nụ cười hiền và ánh mắt đôn hậu của người anh hùng rừng Sác. Tác phẩm này đang được trưng bày tại nhà riêng của cố đại tá.
Tranh gốm là một mảng sáng tác giúp họa sĩ Đào Tấn Hưng nối dài nhiều câu chuyện đời lính - từ thời chiến đến thời bình (Đào Tấn Hưng còn có những bức ghép gốm như: Ba lần tiễn con đi, Máu lửa phi trường, Hoa biển, Tổ quốc nơi đầu sóng 1 và 2…) và nhiều bức ghép gốm phong cảnh, tĩnh vật, hoa. Không dừng lại ở đó, ông còn là tác giả của nhiều biểu trưng (tiêu biểu như huy hiệu Chiến khu Đ, Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, đặc công rừng Sác...); các tượng đài chiến sĩ trên khắp miền Đông, vườn tượng Chiến khu Đ, Văn miếu Trấn Biên; chưa kể mảng tranh sơn dầu và phù điêu... Hầu hết đều tập trung vào hình tượng người lính, và sức sống, vẻ đẹp của quê hương Đồng Nai - với một chiều sâu văn hóa rất riêng và phong phú.
* Tận tâm, tận lực với đời
Họa sĩ Đào Tấn Hưng vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Ông kể thời thơ ấu ở quê nhà Hưng Yên, tuy gia đình khó khăn nhưng niềm say mê hội họa đã đi vào máu thịt của ông; ông vẽ, nặn tượng, làm đồ chơi và theo đuổi những ý tưởng riêng, dù khó khăn lắm mới kiếm được hộp màu, cây cọ. Vào quân đội, sau huấn luyện ông cùng đồng đội hành quân xuyên dãy Trường Sơn vào căn cứ rừng Sác và được biên chế vào Đoàn 10 (đặc công thủy). Rồi khi bị thương, được đưa về trạm quân y, đến lúc thấy ông ký họa chân dung đồng đội bằng than củi, mọi người mới biết đến tài năng của người chiến sĩ trẻ và Đào Tấn Hưng được đưa về Cục Chính trị Quân khu miền Đông, nhận nhiệm vụ “chiến sĩ văn hóa”, vừa cầm cọ vừa cầm súng.
Sau năm 1975, ông tiếp tục khoác áo lính, đến năm 1984, ông chuyển ngành về Tổng công ty thực phẩm Đồng Nai, đến vùng đất Phước Thái xây dựng nông trường, rồi nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty rượu bia - nước giải khát Đồng Nai... Với trách nhiệm của người lính, ông nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó là thời khó khăn chung, một vài ký gạo cũng quý, một tấm áo mới cũng trở nên xa xỉ... Thế nhưng, những người bạn, đồng nghiệp của họa sĩ Đào Tấn Hưng thời ấy vẫn sát cánh với ông đến tận bây giờ. Thỉnh thoảng gặp mặt, họ vẫn kể lại những câu chuyện khốn khó thời đó và đức tính hy sinh, chia sẻ tất cả vì bạn bè, đồng nghiệp của ông.
Sau 20 năm liên tục công tác, Đào Tấn Hưng nghỉ hưu và hưởng chế độ thương binh. Trở về đời thường với bài toán cơm áo, gạo tiền, ông đã làm tất cả để chăm lo cho cuộc sống gia đình, và trên hết là trở về với giá vẽ, với ước mơ họa sĩ của mình. Bạn bè, đồng nghiệp khẳng định: hoàn cảnh có thể thay đổi, cuộc sống có thể khó khăn hơn, nhưng con người họa sĩ Đào Tấn Hưng không hề thay đổi. Ông vẫn là ông, hết mình với cuộc sống; chung thủy với gia đình, đồng đội…
Ở tuổi U.70, ông vẫn say mê sáng tác, chịu khó đi, nghe và đọc, khi đã có ý tưởng là cố gắng làm đến cùng. Ông vẫn liên tục có những tác phẩm mới về các đề tài do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phát động. Họa sĩ Đào Tấn Hưng và nhiều tác giả quân đội vẫn tin tưởng vào thiên hướng nghệ thuật của mình, tự giác coi đó là nhiệm vụ và tích cực lao động, sáng tác để tri ân đồng đội, làm đẹp cho đời.
Nói về các phần thưởng cao quý cho đời binh nghiệp và trong sáng tác, chính họa sĩ Đào Tấn Hưng cũng không nhớ hết, nhưng ông cho rằng, phần thưởng lớn nhất dành cho ông chính là được sống bằng nghề và được mọi người tôn trọng, yêu thương qua màu áo và những tác phẩm về người lính.