Họa sĩ đưa ảnh gia đình vào tranh tường

Tranh tường (mural) thường bao phủ cả một bức tường, một ngôi nhà và có những màu sắc cực kỳ rực rỡ. Để nhìn từ xa, mọi cảnh tượng trong đó đều nổi bật, sống động.

Vẫn lối vẽ đặc sắc, song Mohamed L, Ghacham, một họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha, gốc Ma Rốc, cho ta rất nhiều xúc cảm vui buồn, thương nhớ lẫn lộn.

Ông cùng lúc kết hợp cả hội họa với nhiếp ảnh, dùng tính chất ước lệ, mờ ảo của tranh vẽ phối ngẫu với tính chất cụ thể, rõ ràng của ảnh chụp để tạo nên những bức họa siêu thực từ những album ảnh gia đình, đặc tả những phút giây sum họp, vui vẻ của mọi người bên cha mẹ, anh em.

Và dù rằng đề cập tới một số cư dân (gia chủ của các ngôi nhà được vẽ) ở các địa phương, song du khách đều như thấy họ được chứng kiến chính gia đình mình, dưới nhiều sinh hoạt thân quen, ví dụ nấu ăn, chăm em, ru con, đi chợ, dạo chơi, nhảy múa, ca hát, tổ chức sinh nhật…

Chỉ một chút ngỡ ngàng vì tranh cao đến hàng mét, nhưng ai nấy sau đó đều dễ dàng tĩnh tâm, để ngắm nhìn thật kỹ, thưởng thức vẻ đẹp bình dị và cũng rất thanh lịch của các cặp vợ chồng, bạn bè, em bé trên đó.

Thử hỏi liệu mình có thể đẹp, hồn nhiên thế không? Và những tấm hình xưa kia mình chụp cùng cả nhà có còn chăng?

Họa sĩ là người đón bắt rất giỏi tâm lý công chúng, khi đưa ra chủ đề trên, vì nó có tác động cực lớn đối với cả trẻ lẫn già. Với thế hệ trẻ là sự tò mò, hiếu kỳ trước những điều bất ngờ, chưa từng thấy về bản thân hay gia quyến, và với các cụ già thì là ký ức, sự hồi tưởng những dĩ vãng đã qua, bùi ngùi xúc động.

Thế nhưng, Mohamed L, Ghacham là một họa sĩ rất trẻ, mới 26 tuổi, và anh chưa từng trải qua trường lớp mỹ thuật nào, mà chỉ tự học. Anh bắt đầu vẽ tranh chữ đường phố (graffiti) khi đang học lớp 10, và đã theo đuổi nó đến năm 22 tuổi thì chuyển sang mural.

Sở dĩ anh chuyển sang mural vì graffiti hay bị xem là nghệ thuật phá rối, song hơn cả là vì năng khiếu hội họa theo chủ nghĩa cổ điển và ấn tượng đã thôi thúc anh.

Trong khi các bạn cùng trang lứa vẽ graffiti tập trung vào cách tạo lập hình khối để chữ mới lạ, thì anh lại thiên về vẽ người hơn và đã nhanh chóng thành công với nhiều họa phẩm chân dung, phong cảnh lớn, trang trí cho các hội chợ, triển lãm.

Mural của anh thường rất hoành tráng, mang nhiều phong cách từ Rembrandt, Mary Cassat, Annie Leibovitz… tới FPere Llobera, Antonio Lopez và Sebas Velasco… cùng đó là những nét vẽ quyến rũ, mềm mại của phương Đông trên nền khô ráp, góc cạnh của nhà cửa - phố xá.

Theo Chu Mạnh Cường -Urbanite và Street Art News

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hoa-si-dua-anh-gia-dinh-vao-tranh-tuong-4032563-b.html