Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu và những con tem tôn vinh phụ nữ Việt

Tận tâm, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu (nguyên cán bộ Công ty Tem Việt Nam, thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) đã khéo léo đưa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam lên những con tem.

Với hơn 200 mẫu tem mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử, bà không chỉ khắc họa vẻ đẹp dịu dàng mà còn tôn vinh sự kiên cường, những đóng góp to lớn của phụ nữ qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước.

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu.

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu.

1. Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu lớn lên trong một gia đình đặc biệt - nơi nghệ thuật và khoa học hòa quyện làm một. Cả bố mẹ đều theo nghề y nhưng ở họ luôn cháy bỏng niềm đam mê thơ ca, hội họa và âm nhạc truyền thống. Ngay từ thuở nhỏ, cô bé Liệu đã được bao bọc trong một không gian thấm đẫm sáng tạo. Những bức chân dung giản dị do cha vẽ không chỉ là món đồ chơi quen thuộc, mà còn là những ký ức đầu tiên về nghệ thuật cho Liệu. Không dừng lại ở đó, ông còn miệt mài tự học đàn nhị, vĩ cầm, đàn tranh, rồi tận tâm truyền dạy lại cho các con. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Liệu đã có thể hòa tấu cùng cha với cây đàn tranh. Rồi những điệu dân ca mộc mạc, những bản giao hưởng tráng lệ, hay các tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới vang lên từ chiếc radio nhỏ dần dần thấm sâu, nuôi dưỡng trong bà một tình yêu nghệ thuật mãnh liệt và bền bỉ.

Từng ấp ủ giấc mơ trở thành nhà văn khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi văn của tỉnh Thái Bình, nhưng rồi con đường bà chọn lại rẽ sang một hướng khác. Người anh trai, vốn theo học mỹ thuật, đã gợi ý bà thi vào ngành Hội họa sơn mài của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội). Những năm tháng miệt mài bên những bức tranh sơn mài khổ lớn, thỏa sức vẫy vùng trong chất liệu phóng khoáng, bà không ngờ rằng mình sẽ bước vào một thế giới hoàn toàn khác - thế giới của những con tem bưu chính nhỏ bé. Nhưng chính những câu chuyện về tem, về những phong bì cũ mà từ bé bà vẫn thích sưu tầm, dần dần cuốn bà vào niềm say mê mới.

Khi ấy, công nghệ chưa hỗ trợ thiết kế trên máy tính như bây giờ. Mọi công đoạn, từ phóng hình, nhân bản đến kẻ chữ, đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Thế nhưng một thế giới tưởng chừng nhỏ bé ấy lại mở ra trước mắt bà những chân trời sáng tạo không giới hạn. Với bà, tem bưu chính không đơn thuần là phương tiện chuyển phát thư từ, mà còn là những “đại sứ” thu nhỏ, mang trong mình thông điệp của cả một quốc gia. Mỗi con tem là một lát cắt tinh tế của lịch sử, văn hóa, đòi hỏi người thiết kế không chỉ có tay nghề vững vàng, mà còn phải am hiểu sâu sắc về từng đề tài.

2. Hai trăm mẫu tem gắn liền với tên tuổi họa sĩ Hoàng Thúy Liệu không chỉ là ngần ấy tác phẩm nghệ thuật mà còn là những câu chuyện sống động, chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc. Mỗi con tem nhỏ bé là một lát cắt thời gian, ghi dấu những sự kiện quan trọng và những giá trị trường tồn của đất nước.

Có thể kể đến những bộ tem ý nghĩa như "Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng", bộ tem về cung đình Huế; hay các bộ tem đánh dấu những cột mốc lịch sử trọng đại như kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... Bên cạnh đó, tình yêu thiên nhiên của nữ họa sĩ cũng được thể hiện trọn vẹn qua những bộ tem tinh tế về hoa trà, hoa lan, linh trưởng, rùa biển...

Đặc biệt là con tem do bà thiết kế trong Bộ tem kỷ niệm 50 năm ngày phát hành con tem đầu tiên. Với ý nghĩa tôn vinh chặng đường 50 năm tem bưu chính Việt Nam, con tem được bà thiết kế theo hướng kế thừa tinh thần con tem đầu tiên. Quyết định chọn thủ pháp “tem trong tem” là một lựa chọn táo bạo và đầy sáng tạo - lần đầu tiên trong lịch sử tem Việt Nam, một con tem mang hình ảnh của chính một con tem khác. Trong thiết kế, hình ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng ở trung tâm, vừa thể hiện sự tôn kính, vừa giữ được sự hài hòa với tổng thể bộ tem. Từng chi tiết, từng đường nét đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Bà đã tỉ mỉ điều chỉnh từng gam màu để đảm bảo bộ tem vừa giữ được nét mỹ thuật, vừa thể hiện được tinh thần Việt Nam.

3. Điều đáng nói là trong suốt quá trình sáng tác, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu luôn dành nhiều tâm huyết cho hình tượng người phụ nữ, trăn trở làm sao để đưa hình ảnh ấy lên những mẫu tem bưu chính một cách ý nghĩa và trọn vẹn nhất. Một trong những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của bà là bộ tem "Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân", tái hiện sinh động huyền thoại về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Bộ tem gồm nhiều mẫu, khắc họa những khoảnh khắc quan trọng trong truyền thuyết: Cuộc gặp gỡ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, hình ảnh Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân cùng 50 người con xuống biển. Đặc biệt, mẫu tem về Âu Cơ không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng.

“Trên mẫu tem, hình ảnh Âu Cơ ôm ấp, che chở con cái được khắc họa bằng những nét vẽ mềm mại, dịu dàng, toát lên tình mẫu tử sâu sắc. Màu sắc chủ đạo mang tông ấm áp, gợi lên sự ấm cúng, yêu thương, như vòng tay mẹ ôm trọn những đứa con của mình. Đặc biệt, chi tiết bàn tay nâng niu con trẻ hay dáng đứng vững chãi của mẹ thể hiện rõ sự bảo bọc, che chở của bà dành cho đàn con. Bộ tem không chỉ tôn vinh nguồn cội dân tộc mà còn là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về tình mẫu tử thiêng liêng - tình yêu bao la, không biên giới của người mẹ dành cho con. Dù có xa cách, họ vẫn mãi gắn kết, hướng về nhau như chính dòng máu chung của dân tộc” - họa sĩ Hoàng Thúy Liệu chia sẻ.

Ngoài hình tượng Âu Cơ đầy thiêng liêng, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu còn khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong nhiều vai trò khác nhau như chiến sĩ kiên trung, nhà lãnh đạo tài trí, người lao động cần mẫn hay người gìn giữ hạnh phúc gia đình. Những bức chân dung thu nhỏ ấy phản ánh sự kiên cường của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp truyền thống trong trang phục dân tộc.

Trên các mẫu tem của bà, hình ảnh người phụ nữ Việt hiện lên nền nã trong tà áo dài duyên dáng, áo tứ thân mộc mạc, khăn vấn thanh lịch hay nón quai thao dịu dàng. Qua từng đường nét mềm mại, từng gam màu hài hòa, hình ảnh người mẹ, người chị được tái hiện sinh động, chất chứa tình mẫu tử bao la. Mỗi con tem không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang theo tâm huyết, trách nhiệm và sứ mệnh của nữ họa sĩ, lan tỏa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay, tôn vinh những giá trị bền vững của gia đình bằng cả tấm lòng và tình yêu sâu sắc.

Dưới ngòi bút tài hoa, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực thiết kế tem bưu chính mà còn góp phần lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Mỗi con tem bà tạo ra không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, mà còn chứa đựng những câu chuyện, những thông điệp giàu ý nghĩa, phản ánh tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Dành cả cuộc đời gắn bó với tem bưu chính, họa sĩ Hoàng Thúy Liệu đã chứng minh rằng nghệ thuật không chỉ nằm trong những bức tranh lớn, mà đôi khi, vẻ đẹp ấy có thể gói gọn trong một mẩu giấy nhỏ, nhưng lại mang sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Những con tem của bà không chỉ chở theo ký ức, tình cảm, mà còn là những nhịp cầu kết nối quá khứ với hiện tại, gửi gắm đến các thế hệ mai sau tình yêu và niềm tự hào dân tộc.

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu sinh năm 1955 tại Thái Bình nhưng quê gốc ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Bà là tác giả của hơn 200 mẫu tem và là tác giả của nhiều giải thưởng như giải Ba Cuộc thi tem kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, giải Ba Cuộc thi tem kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Năm 2015, bà cùng nhà sưu tầm tem Vũ Văn Tỵ tổ chức triển lãm “Câu chuyện của tem” tại Hà Nội, trưng bày hơn 40 mẫu tem phóng lớn, mang đến góc nhìn mới mẻ về tem bưu chính.

Tuyết Nhung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-si-hoang-thuy-lieu-va-nhung-con-tem-ton-vinh-phu-nu-viet-695276.html