'Họa sĩ nhí' với tình yêu quê hương
Không chỉ vẽ tranh để thỏa đam mê, một số 'họa sĩ nhí' ở phố núi Pleiku còn khéo léo gửi gắm tình yêu quê hương, gia đình qua từng nét cọ. Với những giải thưởng dành cho học sinh trên toàn quốc vừa đạt được, các em đã góp phần đưa hình ảnh, con người Gia Lai đến gần hơn với bè bạn mọi miền.
Trong ngôi nhà nhỏ tại số 68A Đồng Tiến, cô bé Trương Ngọc Minh Quỳnh (11 tuổi) đang miệt mài hoàn thiện tác phẩm để tham gia hội thi vẽ tranh “Thế giới màu sắc” do phường Ia Kring tổ chức. Trong tranh, Quỳnh phác họa khung cảnh nên thơ của Công viên Diên Hồng với hồ nước, nhà rông, mái chòi. Cạnh đó là hình ảnh các em nhỏ trong trang phục thổ cẩm truyền thống đang vui chơi, nhảy múa.
“Công viên Diên Hồng là địa danh khá quen thuộc với thiếu nhi Pleiku, cũng là điểm thu hút nhiều du khách tìm về mỗi dịp lễ, Tết. Em rất thích đến đây, vậy nên đã chọn vẽ về nơi này”-Quỳnh chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên Quỳnh đưa phong cảnh thiên nhiên Gia Lai vào tranh vẽ. Từ nhỏ, Quỳnh rất thích vẽ và hầu như trong các bức họa của mình, em đều lồng vào đó những nét đẹp của quê hương. Thử sức tại hội thi vẽ tranh do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku tổ chức từ năm 7 tuổi, đến nay, Quỳnh đã sở hữu nhiều giải thưởng giá trị như: giải A Hội thi vẽ tranh “Ước mơ của em” năm 2019, giải A Hội thi vẽ tranh “Sắc màu tuổi thơ” năm 2020, giải C Hội thi vẽ tranh “Sắc màu quê hương Gia Lai” năm 2022, giải A Hội thi vẽ tranh “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” năm 2023… Và điểm chung của những bức tranh mà Quỳnh đạt giải là đều liên quan đến cảnh sắc, văn hóa, con người Gia Lai tươi đẹp, độc đáo và bình dị.
Mới đây, Quỳnh là đại diện duy nhất của Gia Lai có tranh đạt giải tại cuộc thi và triển lãm tranh toàn quốc năm 2023 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan trong cả nước tổ chức. Đây là cuộc thi được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em nhỏ có cơ hội giao lưu, học hỏi và phát triển khả năng hội họa.
Sau hơn 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 38.125 bức tranh của 515 đơn vị trường học, nhà văn hóa thiếu nhi, các trung tâm mỹ thuật thuộc 44 tỉnh, thành trong cả nước gửi về tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 401 bức tranh để trưng bày triển lãm và trao 3 giải nhất, 6 giải nhì, 10 giải ba, 20 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Với chủ đề không giới hạn, Quỳnh đã chọn vẽ 2 bức tranh liên quan đến bản sắc văn hóa Tây Nguyên để dự thi. Và tác phẩm “Dệt vải thổ cẩm” của em đã đạt giải khuyến khích.
Quỳnh cho hay: “Qua bức tranh này, em muốn giới thiệu, quảng bá về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đến với bạn bè trên khắp mọi miền đất nước; đồng thời, mong rằng mọi người hãy cùng chung tay bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo này trước nguy cơ mai một”.
Nói về khả năng hội họa của Quỳnh, thầy Trần Văn Phê-giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, người đồng hành cùng em trong bộ môn vẽ tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku suốt 5 năm qua-nhận xét: Quỳnh siêng năng, chăm chỉ và có sự cảm nhận về mỹ thuật khá tinh tế. Ngoài sử dụng một số chất liệu phổ biến như sáp màu, phấn màu, màu nước, acrylic…, gần đây, em còn thử sức với tranh lụa. Đề tài trong tranh của Quỳnh là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày, thể hiện cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo và tươi sáng. Đặc biệt, với ý tưởng giới thiệu văn hóa Tây Nguyên đến bạn bè trong và ngoài nước để phát triển du lịch Gia Lai, Quỳnh vẽ khá nhiều về đề tài này, đạt được nhiều giải thưởng đáng khích lệ.
“Để có giải thưởng tại cuộc thi và triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc là rất khó. Trước đây, khoảng năm 2015, Gia Lai chỉ có 1 tranh được chọn triển lãm chứ không có giải. Vì vậy, đây là món quà tinh thần đầy ý nghĩa của Quỳnh, cũng là động lực cho thiếu nhi tỉnh nhà tích cực vẽ tranh tham gia các cuộc thi và triển lãm ở địa phương cũng như trong cả nước”-thầy Phê khẳng định.
Vừa trở về từ Hà Nội sau khi nhận giải triển vọng tại Cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước” lần thứ nhất năm 2023 do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức vào tối 29-6, bé Nguyễn Lê An Chi (7 tuổi; trú tại làng Ốp, phường Hoa Lư) cùng gia đình không giấu được niềm vui.
Chị Lê Thị Thảo Ly (mẹ của Chi) cho hay: Cuộc thi nhận được 13.000 tác phẩm dự thi của 10.000 học sinh trên cả nước. Từ khi hay tin đạt giải rồi được mẹ sắp xếp công việc đưa ra Hà Nội nhận giải, Chi háo hức lắm. Đây là lần đầu tiên con tham gia và đạt thành tích tại một cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi toàn quốc nên cũng sẽ là niềm vui, động lực để con cố gắng hơn trên hành trình theo đuổi đam mê hội họa của mình sau này.
Cũng theo chị Ly, gia đình phát hiện Chi có năng khiếu vẽ từ lúc bé tầm 3-4 tuổi. Những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng rất có hồn của bé, nhất là khi vẽ cỏ cây, động vật khiến ba mẹ không khỏi bất ngờ. Vậy nên, khi Chi lên 6 tuổi và nằng nặc xin mẹ đi học vẽ, chị Ly đã quyết định cho bé tham gia Câu lạc bộ Cọ xanh do cô Lê Thị Trà-giáo viên dạy Mỹ thuật Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư) sáng lập. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, nét vẽ của Chi dần có sự tiến bộ theo thời gian; màu sắc phối tranh cũng ấn tượng hơn. Cuối năm 2022, lần đầu tiên Chi tham gia và giành giải nhất tại Cuộc thi vẽ tranh “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng-chống xâm hại, bạo lực trẻ em” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.
“Con rất thích vẽ tranh về thiên nhiên, cảnh đẹp ở xung quanh mình và về cảnh gia đình ấm áp, hạnh phúc. Khi vẽ, con rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và được thỏa sức sáng tạo. Con rất vui khi đạt được những giải thưởng vẽ tranh vừa qua. Con sẽ cố gắng vẽ đẹp hơn nữa để có thể gửi gắm tình yêu quê hương, gia đình qua những bức tranh của mình”-Chi vui vẻ nói.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hoa-si-nhi-voi-tinh-yeu-que-huong-post242037.html