Họa sĩ Phạm Bình Chương: Phải vẽ hiện thực thì vẻ đẹp Hà Nội mới bộc lộ
Là một họa sĩ đương đại tiêu biểu cho dòng tranh hiện thực, những triển lãm của họa sĩ Phạm Bình Chương thường gây được tiếng vang trong giới mỹ thuật, cũng như những người yêu mến Hà Nội. An ninh Thủ đố Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
Chỉ “cảm thấy” chứ không “sờ thấy”
- Phóng viên: Anh đã có rất nhiều tác phẩm về Hà Nội, có vẻ như Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều các thế hệ họa sĩ?
- Họa sĩ Phạm Bình Chương: Chắc thế! Tôi vui vì các họa sĩ trẻ vẫn có tình yêu với Hà Nội và nó là niềm hạnh phúc riêng của tôi.
- Mỗi khi đi xem triển lãm của các họa sĩ đương đại, tôi luôn có suy nghĩ, nếu những họa sĩ thời kỳ trước luôn chọn phố cổ Hà Nội làm nguồn cảm hứng sáng tác thì có vẻ những họa sĩ đương đại lại dành nhiều tình cảm cho các góc phố với những nét kiến trúc giao thoa văn hóa Đông - Tây. Cá nhân anh nhìn thấy những vẻ đẹp nào trong những góc phố ấy?
- Đúng vậy, kể từ khi họa sĩ Bùi Xuân Phái khai thác vẻ đẹp phố cổ với nhà, phố Kẻ Chợ, người xem đã được thẩm thấu vẻ đẹp điển hình của Hà Nội đầu thế kỷ. Nhịp phố kiểu đồng loạt rất dễ đẹp với mái nâu, cửa nâu, tường trắng. Bản thân tổ hợp đó đã tạo nên nhịp điệu và hòa sắc rồi. Cộng với bút pháp thoải, cách tạo hình đẹp, “Phố Phái” đã đi vào lòng người với mỹ cảm đặc biệt. Ngày nay chúng tôi vẽ phố Pháp. Thực ra nhà theo kiến trúc Pháp đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, tức là ngay thời Bùi Xuân Phái đang sống. Song, có lẽ việc ngày nay họa sĩ khai thác vẻ đẹp phố Pháp là do nhà cổ đã mất đi chứ không phải nhà Pháp xuất hiện. Bây giờ có khi cả phố chỉ còn một nhà cổ, vậy thì vẽ phố Pháp như một điều tất yếu.
Kiến trúc Pháp tại Hà Nội do người Pháp thiết kế, nhưng để thích nghi với khí hậu nhiệt đới, họ đã sửa đổi thành một dạng kiến trúc thuộc địa, không giống với nhà Pháp nguyên bản. Ví dụ thêm cửa chớp, thêm ô văng ngăn mưa hắt, vật liệu vôi vữa... dần dần hình thành nên một kiến trúc thuộc địa đặc trưng và nó rất Hà Nội. Tôi rất yêu thích kiến trúc Pháp cổ ở vẻ đẹp bình dị, thân thuộc nhưng vẫn mang nét thẩm mỹ tinh tế của phương Tây. Thấp thoáng bên những bức tường vôi giản dị là ống khói, con sơn hay lan can sắt uốn kiểu art decor, những chi tiết tinh xảo và có tính thẩm mỹ cao. Chúng sẽ kết hợp với nhà cổ truyền thống, cây xanh, cột điện và nhà mới để tạo nên một Hà Nội đương đại rất đặc trưng. Tối thích cái sự giao thoa Đông - Tây này.
- Đúng vậy! Phải vẽ hiện thực thì vẻ đẹp của Hà Nội mới bộc lộ được hết. Chúng ta yêu Hà Nội không chỉ ở kiến trúc mà cả sự cổ kính nữa. Yêu cả mảng tường rêu phong, yêu cái cửa cũ có nét vẽ nguệch ngoạc, yêu một Hà Nội thâm trầm nhưng không lặng lẽ. Vậy thì nếu vẽ để người ta thấy được “chất cảm” đó thì có phải là hay hơn không? Xem tranh không chỉ thấy màu, bút pháp, mà còn thấy được sự vật. Xin lưu ý là chỉ là “cảm thấy” thôi chứ không phải “sờ thấy” vì bản chất chúng vẫn là sơn dầu. Đó chính là cái thú vị của hiện thực.
Cần phân biệt vẽ như thực và vẽ như ảnh
- Lâu nay vẫn còn nhiều những tranh luận xung quanh trường phái “vẽ đẹp như ảnh chụp”. Có người nói, cực thực chẳng qua là sự sao chép lại, ít có sự sáng tạo của họa sĩ. Anh quan niệm thế nào về vấn đề này?
- Chúng ta phải phân biệt 2 loại hiện thực. Một là vẽ như thực, hai là vẽ như ảnh. Vẽ như ảnh (photorealism) là một trường phái xuất hiện từ những năm 1960 tại Mỹ, nó sinh ra để chống lại chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng và cũng để trả lời câu hỏi “khi nhiếp ảnh ra đời thì hội họa có chết không?”. Phong cách này vẽ giống hệt một bức ảnh, thậm chí người xem nhầm là ảnh thì họ càng đạt được mục đích. Đây là một sự “nhầm lẫn thú vị”, một minh chứng cho việc con người có thể đua được với máy móc.
Các họa sĩ hàng đầu như Chuck Close, Don Eddy, Richard Estes... vẫn tạo ra dấu ấn cá nhân từ đề tài hay bố cục dù tranh giống hệt ảnh. Và họ được sánh ngang với bất cứ họa sĩ nổi tiếng nào trong giai đoạn hậu hiện đại. Vẽ như thật tức là cảm giác như nhìn thấy trực tiếp sự vật. Vẽ như thật là điều loài người khao khát từ lâu khi biết cầm bút. Từ cổ điển đến hiện thực, cực thực, chúng ta đều phấn đấu không có đích và giới hạn cho việc tái tạo lại thiên nhiên trên mặt phẳng. Các phương pháp từ nhiều lớp đến vẽ trực tiếp (alla prima) hay pha trộn thêm chất liệu... cũng chỉ để dùng mọi cách diễn tả làm sao bức tranh trở nên sống động như thật, kiểu như thèm ăn quả nho mọng nước, hay cảm giác ấm áp từ lò sưởi...
Tranh hiện thực kiểu này khác xa khi so sánh với một bức ảnh. Vì xem ảnh dù có chất lượng cao đến mấy chúng ta cũng không thể nhầm nó là thật và luôn biết đó chỉ là một bức ảnh nét mà thôi - nó khác với photorealism ở chỗ đó. Ngoài ra, tranh khác ảnh ở chỗ nó có bút pháp, có bề mặt (với tranh sơn dầu), thậm chí ngay nhược điểm của họa sĩ cũng tạo nên dấu ấn cá nhân mà qua đó ta có thể thấy tâm hồn, tài năng cũng như cá tính hay nhân sinh quan của tác giả.
- Với con mắt của một người chuyên nghiệp, anh có dự báo gì về xu hướng của dòng tranh này và hiện tại anh đánh giá cao những họa sĩ trẻ nào?
- Có lẽ dòng tranh hiện thực về phố Hà Nội sẽ trở thành một thể loại riêng, không thể thiếu trong đời sống hội họa. Bởi thứ nhất, hiện thực đã và đang phát triển tại Việt Nam, số lượng họa sĩ theo đuổi ngày một đông hơn và công chúng cũng luôn đón chào. Thứ hai là tình yêu dành cho Hà Nội vẫn còn rất nhiều, nhất là ở thế hệ trẻ, nên tôi tin vào xu thế này sẽ phát triển trong tương lai. Nói về họa sĩ trẻ, tôi ngạc nhiên về Trần Nam Long.
Dù rất trẻ và không phải sinh ra ở Hà Nội nhưng Trần Nam Long vẽ rất nhiều tranh phố với bút pháp tả thực. Những bức đồ họa kỹ về những góc phố như tư liệu sống động về kiến trúc Pháp cổ, hay những bức sơn dầu cũng rất có cảm xúc với những hòa sắc rất Hà Nội. Đặc biệt hơn, Trần Nam Long bị khiếm thính và chưa qua trường lớp. Hy vọng bạn ấy sẽ được học bài bản để trở thành một họa sĩ tiêu biểu thế hệ 10x biết gìn giữ và phát triển phong cách hiện thực Hà Nội.