Họa sĩ Phạm Luận: Vẽ chân dung là vẽ chính mình
Ông có 52 năm cầm cọ trong 70 năm cuộc đời. Và, 'ngay từ những bức tranh nhỏ đầu tiên, ông đã lẳng lặng đặt cược tâm hồn lành sạch của mình với đời, với nghề trong phố nắng, làng hoa, lãng đãng thả bước tự tin theo bốn mùa thiên nhiên và trên mọi nẻo đường được duyên đưa tới' (họa sĩ Lương Xuân Đoàn). Và, lần này, kỷ niệm tuổi 70, 'nẻo đường được duyên đưa tới' của ông là một triển lãm tranh chân dung có tên 'Phạm Luận - Chân dung' tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Không phải đến bây giờ, ông mới vẽ tranh chân dung, mà đó là một mảng đề tài trong cuộc đời vẽ của họa sĩ Phạm Luận. Ngay từ khi mới cầm cọ, ông đã vẽ bức chân dung đầu tiên, ký họa người bạn gái năm 18 tuổi (sau này là vợ của họa sĩ). Hai năm gần đây ông tập trung vẽ chân dung nhiều nhất. Tuổi 70, có đủ khoảng lặng, trải nghiệm, ông mới trình làng với công chúng. Phạm Luận trưng bày 60 bức chân dung từ hàng trăm chân dung ông vẽ. Có thể nói, đó là một không gian hội họa riêng, đặc sắc của người họa sĩ tài hoa mà không phải ai cũng biết. Từ Phạm Luận của Phố Hà Nội thập niên 80 của thế kỷ 20 đến Phạm Luận của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng nhịp sống đô thị Việt Nam và thế giới, còn bây giờ là một Phạm Luận bề thế trong những bức chân dung cho thấy sức sáng tạo của người nghệ sĩ luôn bền bỉ qua thời gian.
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: "Phạm Luận thành danh với thể loại tranh phong cảnh, nhất là phong cảnh phố Hà Nội qua điểm nhìn, ánh sáng của họa phái Ấn tượng, bút pháp sơn dầu phóng khoáng, vết bút sơn, màu khỏe chắc, dứt khoát để tạo hình, tạo đậm nhạt của Hậu Ấn tượng. Thật may mắn khi ông giữ được thế mạnh này khi chuyển từ phong cảnh sang chân dung. Chân dung của Phạm Luận không bị sa đà vào tô màu, vào tả kể lối vờn tỉa khéo tay, vẫn có khối, có sáng tối nhưng là bằng mảng miếng, bằng những nhát bút cộm sơn, tự nhiên không gò gẫm".
Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn lại viết: "Tự đặt những thách thức mới mà kẻ sáng tạo nào cũng ước ao, ông vẽ chân dung vợ con trong nếp nhà khó cũ với ngọn lửa ấm của tình yêu, tình thương. Ông vẽ chân dung đồng nghiệp là các họa sĩ, nhà báo, nhà thơ và cũng tình cờ được duyên ghi giữ lại dung nhan những người mang trọng trách đứng đầu Đảng và Nhà nước. Phạm Luận là vậy. Bình dị sống và vẽ, ấm áp và thân gần với bất kỳ ai".
Là một họa sĩ nổi tiếng, nhưng trò chuyện với ông, tôi luôn thấy ông giữ được thái độ làm nghề điềm tĩnh, giản dị. Tranh chân dung là một thể loại quen thuộc của bất cứ họa sĩ nào, nhưng để vẽ chân dung có một màu sắc riêng, vẽ chân dung mà vẫn là mình, không dễ ai đạt tới. Phạm Luận, 52 năm đời vẽ vẫn cẩn trọng cho rằng, phải đạt một độ chín nào đó, bởi "nếu 50 tuổi, tôi trình làng triển lãm chân dung sẽ không có được độ sâu sắc như thế này". Ông nổi tiếng và thu hút công chúng yêu hội họa bởi khả năng diễn tả ánh sáng tài tình, bút pháp sơn dầu chắc, khỏe và vô cùng tinh tế. Những vạt nắng, ánh sáng trong tranh của ông là vạt nắng, ánh sáng của nội tâm, của tình yêu ấm áp với đời sống, trong trẻo, thanh khiết.
Và, thế mạnh ấy, như họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định, được ông tiếp tục phát huy ở dòng tranh chân dung, để rồi, dù ta ngắm tranh phong cảnh hay chân dung, vẫn nhận ra đó là tranh Phạm Luận. Một cá tính không trộn lẫn. Ông vẽ chân dung đạt đến độ vẽ như chơi, không phải cố trau chuốt, nắn nót mà vẫn ra nhân vật. Với ông, tranh chân dung phải thể hiện đúng hình ảnh, thần thái của người được vẽ, với một bút pháp phóng khoáng, tự nhiên, ấm áp trữ tình như vốn có. Những bức chân dung đẹp nhất là tranh ông vẽ vợ, các con, anh em đồng nghiệp, bạn bè thân thiết và vẽ chính mình. Bởi đơn giản, vì ông "thuộc họ nhất".
"Trước khi vẽ, tôi phải nghiền ngẫm, suy nghĩ rất nhiều về nhân vật. Tôi vẽ luôn mang đến sự bất ngờ cho nhân vật, bởi họ sẽ không biết tôi chộp được những khoảnh khắc đó của họ từ bao giờ. Tôi chụp ảnh, ghi chép, quan sát và vẽ bằng những suy tưởng của mình. Thật hạnh phúc khi được nhân vật và công chúng đón nhận" - họa sĩ Phạm Luận chia sẻ.
Ông có duyên vẽ chân dung các chính khách, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đó là một cơ duyên đặc biệt nhưng cũng đầy áp lực của Phạm Luận. "Khi nhận lời vẽ chân dung các chính khách, tôi trăn trở không ngủ được. Họ là những nhân vật có rất nhiều hình ảnh, nhưng chọn góc độ nào, để vẽ họ mà vẫn là mình, đó là cả một nỗi trăn trở, suy ngẫm. Họ sẽ luôn ở trong đầu tôi cho đến khi tôi hoàn thiện bức tranh và đặt chữ ký của mình lên đó. Ký hai chữ "Phạm Luận" vào mỗi bức tranh, nó mãi mãi ở thế giới của nó, nó không thuộc về tôi nữa, nên bức tranh nào, dù là chính khách hay người bình thường, tôi cùng dành tất cả tâm sức của mình", ông nói.
Ngoài những chân dung bạn bè, người thân, họa sĩ Phạm Luận còn thử sức, tìm tòi những cách thể hiện mới, vẽ chân dung tập thể. Bức "Studio của Phạm Luận" đưa người xem đến xưởng vẽ, nơi ông và những bạn bè đồng nghiệp đang cùng nhau trò chuyện, bàn luận về nghệ thuật. Từng con người hiện lên trong bức tranh với cá tính và sắc thái riêng biệt. Khung cảnh của xưởng vẽ được thể hiện rất chi tiết, những bức tranh trên tường, những giá vẽ đầy vệt màu, những cây bút vẽ... "7 nhân vật trong bức tranh là những người bạn, những họa sĩ nổi tiếng và rất khó tính, nhưng họ hài lòng khi nhận ra mình trong tác phẩm này. Đó là điều không dễ", họa sĩ Phạm Luận chia sẻ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với những bức chân dung tự họa của họa sĩ Phạm Luận, nơi ông thể hiện những sắc độ tình cảm, suy tư khác nhau ở từng giai đoạn của cuộc đời. Chân dung tự họa cũng là nơi ông thể nghiệm các cách tạo hình khối trên gương mặt. Ở "Chân dung tự họa V", ông tương phản những mảng màu lạ như màu xanh ô liu, cam, phớt hồng với những mảng nhấn màu trắng để tạo nên các phần của khuôn mặt, tái hiện một làn da hằn vết thời gian và đôi mắt như nhìn lại cả một hành trình, một chặng đường ông đã đi qua, ông vẫn là chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Còn, trong tác phẩm "Suy tư", những nếp nhăn trên vầng trán cao và những sợi tóc bạc điểm xuyết trên mái tóc đen. Ánh mắt xa xăm, trầm ngâm cùng hai vệt hằn trên sống mũi khiến người xem tự hỏi, điều gì làm ông đăm chiêu đến vậy... Chân dung tự họa là những khoảng lặng, lúc ông độc thoại, đối thoại với chính mình trên hành trình sáng tạo đầy trăn trở, nhọc nhằn. Và, với Phạm Luận, vẽ chân dung hay chân dung tự họa cũng là vẽ chính mình.
Nhìn lại gia tài của một họa sĩ không được đào tạo chính quy, khởi đầu làm thầy giáo hẳn không ít người cúi đầu vị nể. Đam mê và không ngừng học hỏi, ông đã đi một hành trình dài ý nghĩa và định vị một cái tên Phạm Luận trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông cống hiến cho hội họa và hội họa cũng mang lại cho ông nhiều thứ, tiền bạc, danh tiếng. Dường như, ông không có ý định nghỉ ngơi, bởi vẽ với ông là lẽ sống, là niềm vui, là nhu cầu thiết thân. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phạm Luận biết vậy. Ông càng vẽ, càng đi, càng khác. Không gian hội họa của riêng ông luôn để ngỏ muôn cửa vào, lối ra khó biết...".
Họa sĩ Phạm Luận sinh năm 1954 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tự học vẽ và trở thành họa sĩ nổi tiếng. Họa sĩ Phạm Luận đánh dấu từng chặng đường sáng tạo của mình bằng 23 triển lãm cá nhân. Triển lãm đầu tiên tổ chức vào năm 1991 và triển lãm gần đây nhất mang tên "Tíc tắc Sài Gòn" năm 2022, vẽ về sự hồi sinh của thành phố sau 2 năm đại dịch COVID-19, gây được tiếng vang lớn. Ông đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore... Tranh của ông có mặt tại nhiều bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế.