Họa sĩ Singapore thì thầm với phố thị Việt Nam

Ấn tượng về nền văn hóa Việt Nam phong phú, lâu đời đã truyền cảm hứng cho người được các nhà sưu tập mệnh danh là 'người thì thầm phố thị' đã phác họa về đời sống người Việt.

Họa sĩ Jeffrey Wandly theo trường phái khắc họa những đặc tính của di sản và các địa danh lịch sử trên nền vải. Những bức tranh của họa sĩ người Singapore này kích thích thị giác cùng các giác quan khác của người xem. Các nét vẽ của ông được thể hiện ở những “cường độ” khác nhau và có tính âm nhạc nhất định. Ông đã có 3 buổi trưng bày cá nhân và nhiều triển lãm tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Việt Nam.

Là đồng sáng lập Phòng trưng bày nghệ thuật Maya Gallery (Singapore), họa sĩ đa tài người Singapore Jeffrey Wandly còn đảm đương vị trí Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh Tháp Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Tower). Ấn tượng về một Việt Nam với nền văn hóa phong phú, đa sắc màu và có bề dày lịch sử đã truyền cảm hứng cho người được các nhà sưu tập mệnh danh là “người thì thầm phố thị” này khám phá và có những nét phác họa về văn hóa và đời sống người Việt.

Văn hóa và con người Việt Nam trong hình dung ban đầu của ông ra sao khi lần đầu đặt chân đến dải đất hình chữ S?

Ấn tượng đầu tiên của tôi là Việt Nam có một nền văn hóa phong phú, đa màu sắc và một lịch sử lâu đời. Phong tục, tập quán đón Tết cổ truyền phần nào tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt. Đây cũng là dịp để tôi trải nghiệm và thêm yêu văn hóa Việt Nam, đồng thời khám phá cảnh quan và các công trình xây dựng mà ít du khách nước ngoài biết đến.

Tết Nguyên đán phản ánh rõ nét văn hóa, tín ngưỡng và mối quan hệ gia đình của người Việt, với các lễ hội kéo dài hơn một tuần, những món ăn truyền thống đặc sắc… Mọi người dành thời gian cho đồng nghiệp, bạn bè và gia đình, tặng quà để bày tỏ lòng tôn kính với bậc trên, đi thăm đền chùa… Sau Tết, các hoạt động thường ngày sẽ tiếp diễn với một khí thế mới, tinh thần đổi mới, hướng tới những điều may mắn, hạnh phúc và những giá trị tốt đẹp hơn.

Vậy chắc hẳn ông đã có dự định “xách ba lô lên và đi” để trải nghiệm thêm về văn hóa Việt Nam khi dịch Covid-19 lắng xuống?

Dự định ưu tiên của tôi là đến thăm nhà bạn bè và đồng nghiệp người Việt Nam ở Hà Nội. Tôi nhớ những bữa ăn nấu tại nhà, sự hiếu khách và gần gũi với gia đình của họ.

Tôi cũng muốn đến thăm Hội An, nơi tôi bị cuốn hút bởi những điểm đến di sản, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới từ hơn 2 thập kỷ trước. Phố cổ Hội An ấn tượng với nền văn hóa phố cảng nhộn nhịp trước kia, với sự pha trộn của nhiều thời kỳ, từ các ngôi nhà và đền thờ bằng gỗ mang phong cách Trung Quốc, đến các tòa nhà thuộc địa của Pháp, kiến trúc nhà ống Việt Nam được trang trí công phu và chùa Cầu có kiến trúc mái che mang đậm phong cách Nhật Bản. Sự pha trộn thú vị hơn nữa là trên những con phố cổ kính, lại có vô số cửa hàng, nhà hàng và quán cà phê.

Những bức tranh của ông được trưng bày tại Hà Nội và Singapore thời gian qua đã tạo ra nét chấm phá riêng về phố phường và hơi thở cuộc sống thường nhật ở Hà Nội cùng nhiều địa phương khác. Cảm hứng nào khiến ông sáng tác những tác phẩm đó?

Các tác phẩm là lăng kính của tôi về mối liên hệ giữa con người và môi trường xung quanh họ. Chúng thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, cũng như sự gắn bó của cá nhân tôi với con người, văn hóa và di sản Việt Nam.

Tác phẩm “Bốt Hàng Đậu” (2018) mô tả một địa danh di sản nằm ở nơi giao cắt của 6 con phố ở Hà Nội. Công trình này được người Pháp xây dựng vào năm 1894, đánh dấu sự thay đổi bộ mặt thành thị của Hà Nội, nơi mà trước đó người dân toàn dùng nước giếng đào hoặc nước ao hồ. Công trình được sử dụng cho đến những năm 1960.

Bức tranh “Phố Hàng Lược, Hà Nội” (2018) tái hiện giao thông, tiếng ồn ào và màu sắc tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm vào dịp Tết Nguyên đán. Các con phố nơi đây tràn ngập những gánh hàng rong, đèn lồng và tấp nập người đi xe máy. Phố Hàng Lược còn được biết đến là một trong những chợ hoa Tết lâu đời nhất ở Hà Nội và hoa đào - một trong những mặt hàng được săn đón dịp Tết - cũng được tái hiện trong tranh.

Với tác phẩm “Phố phường Hội An III” (2017), tôi đi sâu vào phản ánh nội tâm, mô tả trải nghiệm lắng đọng trên những con đường đi bộ yên tĩnh. Phố cổ Hội An trở nên ấn tượng nhờ sự pha trộn văn hóa của nhiều thời kỳ.

Là người ngoại quốc yêu văn hóa và các công trình kiến trúc Việt Nam, thời gian tới, ông có dự định tổ chức hoặc tham gia triển lãm nghệ thuật nào tương tự các sự kiện văn hóa nghệ thuật nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore không?

Tôi rất vui khi được phối hợp với Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội tổ chức Triển lãm hội họa mang tên “Góc nhìn”, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore vào tháng 5/2018. Tôi cũng đã phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore (VSFA) và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức Triển lãm tranh hữu nghị Việt Nam - Singapore (“A Glance: The Vietnam-Singapore Art Exhibition”) tại Nhà trưng bày nghệ thuật The Arts House ở Singapore vào tháng 11/2018. Trong cả hai triển lãm này, tôi rất vinh dự khi các tác phẩm của mình được trưng bày cùng các tác phẩm của một họa sĩ đã thành danh của Việt Nam, ông Phạm Luận.

Các sự kiện văn hóa dưới hình thức triển lãm nghệ thuật sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ, trao đổi và gắn kết giữa Singapore và Việt Nam. Khi hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023, tôi rất mong muốn có cơ hội tiếp tục tham gia các triển lãm nghệ thuật nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.

Lê Quân thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoa-si-singapore-thi-tham-voi-pho-thi-viet-nam-d159953.html