Họa sĩ Tạ Thúc Bình - Cây cọ của đồng quê Việt Nam
Sáng 4-5, triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Tạ Thúc Bình, thế hệ hội viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Đông đảo người thân, học trò và các họa sĩ nhiều thế hệ đã đến tham dự và cùng tưởng nhớ về ông, một người thầy, một họa sĩ tài danh của mỹ thuật Việt Nam.
Tại triển lãm, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam xúc động chia sẻ: “Người xem không chỉ thưởng thức những tác phẩm đẹp của ông trong nhiều thời kỳ mà còn là sự tri âm đối với một họa sĩ, một người thày đã nhiều năm làm công tác giảng dạy, đào tạo ra các thế hệ họa sĩ sau này. Tác phẩm của ông thể hiện sự trân trọng đối với những con người trong lịch sử, gắn với vẻ đẹp đồng quê, cây đa, bên nước...”.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình sinh ngày 29-2-1917 tại phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang). Năm 1937, Tạ Thúc Bình tốt nghiệp Thành chung. Đi làm được ba năm, năm 1940 ông quyết định thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và vào học khóa 15 cùng lớp với các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm…
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, từ Sơn Tây ông trở về Bắc Giang và hòa vào các hoạt động nơi quê hương. Ngày 19-12-1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ lên đường tham gia kháng chiến.
Cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, ông thành lập xưởng tranh tuyên truyền, vừa vẽ, khắc, in tranh. Hàng trăm bức tranh có nội dung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm từ Bắc Giang chuyển về các tỉnh, sau đó được khắc, in lại để đưa về tận làng xã.
Tại triển lãm hội họa năm 1951 do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chào mừng kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II thành công, trong hơn 300 tác phẩm của nhiều tác giả, Ban Giám khảo đã thống nhất tặng giải Nhất (giải của Quốc hội) cho hai tác phẩm: Bộ tranh tứ bình Đóng thuế nông nghiệp” và “Chống giặc dồn làng” của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Có thể nói giải thưởng lớn này là sự công nhận của xã hội với nghệ thuật phục vụ kháng chiến của họa sĩ Tạ Thúc Bình.
Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên cùng với các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị… tham gia thành lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội).
Ông là một trong những người thầy đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam của nước Việt Nam mới cho đến ngày nghỉ hưu.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình còn tham gia cộng tác với NXB Kim Đồng ngay từ những ngày đầu thành lập, tháng 6-1957, và vẽ minh họa cho nhiều tác phẩm của các tác giả viết truyện lịch sử, truyện thiếu nhi cho NXB như truyện Tấm Cám, Thạch Sanh…
Tạ Thúc Bình chuyên về lụa và bột màu. Cái đẹp trong sáng nhiều ẩn dụ của tranh lụa thấm vào ông qua con đường rất hàn lâm của hội họa phương Tây mà ông được hấp thụ tại nhà trường tạo ra một phong cách rất riêng biệt gần với cách nhìn bình đồ của tranh dân gian.
Tác phẩm của ông thường gắn liền với những sự kiện của đời sống, cho dù có khắc nghiệt và gian khó đến đâu, ông cũng luôn nhìn ra vẻ đẹp của người của cảnh. Những tác phẩm lớn của ông cũng ở giai đoạn này, như những bức lụa khổ lớn: Góp thóc vào kho, Mùa lúa chín, Mừng hội làng..., cùng những ký họa màu trên từng chặng đường.
Góp thóc vào kho là một thí dụ điển hình về sự điêu luyện trong bút pháp Tạ Thúc Bình cộng với cách bố cục hoàn toàn Á Đông theo đơn tuyến bình đồ, với toàn cảnh được nhìn từ trên xuống. Với cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Những tác phẩm được trưng bày chỉ là một phần nhỏ sáng tác của họa sĩ Tạ Thúc Bình nhưng đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc đẹp!
Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/hoa-si-ta-thuc-binh-cay-co-cua-dong-que-viet-nam-442946.html