Họa sĩ Thùy Cốm: 'Naruto' đã khiến tôi muốn trở thành một tác giả

Thùy Cốm đọc đa dạng loại sách, từ tiểu thuyết toàn-chữ đến sách tranh, truyện tranh hư cấu lẫn phi hư cấu. Theo chị, thời điểm đọc cũng quan trọng không kém với cuốn sách.

Trên website cá nhân, Thùy Cốm tự nhận mình là "người kể chuyện vụng về và thong dong, với khao khát đưa những điều nhỏ bé, tươi đẹp, vặt vãnh, khó chịu của cuộc sống vào trong sáng tác, qua lăng kính huyền ảo và hài hước". Thùy Cốm hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, với công việc chính là họa sĩ minh họa/tác giả sách tranh (picture book). Chị cũng là biên tập viên cộng tác với một số nhà xuất bản.

Trong cuộc phỏng vấn với Tri thức - Znews, Thùy Cốm gọi tên những cuốn sách chị yêu thích, bày tỏ tình yêu không chỉ với con chữ, mà cả hình ảnh, trang giấy, bày trí, bố cục... tất tần tật mọi yếu tố làm nên nội dung lẫn hình thức của một xuất bản phẩm.

Trước câu hỏi cuộc đời chị sẽ khác bây giờ ra sao nếu không có thói quen đọc sách, Thùy Cốm nhẹ nhàng đáp: "Tôi chỉ thấy rất đáng tiếc nếu không được tiếp xúc với những tác phẩm tôi vô cùng yêu thích, không có những dấu chấm cảm trong đời".

- Những cuốn sách đổi đời của tôi, đó là…

- Là một người đọc, cũng là một người làm trong ngành xuất bản ngót nghét chục năm nay, thú thật, nếu có cuốn sách nào thay đổi cuộc đời tôi, có lẽ chỉ có sách giáo khoa. Nếu không được đi học, chắc chắn cuộc đời tôi sẽ khác lắm. Cho dù ngày xưa đi học đã có những lúc thấy chán đến mức nào, có những kiến thức đã học và đã lãng quên hoàn toàn ra sao, không thể phủ nhận được rằng được đi học đã là một may mắn!

- Cuốn sách đã khiến tôi muốn trở thành một tác giả

- Bộ manga Naruto của tác giả Kishimoto Masashi.

Thực lòng mà nói tôi chỉ thích 21 tập đầu trong tổng số 72 tập của bộ manga này. Tuy vậy, nó thật sự là một cú hích khiến tôi nghiêm túc nghĩ về việc theo đuổi nghiệp sáng tác. Dù rằng Naruto không phải tác phẩm xuất sắc nhất tôi từng đọc, nó vô tình đã nói trúng những gì tôi cần nghe vào thời điểm mong manh mới lớn; khiến tôi nhận ra là một câu chuyện hư cấu cũng có thể mang lại nhiều cảm xúc chân thực, mạnh mẽ tới mức này. Tôi cũng muốn làm được như vậy.

Suy nghĩ này đeo bám tôi tới tận bây giờ. Mong ước tạo ra được tác phẩm hay nhất có lẽ là ước vọng mơ hồ và tạo ra những áp lực không cần thiết, ít nhất với tôi là như vậy. Một câu chuyện có giá trị, có ý nghĩa khi nó tới với độc giả vào đúng thời điểm, kể đúng những gì họ cần nghe lúc ấy. Những rung động này luôn là chuyện hết sức riêng tư.

- Cuốn sách đã thách thức tư duy, thế giới quan của tôi

- Sững sờ và run rẩy của tác giả Amélie Nothomb.

Một lần nữa, thời điểm đọc đóng vai trò quan trọng.

Cuốn sách này gần như là bán tự truyện của tác giả Nothomb về thời gian cô sinh sống và làm việc tại Nhật. Câu chuyện được kể từ góc nhìn một người ngoài - gaijin, từ bên trong xã hội Nhật, với tất cả những điều tốt đẹp lẫn phức tạp, mâu thuẫn của đất nước này.

Tôi đọc cuốn sách này lần đầu năm nhất đại học. Nó giúp tôi vẫn yêu mến văn hóa Nhật nhưng không tôn thờ cực đoan. Cho tới bây giờ, khi đã sinh sống ở Nhật được một vài năm, tôi có đôi ba trải nghiệm rất gần với nhân vật chính.

Giả dụ như: khi bạn nói tiếng Anh với người Nhật, nhiều người hiểu được tiếng Anh nhưng họ vẫn sẽ đáp lại bạn bằng tiếng Nhật. Nhưng nếu bạn nói tiếng Nhật tương đối trôi chảy với họ, có những trường hợp, họ đáp lại bạn bằng tiếng Anh (đôi lúc là thứ tiếng Anh chắp vá, broken English). Nước Nhật đầy những mâu thuẫn kỳ lạ như vậy!

Sách của Amélie Nothomb thấm đẫm cái không khí mâu thuẫn kỳ lạ mà vẫn cuốn hút, rất Nhật đó.

- Cuốn sách lần đầu đọc không "thấm", nhưng khi đọc lại tôi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn

- Totto chan bên cửa sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko.

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn này là khi mới học lớp 2. Khi ấy tôi không có ấn tượng gì mấy. Lúc lên đại học, đọc lại thì tôi đã có cái nhìn khác hẳn. Phần nhiều vì ngôi trường toa tàu Tomoe khiến tôi nhớ đến trường cấp 1 của tôi, với rất nhiều niềm vui và sự gắn bó.

Có thể đến lúc này tôi mới đồng cảm được với tác giả, khi không còn bé nữa, là góc nhìn của người đã hết còn trẻ con và nhận ra tôi đã có nhiều may mắn đến thế nào, được bao bọc trong yêu thương và nhiều nhẫn nại ra sao.

Dù cuốn sách này hầu như xoay quanh toàn trẻ con và những câu chuyện đi học, nhưng tôi tin rằng người lớn sẽ nhận được nhiều hơn khi đọc tác phẩm này.

 Thùy Cốm cùng tác phẩm Cẩm nang cỏ cây kỳ quái. Ảnh: NVCC.

Thùy Cốm cùng tác phẩm Cẩm nang cỏ cây kỳ quái. Ảnh: NVCC.

- Cuốn sách đã thay đổi định kiến của tôi về một thể loại sách mà tôi từng không ưa thích

Cẩm nang cỏ cây kỳ quái của tác giả Sugawara Hisao.

Khi sinh sống ở Nhật, tôi bắt gặp nhiều đầu sách phi hư cấu có cách thể hiện nội dung hài hước, đùa giỡn (tất nhiên nội dung thông tin thì vẫn chuẩn xác); khiến người đọc đỡ cảm thấy khô khan, nặng nề. Tinh thần “kawaii" (dễ thương), tưng tửng nhí nhố này xuất hiện ở nhiều sản phẩm đời thường của Nhật, không chỉ riêng sách vở. Đặc biệt trong việc tiếp thu kiến thức mới, tôi rất thích cách tiếp cận này; cứ cái gì buồn cười là mình sẽ dễ nhớ lâu hơn.

Trước tôi ít đọc sách khoa học tự nhiên, tôi chỉ xem phim tài liệu vì có hình ảnh sinh động. Nhưng cuốn Cẩm nang cỏ cây kỳ quái này được thể hiện dưới dạng truyện tranh rất hài, mà tôi nghĩ người lớn hay trẻ nhỏ đọc cũng vẫn thấy vui được, giúp tôi bớt ngại đọc thể loại này hơn.

- Cuốn sách hiện tại tôi đang đọc

The Anxious Generation: How the Great Rewiring of Childhood Is Causing an Epidemic of Mental Illness (tạm dịch: Thế hệ âu lo: Tuổi thơ tràn ngập công nghệ đang tạo tác một dịch bệnh tinh thần - PV) của tác giả Jonathan Haidt.

Cuốn sách bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội nói riêng và sự bùng nổ Internet nói chung lên sức khỏe tinh thần của thế hệ trẻ. Dựa trên số liệu điều tra cụ thể và nghiên cứu khoa học gần đây, tác giả đưa ra những phân tích, đánh giá rất đáng suy ngẫm.

- Cuốn sách mang lại cho tôi cảm giác thoải mái như "về nhà"

- Mình là một cái cây do Sylvaine Jaoui sáng tác và Anne Crahay minh họa.

Ngôi nhà tôi sinh ra và lớn lên cho hết thời đi học phổ thông có một cây bằng lăng trước cửa. Mỗi khi nhớ về tuổi thơ, ngôi nhà cũ, về Việt Nam, hình ảnh ấy đều xuất hiện. Không chắc liệu có phải do tôi là một đứa trẻ thành phố, lớn lên giữa bê tông hay không, mà từng cái cây riêng lẻ đều để lại ấn tượng cụ thể trong tâm trí tôi. Tôi còn từng viết truyện về cô bé biến thành một cái cây để trốn ngủ trưa nữa (truyện được đặt tên Xanh thật là xanh!).

Cuốn sách Mình là một cái cây là cuộc chuyện trò giữa đứa trẻ và cái cây: cả hai cùng song hành từ khi chỉ là một hạt mầm, hít thở bầu không khí, lớn dần mỗi ngày và cần thêm nhiều nhu cầu được chăm sóc... khiến tôi thấy đồng cảm và nhớ về tuổi thơ với cây bằng lăng trước cửa.

- Cuốn sách mà tôi nghĩ có phim chuyển thể cũng hay không kém cạnh

Người đọc của tác giả Bernhard Schlink.

Cuốn sách ra đời năm 1995 này đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2008, đem lại tượng vàng Oscar cho nữ diễn viên chính Kate Winslet. Phim chuyển thể tương đối trung thành với sách gốc, nhưng vẫn có những thay đổi, khác biệt. Cá nhân tôi thấy rằng những thay đổi này vẫn hay. Ta có được hai phiên bản đều đáng xem, đáng đọc của một câu chuyện.

Một điểm thú vị là cuốn sách do một giáo sư luật kiêm thẩm phán viết, vậy nên những phần tranh biện trước tòa, các tình tiết về luật pháp đều chân thực, hấp dẫn. Sách có lối viết gãy gọn, logic, với độ dài khiêm tốn nhưng lại có thể để lại ấn tượng dài lâu. Tôi có xu hướng thích cách hành văn của những tác giả làm công việc khác bên ngoài việc viết văn, dường như đối lập hoàn toàn với sự bay bổng văn chương.

Ví dụ có thể kể đến Nỗi cô đơn của các số nguyên tố - tác giả Paolo Giordano vốn là tiến sĩ vật lý lý thuyết, hay Phía sau nghi can X - tác giả Keigo Higashino vốn là một kỹ sư.

 Thùy Cốm cùng tác phẩm Quyển sách thám hiểm thất truyền. Ảnh: NVCC.

Thùy Cốm cùng tác phẩm Quyển sách thám hiểm thất truyền. Ảnh: NVCC.

- Cuốn sách có "phần nhìn" mà tôi đặc biệt thích

Quyển sách thám hiểm thất truyền của tác giả Nhà thám hiểm vô danh.

Cuốn sách cung cấp những chi tiết chuyên sâu về các phương pháp, bí kíp sinh tồn thực tế khi đi thám hiểm: cách cắm trại trong tự nhiên, tự làm bè, tạo nơi trú ẩn với những thứ có sẵn trong tự nhiên, sơ cứu và chuẩn bị các vật dụng cần thiết trong bộ đồ nghề thám hiểm…

Sách có tranh minh họa vẽ tay, vừa tỉ mỉ, cụ thể lại tình cảm, nên thơ. Sách còn được in màu toàn bộ, khổ to, bìa cứng chắc chắn. Việc thiết kế dàn trang và in ấn là phần cực kỳ quan trọng trong xuất bản. Cách trình bày, chọn phông chữ, xếp bố cục, chất liệu giấy, kỹ thuật in… đều là thành tựu nghệ thuật lẫn công nghệ. Đặc biệt với những cuốn sách vừa nhiều tranh lại nhiều chữ như Quyển sách thám hiểm thất truyền, vừa cần hài hòa đẹp mắt lại phải dễ đọc, dẫn mắt hợp lý. Thật sự vô cùng kỳ công!

- Cuốn sách mãi về sau này tôi mới "phát hiện"

Vườn thơ của một đứa trẻ của tác giả Robert Louis Stevenson.

Càng lớn dường như tôi lại càng đọc nhiều sách thiếu nhi hơn, nhưng tôi sẽ đổ cho đây là “bệnh nghề nghiệp". Cuốn sách này tập hợp 66 bài thơ cùng nhiều tranh minh họa màu nước tinh tế, kể về những hoài niệm tuổi thơ. Robert Louis Stevenson cũng chính là tác giả của tiểu thuyết phiêu lưu Đảo giấu vàng. Ông có một tuổi thơ đau ốm và chỉ có thể loanh quanh chơi đùa trong khu vườn nhỏ nhà mình.

Vườn thơ của một đứa trẻ đã trở thành tác phẩm thiếu nhi kinh điển kể từ thế kỷ 19 tới nay, là minh chứng cho sức mạnh của trí tưởng tượng bất tận.

Tâm Anh

thực hiện

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-si-thuy-com-naruto-da-khien-toi-muon-tro-thanh-mot-tac-gia-post1493342.html