Họa sĩ Tô Ngọc Vân xứng đáng là 'Đại Nhà giáo nhân dân'
Họa sỹ Tô Ngọc Vân ngoài việc để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ, còn là người thầy đào tạo ra nhiều thế hệ học trò xuất sắc.
Tô Ngọc Vân là một trong những họa sỹ tiêu biểu của giai đoạn khởi đầu nền nghệ thuật tạo hình hiện thực xã hội, một trong “tứ kiệt” của hội họa hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn).
Tác giả bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hà Nội vùng đứng lên” không những đã đào tạo được rất nhiều học trò xuất sắc mà còn thể hiện tài năng hiếm có qua những tác phẩm để đời. Sự nghiệp của ông chủ yếu là dạy học và vẽ, con người ông vừa gắn bó với giáo dục vừa gắn với nền mỹ thuật.
"Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân" - tranh chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.
Họa sỹ Tô Ngọc Vân là niềm tự hào của giới Mỹ thuật Việt Nam
Đó là lời khẳng định của Họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông cho rằng, Tô Ngọc Vân là một họa sỹ lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam. Ông có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu, chủ yếu là tranh sơn dầu với cách sử dụng ánh sáng đặc sắc trong các tác phẩm của mình. Đề tài trong tranh ông cũng rất gần gũi, đó là hình ảnh đường phố, thiếu nữ áo dài, hoa sen, hoa huệ… Qua đó, thể hiện cách nhìn hết sức tinh tế và khả năng cầm bút của ông, đặc biệt là các tác phẩm trước Cách mạng. Một trong các tác phẩm của ông gần đây nhất đã được chọn làm “Bảo vật quốc gia” là bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé”.
Họa sỹ Trần Khánh Chương
Họa sỹ Trần Khánh Chương cho biết, trong kháng chiến chống Pháp, Tô Ngọc Vân có nhiều bức ký họa. Ông đã bám sát công việc vẽ với đời sống trong kháng chiến và có từng bước chuyển biến trong hoạt động nghệ thuật của riêng mình.
Đặc biệt, ở thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi toàn thắng vào ngày 7/5/1954, ông đã cùng một đoàn họa sỹ lên Điện Biên. Trên đường đi, đến đèo Lũng Lô, ông bị dội bom và hy sinh. Khi đó, trong chiếc cặp ông mang theo, vẫn còn nhiều bức ký họa rất đẹp, nổi bật là ký họa bộ đội hành quân. Chiếc cặp đó sau này được Nguyễn Đình Thi giữ và coi như tài sản rất quý.
Ngoài ra, ông còn vẽ tranh biếm họa rất giỏi, nhất là tranh biếm họa thời kỳ đầu chống thực dân phong kiến. Bên cạnh đó, họa sỹ Tô Ngọc Vân còn có một bức vẽ tem rất đẹp, vẽ Angkor trong thời gian sang Campuchia. Vì thế, các thế hệ họa sỹluôn tôn vinh ông là niềm tự hào của giới Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sỹ Trần Khánh Chương nhấn mạnh rằng, với Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Tô Ngọc Vân có 2 thành tựu lớn. Thứ nhất là thành tựu về sáng tác, ông là một trong những họa sỹ hàng đầu, là 1 trong 8 họa sỹ đầu tiên được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật tại nước ta. Nhưng, thành tựu thứ hai mà ai cũng ghi nhận, đó là vai trò của ông trong công tác làm nhà giáo.
Bộ tem bưu chính Đông Dương do họa sỹ Tô Ngọc Vân thiết kế
Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, họa sỹ Tô Ngọc Vân vẫn tiếp tục mở trường dạy mỹ thuật. Học trò của ông có 21 người đều trở thành người tài, nhiều người được giải thưởng của Nhà nước như: họa sỹ Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Mai Long, Đào Đức… Thầy Tô Ngọc Vân đã tạo nên nền tảng, giúp họ không chỉ thành công trong lĩnh vực hội họa, mà cả lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh…
“Tất cả thế hệ học trò Tô Ngọc Vân từ thời trước Cách mạng tháng Tám cho đến trong kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều người giỏi và có tài. Hầu hết họ đều đánh giá rất cao vai trò, phương pháp giảng dạy của họa sĩ Tô Ngọc Vân đối với học sinh, vừa khoa học, hiện đại mà vẫn phù hợp với nền mỹ thuật nước nhà. Họ đều hết sức ca ngợi thái độ giảng dạy chân thành, sự uyên bác của thầy giáo với học trò” - Họa sỹ Trần Khánh Chương nói.
Người thầy của nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến
Đối với PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Phê bình Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Tô Ngọc Vân là người tiếp thu được những giá trị tiên tiến của mỹ thuật phương Tây vào Việt Nam. “Trước đây nghệ thuật của chúng ta chủ yếu là nghệ thuật thủ công, nghệ thuật theo phong cách truyền thống, người nọ kèm cặp người kia, từ đó phát triển lên. Nhưng người Pháp đã đưa vào những phương pháp mới nhất về nghệ thuật tạo hình, đưa vào cách học và phương pháp sư phạm được nhiều người đánh giá là tiên tiến. Họa sỹ Tô Ngọc Vân đã thâu tóm được những phương pháp đó và truyền đạt lại cho những thế hệ kế tục của nền mỹ thuật Việt Nam những cái tiên tiến nhất của thời đại” - PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo cho biết.
PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo
Trong thời gian nhận nhiệm vụ là người hiệu trưởng đầu tiên sau cách mạng của trường Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Tô Ngọc Vân vừa là hiệu trưởng, nhưng đồng thời cũng là giáo sư chính giảng dạy tại trường.
PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo chia sẻ: “Đây là thời kỳ mà cụ Vân thể hiện được tính sư phạm của cụ. Cụ giảng dạy không phải chỉ có tính trừu tượng, mà cụ chỉ bảo cụ thể cho từng học sinh, người này mạnh mặt nào, yếu mặt nào… Bây giờ, họ đều trở thành những họa sĩ có tên tuổi của chế độ chúng ta ngày nay. Họ cũng tở thành những người thầy có trình độ sư phạm để hướng dẫn các họa sĩ trẻ sau này. Cụ thể, hầu hết họ trở thành những họa sĩ sáng tác, đồng thời, họ cũng trở thành những nhà giáo dạy ở trường, đào tạo rất nhiều họa sĩ nổi tiếng cho cả chế độ chúng ta cho đến bây giờ”.
Họa sỹ Tô Ngọc Vân là người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt thứ nhất, đợt đầu tiên nhà nước phong tặng, đây là vinh dự mà ít người trong giới văn học nghệ thuật đạt được điều đó.
Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đến nay qua nhiều đợt mới được tổng cộng 19 người tiêu biểu cho cả giới Mỹ thuật nói chung từ Bắc vào Nam, qua bao nhiêu thế hệ được đào tạo ở các trường, hàng năm tốt nghiệp ở các trường ra đến hàng nghìn họa sĩ. Theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, với những thành tích ấy, với danh hiệu nhà giáo nhân dân, họa sỹ Tô Ngọc Vân “thừa tiêu chuẩn để có được danh hiệu đó. Bởi cụ là một nhà giáo có uy tín, là một họa sĩ có phương pháp sư phạm để giảng dạy sinh viên tiếp nối ngành mỹ thuật”.
Họa sỹ Tô Ngọc Vân xứng đáng là “Đại Nhà giáo nhân dân”
Ông Lê Quốc Bảo – nhà phê bình đồng thời là nhà giáo tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cũng đồng tình cho rằng họa sỹ Tô Ngọc Vân xứng đáng với danh hiệu đó. Theo ông Lê Quốc Bảo, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã sớm cho ra đời những tác phẩm tranh được công chúng yêu thích từ những năm 1930, thậm chí có tác phẩm đã đi vào lịch sử và nổi tiếng tới tận bây giờ như bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Cô gái nghỉ chân bên đồi”…
Nhà phê bình – Nhà giáo Lê Quốc Bảo
Đồng thời, ông cũng là người thầy đáng kính của các thế hệ học sinh trường Mỹ thuật, từ thời kháng chiến cho đến ngày nay. Phong cách sáng tác của các họa sỹ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Tô Ngọc Vân đều ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh bây giờ.
Mỗi người học trò khi nhắc tới ông, còn nhắc tới một hình ảnh người thầy gần gũi, tận tâm, hết lòng vì công việc và giàu tình cảm thương yêu đồng nghiệp. Vì thế, họa sỹ Tô Ngọc Vân là người có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tại nước ta. “Đóng góp của thầy Tô Ngọc Vân cho nền mỹ thuật Việt Nam là sự nghiệp đào tạo và sự nghiệp sáng tạo. Thầy là người có công đầu ở cả 2 hoạt động này”, ông Lê Quốc Bảo nhấn mạnh.
Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa/hoa-si-to-ngoc-van-xung-dang-la-dai-nha-giao-nhan-dan/320020.vov