Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Hồi niệm rêu phong
Đà Lạt giao mùa, nắng lạnh ngọt lành quyện hòa sắc vàng dã quỳ giùng giằng níu chân lữ khách. Sương tan. Giọt nắng ban mai kẽ xiên trên mái ngói rêu phong những ngôi biệt thự cổ, những cung bậc của phố, của hoa, của thiếu nữ Đà thành… đang ngược miền ký ức trong các tác phẩm của họa sĩ Vi Quốc Hiệp.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Vi Quốc Hiệp chỉ nói vỏn vẹn: Mình là người… cao nguyên! Sinh năm 1948 tại Lạng Sơn, dân tộc Tày, Vi Quốc Hiệp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1971, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng sống và vẽ ở Hà Giang, Bắc Thái. Năm 1978, Vi Quốc Hiệp cùng gia đình “xuống núi” và tiếp tục hành trình cuộc đời trên phố núi Lâm Viên - Đà Lạt. “Những ngày đầu đặt chân lên cao nguyên Đà Lạt, mình đã bị biệt thự cổ mê hoặc”, Vi Quốc Hiệp thổ lộ. Và, ký ức 35 năm biệt thự cổ Đà Lạt đang “cựa quậy” trên từng “nét cọ” trong hàng trăm tác phẩm của anh.
Vi Quốc Hiệp nói: “Những ngày đầu mình chỉ vẽ ký họa biệt thự cổ Đà Lạt. Sau đó, “cảm” được cái hồn, nét đặc trưng hiện hữu, từ sự độc đáo bốn mùa trong ngày của thành phố này… đã tạo nên thời khắc trong tranh của mình”. Và hàng loạt “tác phẩm tâm tưởng” về biệt thự cổ Đà Lạt đã được gọi tên: Biệt thự cổ Đà Lạt trong sương, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thu, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thạch thảo, Biệt thự cổ Đà Lạt đồi hoa dại...
Đà Lạt được nhiều người gọi tên là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Thiên nhiên, biệt thự cổ và hoa… quyện hòa nét duyên của “đôi má hồng đào” của thiếu nữ đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt. Đến Đà Lạt để được nghe chiều xuống thành phố mộng mơ và trải nghiệm bốn mùa trong ngày, để không cần mùa, cần tháng…
Mỗi người, mỗi giới đến với Đà Lạt đều có cách “đắm đuối” riêng. Vi Quốc Hiệp không “ham” tả thực, mỗi nét cọ trong tranh biệt thự cổ Đà Lạt là sự hồi niệm thời khắc của tâm và trí. Họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ Vi Quốc Hiệp nói vui mà thật: Mỗi bức tranh của anh là một bài thơ để “cảm”, mà “cảm” thì tùy cung bậc cảm xúc của mỗi người.
Ba mươi lăm năm trở thành cư dân Đà Lạt, chàng họa sĩ người Tày xứ Lạng luôn đau đáu về “hồn cốt” kiến trúc xứ sở này. Đó là mảng màu kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với nhiều phong cách và sắc thái khác nhau. Giờ đây, nếu hỏi gia tài Vi Quốc Hiệp có gì? Gần 400 bức tranh “lưu giữ ký ức” biệt thự cổ Đà Lạt. Có lẽ thế…
Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, nhà thơ Phạm Quốc Ca cho rằng, tranh Vi Quốc Hiệp khá đa dạng, nhưng đề tài anh “say mê” nhất là biệt thự cổ Đà Lạt. Kiến trúc kiểu Pháp ít nhiều được Việt hóa của những ngòi bút thư dưới bóng thông xanh, hay nghiêng soi hồ nước… đã đi vào tranh Vi Quốc Hiệp với tài năng sáng tạo độc đáo.
Nhiều tác phẩm của Vi Quốc Hiệp đã đạt giải cao và “có mặt” tại nhiều bảo tàng mỹ thuật trong và ngoài nước, như: Già làng Tây Nguyên, Lời thượng nguồn, Giữ gìn bản sắc… Và tác phẩm “Nữ dân quân Tày - Đồng Văn” (sơn dầu, 1971) của anh được nhiều người biết đến.
Trong những ngày này, họa sĩ Vi Quốc Hiệp đang mang 120 bức tranh trong “gia tài” biệt thự cổ Đà Lạt của mình để giới thiệu với công chúng, chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển.
Với chủ đề, “Biệt thự cổ Đà Lạt, 35 năm - một hoài vọng”, triển lãm kéo dài đến ngày 12-11 tại Nhà triển lãm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Đây là triển lãm lần thứ 20 của Vi Quốc Hiệp và lần thứ ba biệt thự cổ Đà Lạt tái hiện với chất liệu sơn dầu, acrylic…
Đặc biệt, triển lãm có sự xuất hiện của bức tranh chân dung bác sĩ Alexandre Yersin “Người giữ hồn Đà Lạt” (cao 1,5m, rộng 1,1m, được kết từ mười nghìn hạt đậu), mà Vi Quốc Hiệp miệt mài sáng tác trong thời gian dài, được xác lập kỷ lục Việt Nam về bức tranh “được ghép từ nhiều loại đậu nhất”.
Trong mười ngày triển lãm, tác giả còn phục vụ vẽ ký họa chân dung và trích một phần tiền bán tranh để trao tặng các tổ chức từ thiện.
Những điều đó, một lần nữa minh chứng tình yêu của chàng họa sĩ này với thành phố hoa, thành phố kiến trúc… Đà Lạt.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhận xác lập kỷ lục Việt Nam với tranh chân dung bác sĩ Yersin làm bằng mười nghìn hạt đậu.
MAI VĂN BẢO
Theo
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/chan-dung/item/21555802-.html