Họa sĩ Xuân Quảng: Đau đáu với đề tài chiến tranh

Văn hóa và Đời sống - 'Nghệ thuật có tác dụng động viên người ra trận, cổ vũ, ghi chép và lưu giữ những thành công vĩ đại của dân tộc mình. Cá nhân tôi, một người sống trọn những năm tháng chiến đấu ác liệt của cả dân tộc, giờ đây muốn ghi lại những điều vĩ đại, mồ hôi nước mắt, xương máu ông cha mình bằng cái nhìn bình tĩnh, khách quan của ngày hôm nay. Nếu những người nghệ thuật không có trách nhiệm về điều đó, làm sao thế hệ trẻ ngày nay yêu thương và tự hào về đồng loại và dân tộc mình', đó là chia sẻ của họa sĩ Xuân Quảng.

Vùng ký ức nhói buốt

Họa sĩ Xuân Quảng nhập ngũ lúc 22 tuổi, đó là giai đoạn năm 1960 - 1963, là lính của Trung đoàn 9, Sư 306, đóng quân ở Bỉm Sơn. Đây cũng là giai đoạn Mỹ - Diệm tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”, kết hợp những thủ đoạn chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc có vũ khí và trang bị kỹ thuật hiện đại với những biện pháp khủng bố, đàn áp dã man. Khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn căng thẳng và ác liệt, là lúc Xuân Quang trở thành sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Không trực tiếp chiến đấu, nhưng ông đã có mặt tại những điểm nóng của chiến tranh để lấy tài liệu vẽ, động viên tinh thần quân và dân ở các địa phương.

Ông chia sẻ: “Lúc ấy, tôi đã có mặt từ Ngư Thủy (Quảng Bình), đến núi Ngọc Mỹ Nhân (Ninh Bình)… chứng kiến từ bữa cơm đến cuộc sống của người dân mới thấm thía sự vất vả. Ở Ngư Thủy một tháng, đêm đầu tiên ra biển ngủ, do không có kinh nghiệm, tôi nằm quay đầu vào bờ, sáng ra cát bay vào mũi không thở được. Sau rồi nghĩ cách kê cao đầu lên, hướng về phía biển nhưng bốn bề là cát, không tránh nổi. Người dân ở đây quanh năm ăn sắn khô, biển trước mặt nhưng chỉ đánh được rất ít cá gần bờ vì máy bay rà thường xuyên. Đạm bạc đến mức rau cũng không có. Thế mà người dân vẫn quyết tử chiến đấu, luôn hào hứng xung phong ra trận”.

Còn nhớ, vào những ngày tháng ác liệt năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của “hậu phương lớn” cho “tiền tuyến lớn”. “Chúng tôi vẽ ở Ninh Bình, Thanh Hóa, hay những tuyến đường nơi những cô gái thanh niên xung phong mở đường cho xe từ miền Nam ra. Nhưng nhớ nhất là khi chúng tôi về xã Quảng Hải (Quảng Xương) để làm bài tập tốt nghiệp. Thầy trò đạp xe rời Hà Nội từ sáng sớm, khoảng 2-3 giờ chiều mới đến nơi. Sung sướng trước biển trời mùa hè, các cô gái của chúng tôi vừa nhìn thấy biển là rủ nhau quấn áo mưa lao xuống tắm. Thời khắc ấy, một vài chiếc thuyền đánh cá cũng đang về bờ. Bất ngờ, máy bay địch thả bom chỉ cách chúng tôi khoảng năm, bảy trăm mét. Các cô gái sợ quá, ào lên gốc cây trốn. Hôm ấy, chúng tôi tận mắt chứng kiến 2 ngư dân chết, và đau đớn dự lễ truy điệu do địa phương tổ chức”. Những địa chỉ mà sinh viên mỹ thuật đến là nơi vừa diễn ra trận đánh ác liệt, nóng bỏng. Dừng chân ở nơi nào, các sinh viên cũng đều ra sức vẽ tranh tường với mong muốn góp một phần vào việc tuyên truyền chống đế quốc Mỹ để ngày toàn thắng của dân tộc đến sớm hơn. Đúng như lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng 17-7-1966: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Chính lời kêu gọi ấy và những ký ức là hành trang đẹp để lớp lớp các văn nghệ sĩ chúng tôi sau này thêm tư liệu, thêm trải nghiệm thực tế để sáng tạo.

Hòa bình, họa sĩ Xuân Quảng trở về Thanh Hóa dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật. Rồi sau này chuyển qua Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và nghỉ hưu ở Công ty Mỹ thuật tỉnh.

Và những day dứt

Khi tôi đến là lúc ông đang lụi hụi bên chậu nước mài đi mài lại bức tranh sơn mài còn dở dang. Bạn bè gặp ông đều gắt gỏng: Ông để thời gian đó mà đi tập thể dục, uống trà hoặc làm vài ván cờ với chúng tôi. Con cái lo lắng: Bố đừng làm nữa, cho đỡ mệt người. Nhưng ông cũng chia sẻ: “Ngày không cầm cọ được ba mươi phút đến một tiếng đồng hồ là đêm cứ trằn trọc, mệt mỏi không ngủ được. Dù xấu dù đẹp, ngày nào tôi cũng vẽ”.

Lý do thời gian này ông tập trung vẽ là bởi ông đang có kế hoạch vào dịp tròn 85 tuổi sẽ tổ chức triển lãm tranh ở Hà Nội. Ông nói: “Tôi đi triển lãm nhiều nơi nhưng vẫn mơ ước được một lần làm triển lãm cá nhân ở thủ đô. Trước đây kinh tế khó khăn nào có dám mơ tới, giờ điều kiện tốt hơn thì tuổi cao, sức yếu”.

Tác phẩm Chúng nó lại đến (chất liệu sơn mài).

Giọng ông chùng xuống: “Chẳng biết còn kịp làm tranh nữa không?. Tôi muốn vẽ lại mồ hôi, nước mắt, cái khốn khó và đau thương nhưng đầy tự hào và hùng tráng của đồng bào mình, dân tộc mình. Giờ đây, các bạn trẻ nghe nhắc đến đồi Quyết Thắng có thể dửng dưng, có thể buông lời: Lại chuyện ngày xưa. Nhưng với thế hệ tôi, đó là thời kỳ hào hùng và linh thiêng. Hàng trăm máy bay địch xả bom xuống khu vực cầu Hàm Rồng, người già, người trẻ, gái trai đều xông ra lửa đạn. Đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc, trong đó Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Mục tiêu của địch là cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc - Nam đồng thời phá hoại kinh tế Thanh Hóa, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam. Thế mới có Hàm Rồng chiến thắng khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, thú nhận: “Đó là 2 ngày (ngày 3-4 tháng 4 năm 1965-PV) đen tối của không lực Hoa Kỳ”.

Ông nhắc đi nhắc lại: Văn học nghệ thuật đang mắc nợ lịch sử. Các văn nghệ sĩ chưa nói hết được những chiến công của quân và dân ta, chưa đi sâu khắc họa thế giới nội tâm của người lính và cả những nỗi đau nơi hậu phương. Với suy tư sáng tác ấy, ông rất muốn vẽ thêm nhiều tác phẩm về Hàm Rồng, muốn khắc họa một phần gương mặt chiến tranh để những thế hệ không biết đến chiến tranh, những bạn trẻ hiểu về lịch sử quê hương. Chính vì thế, ở phòng khách, ông trân trọng dành chỗ treo tranh về đề tài chiến tranh. Nếu bức sơn mài “Chúng nó lại đến” miêu tả cảnh máy bay đến, người mẹ giao con lại cho bà để ra trận địa, thì “Cuộc đọ sức quyết liệt” thể hiện sự nhân văn của người dân Việt Nam trước kẻ thù. “Trở về với mẹ” cho người xem thấy hình ảnh người con khi nhỏ nằm trong lòng mẹ, lớn lên đi kháng chiến đuổi được giặc rồi vẫn quay về ôm lấy mẹ, ngả đầu vào cánh tay mẹ. Đánh đông dẹp bắc, qua bao sóng gió, cái chết cận kề, lúc trở về thì cánh tay mẹ vẫn là nơi ấm áp và tình cảm nhất. Hay từ “Chiến tranh”, người ta nhận ra sự chia ly, tình cảm của người ra trận và người hậu phương. Tình cảm ấy khiến cây cối xào xạc cảm thông, những con chim có đôi có lứa nhưng vợ chồng phải chia ly vì chiến tranh. Ông còn khoe với tôi tác phẩm “Ra trận mùa xuân” đang “để dành” tham dự Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV dự kiến khai mạc vào tháng 8-2021.

Mảng đề tài chiến tranh cách mạng chỉ chiếm phần nhỏ trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Xuân Quảng, nhưng dễ dàng để người xem tranh cảm nhận rằng ông đã “rút ruột”, phả hồn vào các tác phẩm này. Đó là nơi máu thịt, là sự nhói buốt, niềm đau đáu mà càng cuối đời ông càng muốn tập trung lao lực để sáng tạo.

50 năm cầm cọ, người họa sĩ già Xuân Quảng dù đã 84 tuổi nhưng vẫn cần mẫn vẽ như một thói quen. Song, nếu không có đủ tình yêu với nghề, không có những trăn trở và sự thôi thúc sáng tác, chắc hẳn ông chẳng khổ sở mà ngồi bệt xuống nền nhà để đi từng nét sơn. “Có làm việc tôi mới thấy mình sống ý nghĩa, tôi biết mình chưa đủ tài năng để vẽ hết được cuộc sống đã và đang diễn ra”.

Chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng những cảm xúc về chiến tranh vẫn còn day dứt và thôi thúc họa sĩ Xuân Quảng. Ông không chỉ vẽ về cuộc sống của ngày hôm nay mà còn phác họa lại một phần gương mặt của những năm tháng lịch sử và số phận con người của một thời kỳ. Hy vọng rằng, ông luôn giữ được tâm thế sáng tạo và có đủ sức khỏe để đạt ý nguyện tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội.

KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/hoa-si-xuan-quang-dau-dau-voi-de-tai-chien-tranh/19369.htm