Hoa sim - tím cả tình yêu...
Những ai từng là lính, nhất là lính biên phòng hẳn đều thuộc bài hát 'Hoa sim biên giới' của nhạc sĩ Minh Quang. Không chỉ lời hay, nhạc da diết mà nội dung hình tượng cũng thật đúng với tâm lý những chàng trai trẻ đang thời mơ mộng yêu đương: 'Nếu em lên biên giới/ Em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim giữa đồi nắng gió/ Tím như ai chờ mong/ Sắc hoa sim yêu thương/ Trong lòng người lính trẻ/ Chờ ai nên tím ngát bồi hồi giữa biên cương…'.
Phải được mơ mộng vào những buổi chiều vùng biên giữa mùa xuân, khi nắng vàng rót mật xuống các đồi sim bên kia thung đang nở hoa, lúc ấy mới đẹp nhất và cũng bồn chồn nhất. Phải nhìn lúc ấy mới thấy cả triền sim tím da diết bập bùng trước nắng và gió thấp thoáng bóng các sơn nữ… Thì ra cảnh tiên là có thực… Chiều xuống rất nhanh. Hoàng hôn tím thẫm. Chàng lính ta hết mơ mộng để rồi sâu lắng một nỗi buồn mà tự thầm hát “Màu tím hoa sim” (thơ Hữu Loan): “Chiều hành quân/ Qua những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt…”.
Khi biết bối cảnh ra đời là một bi kịch tình yêu đầy bất ngờ trong thời chiến, bài thơ sẽ càng làm thêm lên sự thổn thức. Nghe tin vợ chết (bà Lê Đỗ Thị Ninh qua đời vì tai nạn ở hậu phương Thanh Hóa năm 1949) khi đang trên đường hành quân, bàng hoàng, xúc động, cõi lòng đau đớn tột cùng ấy đã bật ra những dòng thơ như có máu chảy bên trong: “Tôi ở đơn vị về, cưới nhau xong là đi”. Họ chỉ mới kịp sống đời vợ chồng vỏn vẹn hai tuần...
Với các loại hình nghệ thuật, hoa đã trở thành một biểu trưng mỹ học. Với các nhà thơ, hoa vừa là thi liệu, vừa là nguồn cảm hứng… Rất có thể, để hình thành và nuôi dưỡng những hồn thơ của nhiều thi nhân xứ ta thì phải có hoa sim tím dân dã, tươi mát mà nồng nàn kiêu hãnh… Bởi mọi nơi, đâu cũng có hoa sim. Thời trẻ trâu, chắc ai cũng từng ăn quả sim để rồi cái vị chát chát đi theo suốt đời, rồi cái cảnh trốn tìm dưới bóng các bụi cây lúp xúp ấy, sẽ thèm khát suốt đời…
Mọc tự nhiên hầu như khắp nơi trên thế giới, có tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa, ngoài tên gọi dân gian, hoa sim còn được gọi là hồng sim, cương nhẫm, dương lê, đào kim nương. Người Anh gọi là Isenberg bush, Downy myrtle, Rose myrtle… Ở nước ta, sim mọc nhiều ở miền núi, khắp trên các dãy đồi. Thuộc loại thân gỗ nhỏ màu nâu, mọc thành từng bụi, chiều cao chỉ khoảng 1 - 1,5m. Hoa 5 cánh sắc tím pha ánh hồng, rất nhiều nhị vàng. Có một nét chung là ở đâu hoa sim cũng biểu trưng cho tình yêu. Trong các truyền thuyết thì đó là những bi kịch…
Truyền thuyết Hy Lạp kể, vua Cinyras có người con gái nổi tiếng là công chúa Myrrha. Vì nông nổi với sự kiêu hãnh tuổi trẻ, thời thiếu nữ, Myrrha phạm phải sai lầm chết người là có lần vô lễ với nữ thần Tình yêu Aphrodite. Dù vô cùng xinh đẹp và tài năng nhưng lòng vị tha thì chưa được vô cùng, nữ thần trừng phạt Myrrha rất trái khoáy bằng cách bắt nàng yêu người không được phép yêu, chính là vua Cinyras, tức cha ruột.
Vua Cinyras đã bị lừa để truy hoan cả một tuần với người con gái “chim sa cá lặn” mà ông không biết là ai. Khi nhận ra tội lỗi phạm phải, vừa kinh sợ, vừa đau khổ ông quyết định giết Myrrha. Myrrha phải bỏ trốn đến Ả Rập cầu xin các vị thần cho mình thay đổi hình dạng. Thương tình, họ biến nàng thành cây smyrna, tức cây sim. Nữ thần Tình yêu vẫn chưa hả giận. Mũi tên tàn ác từ cây cung của thần đã bắn tan cây sim ấy để nó bị xé ra thành từng cành nhỏ…
Smyrna, tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là cây sim, cũng có nghĩa là công chúa, rất được người Hy Lạp yêu thích, thường trồng xung quanh các đền thờ để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính, đi vào văn hóa thành biểu tượng cho hòa bình, viên mãn, hạnh phúc. Ở các lễ cưới người ta dùng hoa sim trang điểm cho cô dâu với hy vọng chúc phúc một tình yêu lâu bền. Không những thế còn là biểu trưng cho quyền lực và sức mạnh nên các quan tòa thành Athen khi ngồi xử án thường lấy hoa sim đội lên đầu.
Truyền thuyết cổ xưa của Việt Nam thì gắn câu chuyện với sự nghiệp giữ nước vốn là một đặc trưng của lịch sử. Xót thương cho dân mình hay bị quân cướp nước từ phương Bắc tràn sang xâm lược gây nên thảm cảnh nước mất nhà tan, tử biệt sinh ly, tình người đau đớn, Ngọc Hoàng Thượng đế bèn phái hai thiên sứ Tử Sim và Tử Mua xuống giúp đỡ dân lành. Một thiên sứ hạ xuống Hoằng Hóa (Thanh Hóa nay) giúp người miền xuôi đồng bằng, thiên sứ còn lại được phái xuống Tuần Giáo (Điện Biên nay) nơi miền núi cao.
Lường trước mọi điều, Thượng Đế dặn hai thiên sứ xuống trần gian để giúp đỡ người dân lầm than trong cơn binh đao, xong việc rồi về Trời, không được phép vướng vào vòng luyến ái nơi trần tục, nếu không sẽ bị hóa kiếp thành thảo mộc mà mãi mãi ở lại trần gian... Hai vị thần xuống trần gian hóa thân thành hai thôn nữ đẹp người đẹp nết, càng cảm thương dân lành phải trải qua nạn chiến tranh, họ càng chăm chỉ giúp người.
Không ngờ mối lo của Thượng đế thành sự thật. Cuộc sống trần gian tuy rất vất vả nhưng vô cùng quyến rũ bởi cái mặn mà, đậm đà của chất sống đời thực khỏe khoắn, tươi rói, khác xa cuộc sống vương giả mà nhạt nhẽo trên thiên giới… Cả hai nàng đã yêu người trần gian. Tử Sim yêu chàng trai sơn cước tên là Thái Sơn. Tử Mua yêu chàng trai lực điền tên Đại Hải miền châu thổ. Thì ra trên trời cảnh đẹp thật nhưng vì thiếu hồn vía, thành ra như là giả, còn trần gian có thể vất vả nhưng là cảnh thật, sống động…
Bọn giặc dữ lại tràn sang. Thái Sơn, Đại Hải phải từ biệt Tử Sim, Tử Mua và dân làng ra chiến trường đuổi giặc. Họ đi mãi, đi mãi… Giống như bao phụ nữ, cứ mỗi chiều hoàng hôn, Tử Sim và Tử Mua lại ra đầu làng, chọn chỗ nào dễ nhìn nhất hướng về phương Bắc mong ngóng bóng dáng chồng yêu trở về. Thượng Đế thương tình và y lời dặn từ trước liền biến họ thành hai loại cây hoa rất đẹp, giống nhau. Tử Sim biến thành cây hoa sim. Tử Mua biến thành cây hoa mua.
Tử Mua sống gần biển mặn mòi nên thân da nhám. Tử Sim sống trên vùng triền núi trong lành thơm tho nên thân da mịn màng, lá cũng trơn mịn và dày hơn. Cả hai loài hoa không kiêu sa lộng lẫy mà đơn sơ khiêm nhường với một sức sống mãnh liệt bất tử nơi đất đai hoang hóa hay triền đá khô cằn, thời tiết khắc nghiệt để dâng đời một màu tím xao xuyến. Hoa cứ mỏng manh nhưng không yếu đuối, ủy mị mà nồng nàn, sâu thẳm như tình yêu tuy ngắn ngủi nhưng đậm đà.
Lại có truyền thuyết “Huyền tích một loài hoa” kể về xuất xứ hoa sim rất cảm động từ câu chuyện tình giữa thái tử Lang Bá và sơn nữ xinh đẹp Hoa Sim. Mối tình không hề “môn đăng hộ đối”, một là thái tử triều đình, giàu có, vương giả và quyền lực; một là thôn nữ sơn cước nghèo khó. Vượt qua mọi định kiến, mọi cản ngăn, vượt qua cả sự hãm hại độc ác của vua Quỷ, họ cưới nhau như một tình yêu biểu tượng cho bình đẳng và dân chủ.
Nhưng khi lên ngôi thì Lang Bá nảy sinh ghen tuông nghi ngờ Hoa Sim thông đồng với bọn quỷ để lừa dối chồng. Hoa Sim chỉ còn biết tìm đến cái chết chứng minh sự trong trắng. Nơi nàng chết mọc lên một loài hoa có màu tím như nói thay cho sự thủy chung, son sắt của một tình yêu. Hiểu tấm lòng trinh bạch của vợ, nhà vua vô cùng hối hận, xót xa liền đặt tên cho loài hoa ấy theo tên người vợ yêu - hoa Sim. “Huyền tích một loài hoa”đã được kịch bản hóa chuyển thể thành vở chèo cùng tên từng rất có tiếng vang (kịch bản Lê Thế Song; kịch bản chèo Lê Chí Trung, đạo diễn Vũ Ngọc Minh).
Ở nước ta hoa sim thường nở từ tháng ba âm lịch, kết trái vào tháng bảy, tám âm lịch. Cách hái sim cũng dân dã, sim chín rộ thì lấy mũ nón hứng rồi lay nhẹ cành là trái rơi xuống. Riêng ở huyện đảo Phú Quốc, chịu sự chi phối của gió biển, khí hậu nên sim lại thường nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Ở đây có loại hồng sim rất quý dùng làm nguyên liệu nấu rượu – một đặc sản du lịch với mùi thơm chát quyến rũ.
Khó có thể kể hết những câu thơ hay, mộc mạc, cảm động về hoa sim, chỉ biết hoa đã trở thành biểu tượng cho Tổ quốc, cho đất đai xứ sở: “Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?” (Hữu Thỉnh - “Từ chiến hào tới thành phố”). Thì ra Tổ quốc không chỉ là những gì hoành tráng, hùng vĩ, Tổ quốc còn là những gì rất thân thuộc, giản dị, đơn sơ!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoa-sim-tim-ca-tinh-yeu--i727270/