'Hoa Sóng ngàn năm' - những cột mốc chủ quyền tâm linh của người lính biển
Nơi các anh ngã xuống là Biển Đông nên sóng nước Biển Đông khiến thân xác người lính thấm vào đảo nhỏ, máu lẫn biển xanh. Mộ các anh nằm bên những ngọn sóng bạc đầu, anh linh và mãi như ngàn Hoa Sóng. Hoa Sóng nở cùng biển xanh.
“Biển tự nhiên lặng gió”, câu văn trong một bài bút ký của nhà văn Đỗ Tiến Thụy viết về những người lính giữ đảo mà nhạc sĩ Trần Khánh Nam tình cờ bắt gặp là cơn cớ giúp người nhạc sĩ này viết nên khúc ca tưởng niệm bi tráng Hoa Sóng ngàn năm: “Biển tự nhiên lặng gió/ vòng hoa thả xuống Biển Đông/ bềnh bồng mãi trên con sóng nhỏ”. Nét giai điệu da diết, khắc khoải, cứa vào lòng người nghe, bằng hình ảnh của biển cả lặng yên như thấu tỏ, chứng giám nỗi lòng những người còn sống đang thả những vòng hoa tưởng niệm anh linh những người lính biển đã mãi mãi nằm lại sau trận đánh. Biển thì lặng gió nhưng lòng người lại rộn lên những thổn thức. Thổn thức vì có một thực tế, người lính nơi đất liền ngã xuống, ít ra vẫn được yên nghỉ trong lòng đất mẹ, cho dù chưa tìm thấy hài cốt, còn người lính ngoài biển khơi dẫu có biết nơi các anh ngã xuống cũng chẳng thể nào đưa được thân xác trở về đất mẹ yên nghỉ.
Âm ba của con sóng nhỏ như mang theo anh linh người lính biển được nhạc sĩ Trần Khánh Nam neo lại, trụ vững trong hình ảnh một loài hoa ở Quần đảo Trường Sa mà hễ nhắc đến thì ai ai cũng biết là Hoa Bàng vuông để ví như tâm hồn người lính đảo: “Dù bão tố phong ba/ hoa Bàng vuông nở về đêm/ như tâm hồn người lính biển/ như hóa thành ngàn Hoa Sóng/ Hoa Sóng nở cùng biển xanh”. Âm nhạc ở đây với âm hình sóng biển cuộn trào qua từng đợt sóng đưa người nghe đi đến hình dung đang đứng trước ngàn ngàn con sóng nhỏ, mở ra một không gian tâm tưởng nhiều hoài cảm, đẩy cảm xúc trào dâng thành cảm giác ám ảnh, khi nghĩ về Trường Sa, nơi quanh năm nắng gió, mưa bão khắc nghiệt, nhưng cây Bàng vuông vẫn mọc rễ, cắm sâu vào nền đá san hô, hiên ngang chống chọi với phong ba, bão táp để vươn mình tươi tốt, cũng như người lính biển biết vượt qua cam go và muôn vàn thử thách, quyết cầm chắc tay súng ngày đêm bảo vệ biển đảo, để khẳng định chủ quyền lãnh hải biên cương của Tổ quốc. Trong thời chiến, đối diện trực tiếp với kẻ thù, người lính biển luôn cầm chắc cây súng trên tay, xông pha trận mạc, quyết giành giật từng tấc đất cho Tổ quốc. Trong thời bình, các anh cũng chưa một giây phút ngơi nghỉ, mất cảnh giác và chưa bao giờ gác súng. Bởi vùng lãnh hải biên cương là tuyến đầu Tổ quốc, là hình hài dân tộc Việt Nam, một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam. Từ truyền thống ngàn đời giữ biển cho thấy, ông cha ta đã đầy kiêu hãnh, tự tin, tự lớn trong bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải biên cương Tổ quốc. Trong xây dựng, kiến tạo vùng biển đảo quê hương yên bình, no ấm của ông cha ta cũng không kém phần kiêu hùng. Ngày nay và cả ngàn đời sau, sứ mệnh ấy vẫn được các thế hệ người lính, các thế hệ con dân Việt tiếp nối đầy kiên cường.
Qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh gian khổ để giữ vững chủ quyền biển đảo và kiên trì xây dựng biển đảo giàu mạnh, biết bao người con thân yêu của đất mẹ Việt Nam đã nằm lại hóa thành ngàn Hoa Sóng, nở ngàn đời giữa biển đảo quê hương. Sự hi sinh của các anh đã tạc nên một tượng đài bất tử. Bất tử trong ngàn trùng con sóng. Bất tử trong tâm thức người Việt. Bất tử trong những cột mốc chủ quyền tâm linh thiêng liêng: “Các anh có nhớ đất liền, nơi mình được sinh ra/ Có hàng dừa xa xa, và hàng cau trước nhà/ Có thân xác của những người, không nằm ở bên cha/ Rồi một ngày đi xa, anh lại về với mẹ/ Anh ở lại Biển Đông, thành Hoa Sóng ngàn đời”. Ở đoạn nhạc này, nhạc sĩ Trần Khánh Nam đẩy giai điệu lên 2 quãng 8 và sử dụng quãng 5 ngũ cung dân tộc làm cho người nghe cảm nhận được sự gần gũi, nhớ mong, nhưng cũng không kém phần bi tráng. “Tôi rất thích bài hát Hoa Sóng ngàn năm vì nó gợi cho chúng ta sâu sắc hơn những kỷ niệm khi Nhân dân ta vừa phải xây dựng vừa phải chiến đấu bảo vệ biên cương. Bài hát này, nhạc sĩ Trần Khánh Nam viết rộng 2 quãng 8, rất kén người hát. Tuy nhiên, bài hát Hoa Sóng ngàn năm đang và sẽ có sức sống trong cuộc sống của chúng ta”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, chia sẻ. Sau khi nghe ca khúc Hoa Sóng ngàn năm, ông Phan Hữu Trí, một cựu chiến binh, cho hay: “Trước đây, mỗi khi ngắm nhìn những con sóng biển trắng xóa, tôi chỉ hình dung ở phía đường chân trời xa kia sẽ có dáng hình kiên cường của người lính biển, với dáng đứng hiên ngang cùng ánh mắt nghiêm nghị, vững chãi như tạc vào đá thắp sáng cho bao ý tưởng tin yêu nơi quê nhà. Nay, tôi còn biết mỗi một cột sóng biển là một cột mốc chủ quyền thiêng liêng, một cột mốc tâm linh được khởi tạo bởi anh linh của người lính biển”.
Những người lính quả cảm ấy, không thể về lại đất liền, nơi các anh cất tiếng khóc chào đời, nơi vẫn còn hàng cau trước nhà cùng hàng dừa ở phía sau, nơi có người mẹ già ngày đêm ngóng đợi, nơi có người vợ hiền đang thay chồng gánh vác cuộc sống lo toan, nơi có những đứa con sớm hôm mong tin cha. Sự hi sinh đó của người lính đã làm rạng rỡ trang sử vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Các anh luôn sống trong sự tưởng niệm, tri ân của người dân Việt, được cả dân tộc Việt Nam vinh danh.