Hoa sữa tội tình gì!
Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ... (Im lặng đêm Hà Nội); Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm... (Hoa sữa); Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp... (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa)...
Một loài hoa nồng nàn đi vào thơ, nhạc và ký ức bao người Hà Nội, nay bỗng dưng trở thành tội đồ, phải bị di lý lên bãi rác.
Nguyên do, thời gian qua, nhiều người sống trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ) phản ứng gay gắt cho rằng hàng hoa sữa bên đường trổ hoa phát mùi nồng nặc không chịu nổi. Họ yêu cầu phải di dời để "trả lại không gian thông thoáng". Thế là cơ quan chức năng cho chặt cành, tức tốc dời 108 cây hoa sữa cao lớn trên đường này lên... tận bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Quả là đắng cay. Mùi hương nồng nàn, đặc trưng tình cảm thế kia nhưng nay phải làm nhiệm vụ bất khả thi là để át mùi hôi bãi rác. Chuyện hoa cứ như chuyện đời, lên hương và vào bãi rác chẳng thể ngờ nổi.
Nhưng Hà Nội không chỉ có phố Trích Sài trồng hoa sữa. Hàng loạt tuyến phố khác như Nguyễn Chí Thanh, Trung Hòa... cũng nặc nồng mùi hoa sữa và không ít lần bị than phiền. Số phận của những cây hoa làm nên đặc trưng mùa thu của thủ đô cũng không chỉ dừng lại ở phố Trích Sài, mà có lẽ thêm nhiều "bi kịch" khác.
Nhưng Việt Nam cũng không chỉ riêng Hà Nội trồng hoa sữa. Nhiều năm qua, Đà Nẵng cũng điên đầu với mùi hoa này trên phố Phan Thanh. Nhiều người lý giải xứ Bắc vào dịp hoa sữa trổ thì chớm thu, trời mát, có khi đã lạnh nên mùi nồng nàn của hoa sữa dễ chịu, ấm cúng. Còn lúc này miền Trung đang nắng cháy, khô khốc, tối đến nóng ran người mà ngửi thêm mùi hoa sữa thì trở thành ngột ngạt. Vậy là năm 2018, số phận những cây hoa sữa trên phố Phan Thanh bị "trảm" sạch.
Thật ra, hoa sữa nào có tội tình gì? Hoa này đẹp đẽ và rất thơm là điều không thể chối cãi. Nhưng dù đẹp đến đâu mà cứ lạm dụng trồng tràn lan thì cũng lãnh hậu quả. Các công ty cây xanh thừa biết điều này nhưng vì nhiều lý do như dễ trồng, mau lớn và cứ chạy theo phong trào nên hô hào trồng bừa. Các thành phố phía Nam lâu nay ít biết gì về hoa sữa, nay bỗng dưng tiếp xúc bất ngờ với mùi hoa dày đặc nên phản ứng cũng là điều dễ hiểu. TP Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Tam Kỳ (Quảng Nam)... đã trở thành "nạn nhân" tiếp theo của kiểu trồng hoa sữa dày đặc và rồi phải chặt bỏ, tốn tiền vô ích và phải mất cả chục năm trồng giống cây khác thay thế.
Hoa sữa dù sao cũng là cây bản địa, trồng hợp lý là tốt. Thế nhưng, nhiều thành phố cứ nhập các loại cây ngoại lai như cau bụng, cọ dầu... trồng nhan nhản. Nhập về đã đắt tiền, khó chăm sóc vì khác biệt khí hậu, mà với gió bão như Việt Nam, cây này chẳng trụ nổi.
Các chuyên gia lâm nghiệp cảnh báo từ lâu, cây xanh đô thị là một phần của kiến trúc tổng thể không gian sống. Trồng cây gì, mật độ ra sao, chăm sóc thế nào, phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng... là cả một ngành khoa học. Không thể tùy thích đổ tiền ra trồng, trồng xong chặt bỏ thì vừa tốn tiền của dân vừa làm đô thị nhếch nhác.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hoa-sua-toi-tinh-gi-20190721224536312.htm