Họa sỹ Lê Huy Toàn và di sản hội họa Kháng chiến
Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người may mắn được sống trong hòa bình.

"Bác Hồ thăm các chiến sỹ pháo binh", tranh sơn dầu của họa sỹ Huy Toàn.
Tại Triển lãm mỹ thuật "Bài ca Thống Nhất", đang diễn ra tại Công viên Thống Nhất, do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ đồng tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; có trưng bày hình ảnh phóng to 15 tác phẩm (trong tổng số 100 tác phẩm tại triển lãm) của cố Họa sỹ -Đại tá Lê Huy Toàn – người nghệ sỹ, chiến sỹ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của chiến tranh.

Góc trưng bài các tác phẩm của họa sỹ Lê Huy Toàn tại triển lãm "Bài ca Thống Nhất".

Anh Lê Huy Tuấn (con trai cố họa sỹ Lê Huy Toàn) và phu nhân tại triển lãm "Bài ca Thống Nhất".
Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người may mắn được sống trong hòa bình.

"5.8.1964 Sự kiện Vịnh Bắc bộ", tranh sơn dầu của họa sỹ Huy Toàn.
Trong những ngày kỷ niệm Đại lễ ý nghĩa này của dân tộc, hình ảnh các tác phẩm ký họa chiến trường, các minh họa bìa tạp chí Văn nghệ Quân đội và các tác phẩm tranh sơn dầu của họa sỹ Lê Huy Toàn tại triển lãm khiến người xem bồi hồi xúc động được ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.

"Trước Dinh Độc lập, Sài Gòn 1975", tranh sơn dầu của họa sỹ Huy Toàn.
Tác phẩm sơn dầu khổ lớn “Trước Dinh Độc Lập, Sài Gòn 1975”, được họa sỹ Huy Toàn tái hiện lại sống động khung cảnh hoành tráng đông đảo nhân dân Sài Gòn tập trung về quảng trường lớn trước Dinh Độc Lập, với cờ giải phóng và cờ đỏ sao vàng tung bay. Khi đó, máy ảnh còn hiếm và chủ yếu là chụp đen trắng, thì những tác phẩm trực họa của họa sỹ Huy Toàn mang ý nghĩa lưu giữ lịch sử lớn lao. Có lẽ đây là tác phẩm sơn dầu duy nhất lưu giữ được khoảnh khắc lịch sử vô cùng ý nghĩa trong ngày 30/4 ngay trước dinh Độc Lập.

"Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất", tranh bột màu của họa sỹ Huy Toàn.
Hình ảnh phóng to bức sơn dầu thứ hai được trưng bày tại triển lãm "Bài ca Thống Nhất" là bức “Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất”, cũng là một bức tranh đẹp của họa sỹ Huy Toàn, ghi lại thời khắc sáng ngày 30/4 (8h45’) Trung đoàn 24 và xe tăng quân đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Dù, Bộ Tư lệnh Không quân và các mục tiêu chung quanh.

Họa sỹ Lê Huy Toàn bên tác phẩm của mình.

Họa sỹ Lê Huy Toàn tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong thời gian chuẩn bị cho triển lãm "Bài ca Thống Nhất", tôi có may mắn được đến thăm nhà họa sỹ Lê Huy Toàn, ở 82 phố Thợ Nhuộm và gặp gỡ với gia đình. Bác Đàm Thị Lâm, vợ cố họa sỹ và anh Lê Huy Tuấn, con trai của họa sỹ Huy Toàn, đã rất nhiệt tình cho tôi xem hàng chục cuốn sổ tay ghi chép và ký họa chiến trường của họa sỹ Lê Huy Toàn. Các tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa, màu nước, mực nho và bút sắt của họa sỹ được treo kín các bức tường trong ngôi nhà 5 tầng giữa trung tâm Thủ đô, như một bảo tàng của gia đình. Tôi vô cùng xúc động và ngỡ ngàng trước sức làm việc và năng lượng sáng tạo phi thường của cố họa sỹ chiến sỹ Lê Huy Toàn.

"Kỷ niệm ngày 30-4", tranh bột màu của họa sỹ Huy Toàn.
Tôi rất thích câu nói của ông: “Tôi vẽ chiến tranh vì yêu Hòa bình”. Các tác phẩm hội họa của họa sỹ Huy Toàn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, bởi đó là kết quả của những tháng ngày ông trực tiếp vẽ tại những chiến dịch mà ông tham gia: Từ chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân 1975. Kết quả của những tháng ngày lặn lội từ Bắc chí Nam, với cây bút và cây súng trong tay, họa sỹ Huy Toàn đã để lại một gia tài vô giá: Hàng chục ngàn bức ký họa về những khoảnh khắc, những hình ảnh sống, chiến đấu của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, để sau này từ những bức ký họa đó, ông đã dựng nên những tác phẩm hội họa hoành tráng.

Trang bìa tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 5/1958, do họa sỹ Huy Toàn vẽ.
Tôi đặc biệt xúc động khi xem các bức ông vẽ được in trên trang bìa tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những năm 1950-1970, vì khi đó bác tôi – Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương, là Phó Tổng biên tập của tạp chí. Bác Huy Toàn có vẽ ba cậu bé đặt tên là “Con đầu lòng” , trong đó có anh Lê Huy Tuấn là con bác Huy Toàn, anh Thắng- anh họ tôi, là con trai đầu nhà văn Thiếu tướng Hồ Phương.

Trang bìa Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 7/1968, do họa sỹ Huy Toàn vẽ.
Các bức họa sỹ Huy Toàn vẽ trang bìa tạp chí Văn nghệ Quân đội đều rất đẹp và mang tính biểu tượng và tính cổ động cao , làm rung động trái tim người xem bởi những thông điệp mà người họa sỹ chuyển tải trong đó. Ví dụ trên trang bìa tạp chí số tháng 5/1958, trong dịp kỷ niệm 4 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sỹ Huy Toàn đã vẽ các chiến sỹ Điện Biên đang trong tư thế xung phong và giương cao ngọn cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" trong một bố cục chặt chẽ và đẹp như tượng đài.
Hay trên trang bìa số tháng 7/1968, họa sỹ Huy Toàn vẽ trận chiến Mậu Thân 1968 trên đường phố Sài Gòn. Những bức vẽ sống động, mang tính thời sự, vào những ngày tháng toàn quân và dân ta đang căng sức chiến đấu đó, thì nay trở thành những trang sử bằng tranh quý giá.
Họa sỹ Lê Huy Toàn và con trai Lê Huy Tuấn đã lưu giữ rất cẩn thận những trang bìa tạp chí Văn nghệ Quân đội đó.

Bìa tạp chí VNQD số tháng 12/1965, do họa sỹ Huy Toàn vẽ.
Hơn 40 năm trong quân ngũ, cùng những người chiến sỹ vào sinh ra tử và ký họa hàng ngàn tác phẩm về đề tài chiến tranh, họa sỹ Lê Huy Toàn là một trong những tên tuổi để lại rất nhiều dấu ấn trong hội họa về thời chiến và những tác phẩm nêu cao vẻ đẹp của hòa bình. Ông đã dùng con mắt và trái tim của mình để thực hiện những bức tốc ký về từng giây phút trên chiến trường ngập tràn khói đạn và mùi thuốc súng. Vào những năm cuối kháng chiến chống Mỹ, ông đã đi khắp các mặt trận, tốc ký lại muôn vàn cảnh chiến trường khốc liệt, những ngày tháng đấu tranh ròng rã nhưng chan chứa ở đó tinh thần bất khuất, đoàn kết dân tộc.

"Đánh đuổi tàu Madoc", tranh sơn dầu của họa sỹ Huy Toàn.
Những tác phẩm về đề tài chiến tranh của họa sỹ Huy Toàn đã có mặt ở hơn 100 triển lãm tranh trong nước và quốc tế, hơn 20 triển lãm cá nhân và tham gia hầu hết các triển lãm toàn quốc về đề tài chiến tranh cách mạng. Tháng 4/1997, một cuộc triển lãm toàn bộ các bức vẽ về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của ông được tổ chức ở đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh), gây ấn tượng mạnh cho giới hội họa và công chúng. Một Sài Gòn trong những giờ phút chiến đấu anh dũng của quân dân ta và niềm vui chiến thắng đón đoàn giải phóng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Độc lập Dân tộc, được tái hiện sinh động trong tranh của ông. Các tác phẩm hội họa của họa sỹ Huy Toàn cuốn hút người xem bởi bút pháp hiện thực khỏe khoắn, chi tiết, bố cục hoành tráng bao quát thể hiện góc nhìn của người trong cuộc.
Những năm tháng hòa bình, họa sỹ Huy Toàn tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm đẹp về đề tài phong cảnh quê hương, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ông vẽ nhiều truyện tranh cho thiếu nhi kể về tấm gương các anh hùng trong hai cuộc kháng chiến.
Họa sỹ Lê Lam đã thốt lên khi nhận xét tranh của đồng nghiệp: “Không có trái tim nóng bỏng với non sông đất nước, thì sao vẽ được thế này. Không có một tâm hồn Việt Nam, một tình yêu da diết với xứ xở quê hương thì sao vẽ được như thế này”.
Họa sỹ Lê Huy Toàn sinh năm 1930, tại Vĩnh Phúc. Ông tham gia Cách mạng năm 1946, nhập ngũ năm 1947. Trong suốt cuộc đời mình, ông dành được rất nhiều thành tựu và khen thưởng như: Hai Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy chương vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam năm 2000; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000.
Cuộc đời và sự nghiệp của họa sỹ Lê Huy Toàn đã để lại một di sản hội họa quý giá đó là những trang sử bằng tranh sống động về hai cuộc kháng chiến giành Độc lập vẻ vang của dân tộc ta. Mong sao Thành phố Hà Nội, hoặc một tập đoàn tư nhân, có thể xây dựng một bảo tàng đặc biệt để lưu giữ các tác phẩm hội họa kháng chiến quý giá của họa sỹ Lê Huy Toàn và các họa sỹ quân đội từng tham gia kháng chiến như Lê Lam, Phạm Ngọc Liệu, Văn Đa…Đó chính là Di sản lịch sử và nghệ thuật rất cần lưu giữ cho thế hệ mai sau!