Họa sỹ trẻ Nguyễn Đình Hoàng Việt: Tay vẽ có hạng về động vật
Sinh năm 1988, Nguyễn Đình Hoàng Việt đã lặng lẽ tạo dựng tên tuổi qua loạt tranh về động vật. Anh từng xuất hiện tại triển lãm 'Lựa chọn của Grapvine phần 2' năm 2014 với tư cách là một trong 8 nghệ sỹ đương đại đã thành danh. Các tác phẩm của anh có cái nhìn hài hước về các loài động vật gần gũi với con người.
Chàng họa sỹ đến từ cố đô Huế có triển lãm cá nhân lần thứ hai tại Hà Nội khai mạc vào ngày 5-11 tại Manzi art space, số 41 Phan Huy Ích như một kết thúc thăng hoa loạt tranh anh đã dày công theo đuổi trong nhiều năm.
Vẽ bằng tinh thần của người trẻ
Sinh ra và lớn lên tại cố đô Huế, Nguyễn Đình Hoàng Việt dù mới xác lập phong cách vẽ về động vật (dùng hiện thực làm công cụ để phản ánh nhân sinh quan) nhưng ít nhiều đã gặt hái được những thành công nhất định. Anh đã được các nhà sưu tập trong và ngoài nước tìm đến với mong muốn sở hữu các tác phẩm đẹp mắt, tươi vui và nhiều năng lượng.
Dù các bức tranh anh vẽ chỉ là một con thạch sùng bám trên tường, một con vịt được miêu tả cận cảnh nhưng khi treo tác phẩm lên tường, chủ nhân của bức tranh luôn cảm thấy một nguồn vui sống tràn đầy. Cách quảng bá sản phẩm của Nguyễn Đình Hoàng Việt cũng hết sức đơn giản, chỉ bằng cách đưa tranh lên facebook thế mà vô cùng hiệu quả. Khách hàng ở tận các nước xa xôi cũng bình luận thích thú rồi bày tỏ ý muốn có được trong tay tác phẩm thú vị ấy.
Nằm trong số ít các họa sỹ chuyên vẽ về động vật, Nguyễn Đình Hoàng Việt lựa chọn phong cách miêu tả hiện thực, tả kỹ tới từng chân tơ kẽ tóc. Các bức tranh của anh mang thông điệp về tình yêu cuộc sống và có tính suy tưởng rõ ràng. Cơ duyên đưa Hoàng Việt đến với dòng tranh này bắt đầu từ cá tính trầm lắng, sống thiên về nội tâm của anh.
Thậm chí, Hoàng Việt còn thấy mình giống như một đứa trẻ tự kỷ khi có thể ngồi trong nhà cả ngày mà không có nhu cầu giao tiếp hay đàm luận với bất kỳ ai. Chính những lúc quanh quẩn trong bốn bức tường, họa sỹ trẻ này đã tìm thấy những đề tài gần gũi với cuộc sống của cậu.
Những con nhện, con thạch sùng, con gián đã đưa Hoàng Việt đến với ý định sẽ vẽ về chúng nhưng bổ sung, gia giảm tinh thần của người trẻ. Sử dụng hiện thực như một công cụ để bày tỏ quan điểm cá nhân, Hoàng Việt đã hướng về cuộc sống tốt đẹp từ những con vật nhỏ bé mà cuộc sống bận rộn đã khiến con người ít có thời gian suy ngẫm và quan sát.
Vẽ tranh vì muốn được chia sẻ quan điểm cá nhân
Chọn góc nhìn nhẹ nhàng, Hoàng Việt từ tốn và trau chuốt trong từng nét cọ. Không cao siêu về ý tưởng và cũng không đặt vật chất lên hàng đầu, Hoàng Việt vẽ chậm rãi, thong thả, một năm cậu chỉ vẽ được 25 đến 30 bức.
Các nhà sưu tập biết tiếng Nguyễn Đình Hoàng Việt vẽ đẹp, đã tìm đến mua tranh và đặt hàng tác phẩm theo yêu cầu nhưng họa sỹ này đều một mực từ chối. Bởi theo Hoàng Việt, nếu vẽ tranh vì tiền thì cậu không có động lực để sáng tác.
Điều duy nhất khiến Hoàng Việt ngồi trước toan chỉ là mong muốn được chia sẻ với người xem quan điểm, suy nghĩ của cá nhân cũng như niềm yêu thích, cái nhìn trước các vấn đề cuộc sống. Hơn thế, Nguyễn Đình Hoàng Việt còn cho rằng, họa sỹ trẻ nên biết giữ gìn tên tuổi và làm việc một cách thận trọng. Nếu chạy theo lợi nhuận để vẽ ẩu, vẽ theo yêu cầu thì biết đâu trong vài năm tới, họa sỹ bỗng trở nên nổi tiếng, người ta sẽ đưa ra các tác phẩm “dối trá”, ảnh hưởng đến thương hiệu.
Tốt nghiệp khoa Mỹ thuật ứng dụng, Đại học Nghệ thuật Huế nhưng Nguyễn Đình Hoàng Việt lại không thích công việc thiết kế và đã lựa chọn trở thành họa sỹ tự do. Tuy vậy, những mảng miếng đồ họa đã theo anh trong suốt những năm tháng học đại học lại giúp Hoàng Việt có cái nhìn chuẩn xác, tỉ mỉ khi chuyển sang lĩnh vực hội họa.
Thậm chí, những kiến thức ấy còn giúp cho anh có cái nhìn hiện đại trong loạt tranh về động vật. Tuy nhiên, để tạo nên dòng tranh khẳng định tên tuổi của mình, chàng họa sỹ đến từ cố đô Huế còn biết tinh lọc tinh thần trong hội họa của các họa sỹ quốc tế như tính hài hòa, cách dùng màu giàu có của họa sỹ Lucian Freud (Đức) chuyên vẽ tranh khỏa thân hay cách vẽ đầy năng lượng của họa sỹ Cui Guotai (Trung Quốc) khi vẽ về các phế tích chiến tranh. Quan trọng nhất, Hoàng Việt đã thể hiện được cái tôi ở một dòng tranh mang nhiều thông điệp về vấn đề môi trường.
Không ngại thay đổi và dám dấn thân
Kiệm lời, dễ gần nhưng khó hòa đồng, Nguyễn Đình Hoàng Việt thường ngần ngại đứng trước đám đông. Bởi những lúc như thế, chàng họa sỹ này phải gồng mình lên, không còn đúng với con người thật. Hoàng Việt thích những gì đến tự nhiên, thật nhất và không phô trương.
Chẳng thế, ngày 5-11 tại Manzi art space, số 41 Phan Huy Ích, Nguyễn Đình Hoàng Việt có cuộc triển lãm tranh động vật lần thứ hai mang tên “?!” nhưng anh đã ráo trước rằng, sẽ không có bài phát biểu nào trong ngày khai mạc. Những người muốn trao đổi hay bàn luận thêm về nghệ thuật sẽ luôn nhận được sự tiếp đón nồng hậu của Hoàng Việt.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 6-12-2016. Cuộc triển lãm lần này cũng chốt lại một dòng tranh yêu thích của cậu. Rất có thể, trong thời gian tới, chàng họa sỹ xứ Huế sẽ “đoạn tuyệt” với những những con vật nhỏ bé để chuyển sang thử sức trong một dòng tranh mới.
Hoàng Việt không muốn đóng khung sự sáng tạo của mình trong loạt tranh cố định. Còn trẻ và ưa khám phá nên cây bút này muốn thử sức nhiều hơn và khẳng định tài năng ở nhiều đề tài khác nhau. Bởi theo cách Hoàng Việt nhìn nhận, một họa sỹ thành danh cần có một quá trình tích lũy và xây dựng tên tuổi. Nhưng cứ ngoài 40 tuổi, hầu hết các họa sỹ đều rất ngại thay đổi khi họ đã tạo lập một dòng tranh gắn liền với thương hiệu của mình.
Do vậy, Hoàng Việt không muốn lặp lại điều này. Cậu dám thay đổi và không ngại dấn thân, dẫu biết rằng nhiều chông gai đang chờ đón trước mắt và rất nhiều điều ngộ nhỡ sẽ xảy ra khi một họa sỹ từ bỏ dòng tranh đang rất thành công để đến với một dòng tranh khác. Và vấn đề của Hoàng Việt nằm ở câu hỏi muôn thuở trong hội họa rằng: liệu họa sỹ có thể tự chọn cho mình phong cách vẽ hay phong cách sẽ tự tìm đến với mình? Bản thân Hoàng Việt cho rằng, mình có thiên hướng thuận theo tự nhiên nhiều hơn và sự cố gắng rồi sẽ được đền đáp, còn khả năng tiến bước được bao xa là tùy thuộc vào năng lực cá nhân.