Hoa Tết đắt hàng, nông dân Tích Giang phấn khởi
Những ngày cận Tết, các nhà vườn ở làng hoa, cây cảnh Tích Giang (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) luôn nhộn nhịp khách đến mua hoa. Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa phát triển tốt, sức mua tăng mạnh, nhiều loại hoa đã 'cháy hàng' nên nông dân rất phấn khởi.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 35km về phía Tây, làng hoa, cây cảnh Tích Giang (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) là 1 trong những “vựa hoa” lớn của thủ đô. Người dân Tích Giang trồng đa dạng các loại hoa, trong đó nổi bật là hoa chậu, hoa giỏ treo và hoa trải thảm, với hàng trăm giống khác nhau như dạ yến thảo, kim ngân lượng, xác pháo, đồng tiền, ngọc thảo… cùng những loài hoa quý như lan hồ điệp, địa lan, trà, thủy tiên… Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nội thành Hà Nội, các sản phẩm hoa tại đây còn được phân phối đến nhiều tỉnh, thành lân cận, phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Nông dân thắng lớn vụ hoa Tết
Đến với làng hoa Tích Giang những ngày này, không khí trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Xe chở hoa tấp nập ra vào, mang theo sắc vàng của hoa cúc, sắc hồng của hoa ly, cùng những gam màu rực rỡ của hoa hồng và hoa đồng tiền. Không gian 2 bên của trục đường chính dẫn vào làng được các nhà vườn tận dụng để trưng bày những loại hoa đẹp nhất, dễ dàng thu hút sự chú ý của người mua.
Vụ hoa Tết này, bà Khuất Thị Chắt (sinh năm 1956) - chủ nhà vườn Đức Vân trồng hơn 5.000 chậu hoa gồm các loại như: Dạ yến thảo, ngọc thảo, cúc Hàn Quốc, cúc đại đóa, cúc pha lê, cẩm tú mai, thu hải đường, thược dược, xác pháo... trên diện tích 3.300m2. Bà Chắt cho biết, đến nay, gia đình đã bán được 80% số hoa chuẩn bị cho Tết.
Nếu như năm trước, khách đến mua hoa chủ yếu vào các ngày 27, 28, 29 Tết, thì năm nay, người mua đến sớm với số lượng đông hơn. “Vào những đợt cao điểm này, một ngày của tôi thường bắt đầu từ 4-5 giờ sáng và kéo dài đến tận tối, thậm chí có khi tôi bán cả đêm”, bà Khuất Thị Chắt vui mừng chia sẻ.
Chị Khuất Thị Nga (47 tuổi, sống tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) - một khách hàng mua hoa tại nhà bà Chắt chia sẻ: “Mỗi năm tôi đều đến đây chọn hoa Tết vì hoa ở đây không chỉ đẹp, đa dạng mà giá cả còn hợp lý. Năm nay tôi thấy không khí mua bán ở đây tấp nập hơn hẳn mọi năm, hoa hết cũng nhanh hơn”.
Cách đó không xa, nhà vườn Hùng Dung cũng nhộn nhịp từ sáng đến tối muộn. Ông Khuất Văn Hùng (sinh năm 1966), chủ vườn, cho biết, hiện tại, gia đình đang sở hữu gần 5.000m2 vườn, với hơn 2.000 chậu hoa thược dược, 1.000 chậu cúc các loại, cùng nhiều giống hoa khác như nhài nhật, lan hồ điệp, quất, đào,... được trồng từ hơn 4 tháng trước.
“Năm nay, thời tiết thuận lợi, đặc biệt không có sương muối; kết hợp với sự chăm sóc tỉ mỉ các chủ vườn nên chất lượng hoa đồng đều và đẹp hơn hẳn các năm trước. Cùng với đó, giá cả lại ổn định, nên sức tiêu thụ hoa rất tốt”, ông Hùng phấn khởi. Để đáp ứng nhu cầu mua hoa cao, ngoài các loại hoa tự trồng, gia đình ông còn nhập thêm hoa cúc mâm xôi từ các nhà vườn miền Nam về bán, kiếm thêm thu nhập.
Chị Khuất Thị Phương (sinh năm 1976), chủ vườn hoa Thanh Phương - 1 trong những hộ trồng hoa lớn ở làng hoa, cây cảnh Tích Giang hào hứng cho biết, gia đình chị trồng hơn 20 loại hoa như: Đồng tiền, cúc, thược dược, ly… với số lượng mỗi loại từ 1 vạn cây trở lên. Đến thời điểm này, khoảng 50-60% sản lượng hoa Tết của gia đình đã được tiêu thụ. “Mua trực tiếp tại vườn sẽ rẻ hơn khoảng 30% so với bên ngoài, lại đa dạng loại hoa để thoải mái lựa chọn, nên ngày càng nhiều người tìm đến vườn hoa để mua”, chị Phương chia sẻ.
Bên cạnh vườn của chị Phương là nhà vườn Tú Trang của anh Kiều Thanh Tú (sinh năm 1994) với diện tích hơn 1.000m2. Tất bật gieo giống cho vụ hè, anh Tú hớn hở: “Hoa Tết ở vườn tôi đã được các thương lái ở huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội)... đặt từ sớm, tôi chỉ giữ lại một số ít để bán lẻ tại vườn. Vì vậy hiện nay, hoa vụ xuân gần như đã bán hết”.
Theo anh Tú, để đảm bảo chất lượng hoa khi giao cho thương lái, người trồng cần áp dụng các kỹ thuật chăm sóc phù hợp. Đối với vụ xuân, chủ vườn cần phun thuốc nấm đều đặn để phòng ngừa nấm phát sinh, bởi thời tiết mùa này là điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển. Ngoài ra, cứ 10 ngày phải tưới phân cho hoa 1 lần thay vì tưới hằng ngày để tránh cây bị xót và chết. Đặc biệt, với hoa cúc Hàn Quốc, anh dùng lưới điện để ngăn hoa nở sớm, đảm bảo hoa ra đúng vào dịp Tết.
Phát triển mạnh mẽ nhờ danh hiệu “Làng nghề hoa cây cảnh”, nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang”
Ngày 20-12-2024, xã Tích Giang (nay là xã Tích Lộc) được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4413/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang” và Quyết định số 5346/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề hoa cây cảnh Tích Giang” đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Những danh hiệu này không chỉ khẳng định uy tín của làng hoa mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc kết nối với các thị trường rộng lớn hơn. “Đây chính là yếu tố quan trọng giúp làng hoa, cây cảnh Tích Giang được biết đến rộng rãi, tạo nên không khí sôi động cho mùa mua bán hoa Tết năm nay”, ông Kiều Bình Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Lộc nhấn mạnh.
Với gần 200ha chuyên canh hoa, làng hoa, cây cảnh Tích Giang (xã Tích Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã và đang là một trong những vùng trồng hoa lớn nhất Thủ đô. Mô hình trồng hoa ly và loa kèn mang lại thu nhập từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng/ha; mô hình hoa cúc cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha; trong khi đó, các loại hoa thảm và hoa trang trí có thể đạt từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/ha chỉ trong vòng 3 tháng.
Ông Kiều Bình Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Lộc, cho biết trong dịp Tết năm nay, nhiều nhà vườn thu được từ 100 đến 300 triệu đồng, thậm chí một số hộ có thể thu từ 1 đến 3 tỷ đồng. Như vậy, trên vùng trồng hoa, thu nhập bình quân đạt từ 700-900 triệu đồng/ha. “Định hướng của địa phương là tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh, đồng thời thúc đẩy xây dựng mô hình du lịch nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để làng nghề hoa, cây cảnh Tích Giang phát triển bền vững”, ông Thanh chia sẻ.