Quân đội Nga sắp tới sẽ đưa vào biên chế 2 tổ hợp phun lửa hạng nặng thế hệ mới mang tên Tosochka và Solntsepek để từng bước thay thế cho TOS-1 Buratino.
Tổng công trình sư Nicholas Makarovets của công ty phát triển sản phẩm - liên hiệp nghiên cứu - sản xuất SPLAV (thành viên của Rostec) cho biết tổ hợp Tosochka vẫn sử dụng khung gầm xe tăng T-72 nhưng Solntsepek lại đặt trên xe thiết giáp bánh hơi.
Các nhà phát triển cho biết thiết kế như vậy là đã có tính đến kinh nghiệm hoạt động của các hệ thống phun lửa đặt trên khung gầm bánh xích trong điều kiện sa mạc như tại Syria và Iraq.
Việc Nga sử dụng khung gầm bánh hơi cho tổ hợp Sontsepek được cho là khá khó hiểu, nhưng điều này đã được Tổng giám đốc tập đoàn Techmash, ông Vladimir Lepin giải đáp rõ.
Ông Vladimir Lepin cho biết trên khu vực chiến trường xen lẫn địch - ta theo kiểu “da báo”, các phương tiện sử dụng khung gầm bánh xích không đảm bảo độ cơ động trong chiến đấu.
Xe bánh xích yêu cầu phải được vận chuyển thông qua phương tiện đặc chủng, gây hạn chế trong khai thác sử dụng cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của chiến trường.
Bên cạnh đó việc phải huy động thêm nhiều nhiều phương tiện vận tải sẽ gây ra mức độ cồng kềnh lớn, khiến nguy cơ bị tấn công phục kích bằng phương tiện nổ tự chế và máy bay không người lái vũ trang là rất cao.
Chính vì vậy các nhà thiết kế đã chế tạo ra Solntsepek sử dụng khung gầm xe thiết giáp bánh hơi cho mục đích trên, còn Tosochka vẫn đặt trên khung xe tăng T-72 để triển khai cho chiến trường quy ước phân định rõ giới tuyến.
Dựa trên khung gầm mới, có thể dự đoán rằng hệ thống phun lửa hạng nặng thế hệ tiếp theo của Nga sẽ vừa có tầm bắn xa như pháo phản lực thông thường trong khi uy lực vẫn được giữ nguyên và không có sự thay đổi lớn.
Tosochka và Solntsepek nhiều khả năng sẽ có giàn phóng tương tự nhau, được trang bị các loại đạn nhiệt áp có kích thước lớn hơn TOS-1A Buratino nhằm mục đích vừa nâng cao tầm bắn lại tăng cường cả uy lực.
Nhà phát triển còn cho biết hai tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp Tosochka và Solntsepek đã ở trạng thái hoàn thiện, sẵn sàng sản xuất hàng loạt chứ không phải là mẫu chế thử nữa.
Tại cuộc tập trận chiến lược Tsentr 2019 vừa kết thúc, tiểu đoàn đầu tiên của quân đội Nga trang bị hệ thống Solntsepek đã có màn thể hiện hết sức ấn tượng.
Thiếu tướng Valery Vasiliev - chỉ huy lực lượng phòng thủ bức xạ, hóa học và sinh học (RCB) thuộc quân khu trung tâm cho biết, tiểu đoàn Solntsepek đã được chỉ định phối hợp cùng sư đoàn xe tăng trên hướng tấn công chính.
"Việc kiểm soát khách quan khu vực tác chiến, bao gồm phá hủy vũ khí và trang thiết bị quân sự của kẻ thù bao gồm cả thiết giáp, cho thấy tiểu đoàn phun lửa hạng nặng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ định".
"Phân tích chi tiết về hiệu quả của việc sử dụng Solntsepek vẫn cần được thực hiện, nhưng bây giờ chúng tôi có thể tự tin nói rằng hỏa lực đã tăng ít nhất ba lần," Thiếu tướng Vasiliev hồ hởi cho biết.
Như vậy hệ thống vũ khí mới này đã hoàn thành tốt yêu cầu thiết kế đề ra, có lẽ hình ảnh thực tế của tổ hợp phun lửa hạng nặng trên khung gầm xe thiết giáp bánh hơi này sẽ sớm được công bố trong tương lai gần.
Việt Dũng