Hoa thảo mưa và ký ức xuyên thời gian
Năm 2005, một số nhà văn tổ chức triển lãm mang tên 'Nhà văn vẽ'' tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm lúc đầu dự định chỉ có bốn nhà văn tham gia là nhà văn Đoàn Lê, nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, nhà thơ Trần Nhương và nhà văn Hoàng Minh Tường.
Các nhà văn không thích con số 4 và họ săn lùng thêm một nhà văn vẽ nữa. Một ngày, nhà văn Hoàng Minh Tường phát hiện những móng tay tôi dính màu và ông biết tôi đang vẽ. Ông ép tôi phải tham gia triển lãm. Thú thực lúc đó tôi vừa mới cầm cọ vẽ như một đứa trẻ được 5 tháng.
Bởi thế, tôi kiên quyết chối từ lời mời của các nhà văn tham gia triển lãm vì không bao giờ tôi nghĩ tôi lại vẽ tranh và lại còn triển lãm ở một không gian trang trọng đến vậy. Hơn nữa tôi mới vẽ nên không thể liều lĩnh như thế đối với một việc cần phải vô cùng nghiêm túc. Nhưng cuối cùng, tôi đã phải nhận lời.
Tôi đến với hội họa thật tình cờ. Năm 2005, dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận, Giải thưởng Hội Nhà văn 2018 cho tập thơ dịch Tương lai được viết trên đá cổ của nhà thơ Fernando Rendón (Colombia), người vừa mới mất cách đây ít ngày vì bệnh tim ở tuổi 57, gửi màu và toan ở nhà tôi.
Một buổi trưa, tôi lấy một tuýp màu vàng và bóp lên toan. Một dải vàng rực rỡ hiện lên và thống trị cảm xúc tôi. Và tôi đã lao vào hội họa như bị ma nhập với màu vàng là màu chủ đạo trong gần hết mọi bức tranh.
Ngày cuối cùng phải chuyển tranh ra bảo tàng, tôi thấy còn một tờ giấy và một chiếc khung. Thế là ngồi xuống và vẽ một bức hoa bằng chất liệu acrylic và đặt tên bức tranh là "hoa Thảo mưa". Acrylic là một chất liệu rất nhanh khô nên tôi chỉ vẽ trong một tiếng. Tôi cho tranh vào khung và mang đến triển lãm.
Ngay ngày đầu khai mạc triển lãm, bức tranh được nhiều người chú ý và bán ngay trong buổi sáng khai mạc. Người mua tranh và nhiều người xem hỏi tôi hoa Thảo mưa là hoa gì. Tôi đã nói cho họ về loài hoa này nhưng luôn nhấn mạnh rằng đó là loài hoa tôi cảm thấy chứ chưa bao giờ nghe nói tới.
Trước đó mấy năm, hoa Thảo mưa là loài hoa tôi viết trong truyện ngắn "bầu trời của người cha''. Đó là loài hoa ẩn trong các vách đá cao và chỉ khi gặp hơi mưa thì mới nở. Trong truyện ngắn này, bên cạnh hoa Thảo mưa là loài chim có tên Tao linh. Tao linh là loài chim chỉ ăn ánh trăng và ngủ trên những đám mây. Cả hoa Thảo mưa và chim Tao linh chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Hơn nữa, loài hoa ấy và loài chim ấy luôn ám ảnh tôi như tôi đang ở trong khu vườn nhà mình, nơi có loài hoa ấy và loài chim ấy.
Sau này, trong cuốn sách Thế giới không kết thúc của nhà thơ danh tiếng Mỹ, Charles Simic, tôi thấy ông viết về một tộc người sống ẩn trong những cánh rừng bên bờ sông Amaron. Tộc người này không có miệng vì họ chỉ ngửi hương thơm của hoa rừng mà sống.
Tôi nghĩ, tộc người đó chỉ là trí tưởng tượng của nhà văn mà thôi. Nhưng đến một ngày, người mua bức hoa Thảo mưa của tôi là anh Khải, đại diện cho văn phòng công nghiệp nặng của Đức tại Việt Nam đã gọi cho tôi. Anh Khải bàng hoàng thông báo với tôi đêm trước đó anh đã xem một chương trình của truyền hình Đức giống chương trình khám phá địa cầu hay Discovery bây giờ.
Chương trình đó nói về một loài hoa ở Tây Tạng như loài hoa tôi vẽ và bán cho anh Khải. Anh Khải hỏi tôi có phải tôi đã đọc hay xem về loài hoa này trước khi vẽ không. Tôi hoàn toàn không biết gì về loài hoa đó. Khi viết truyện ngắn Bầu trời của người cha và khi đứng trước toan, một hình ảnh nào đó của loài hoa Thảo mưa hiện lên và ám ảnh tôi. Và tôi đã vẽ.
Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội cách đây chừng 20 năm, tôi đã trả lời về quan niệm sáng tạo nghệ thuật: "Nghệ thuật là làm sống lại những gì đã chết và làm mới lại những gì đã cũ" và mọi sáng tạo của chúng ta chỉ là phục hồi những ký ức vô tận của không gian và thời gian mà thôi.
Nghĩa là mọi điều ta nói đến cả trí tưởng tượng điên rồ nhất cũng không bao giờ vượt qua được đời sống. Tôi hoàn toàn tin hoa Thảo mưa là có thật, tộc người chỉ sống bằng ngửi hương thơm của hoa là có thật, loài chim Tao linh chỉ ăn ánh trăng và ngủ trên những đám mây là có thật…
Dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận vừa mất là người mà một thời bị tôi thường xuyên nghi ngờ về tính xác thực các câu chuyện anh kể. Một lần, anh say đắm nói cho tôi về chuyến đi của anh tới Tây Tạng cho dù tôi biết mười mơi anh chưa hề tới đó.
Anh kể chi tiết từng bậc đá của một ngôi đền anh đã bước lên chúng mòn ở chỗ nào, rêu phủ ở chỗ nào… và từng bữa ăn của các nhà sư mời anh với những hương vị cụ thể. Tôi tin một cách chắc chắn rằng anh chưa đến đó bằng thân xác anh nhưng lại tin tuyệt đối rằng anh đã đến đó bằng một con đường nào đó: bằng một giấc mơ, bằng sự cảm nhận như một phép thiền hay bằng việc phục hồi những ký ức của anh từ vô định thời gian
Ký ức của chúng ta là vô tận. Đức Phật nói mỗi chúng ta đều đã sống qua vô lượng kiếp. Chúng ta thực sự đã đi qua những vùng đất ấy nhiều lần trong những sự hiện diện bằng thân xác của chúng ta trước kia nhưng chúng ta đã lãng quên bởi một lý do nào đấy.
Nhưng bất chợt một ngày nào đó ký ức chúng ta được phục hồi có thể chỉ trong khoảnh khắc nhanh hơn một cái chớp mắt hoặc nhanh hơn một hơi thở và chúng ta nhớ ra những gì chúng ta đã từng làm, từng đến… của một ngàn, một vạn hay một triệu năm trước.
Có những buổi tối mùa đông, trong phòng khách nhà mình, tôi ngồi bên lò sưởi và có lúc cảm giác có rất nhiều người đang ở cạnh tôi, nhiều giọng nói vang lên trong căn phòng. Đấy không phải là ảo giác, không phải dấu hiệu của bệnh tâm thần… mà đó là sự thật. Chúng ta sống khoảng 80 năm hoặc 100 năm trong cuộc đời. Đó chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn ngủi so với toàn bộ đời sống có trên thế gian này.
Và trước đó một ngàn năm, một triệu năm hay một tỷ năm, cái mảnh đất tôi đang ngồi hay nói rộng hơn là cái không gian tôi đang hiện diện lúc này cũng là không gian mà triệu triệu sinh linh đã hiện diện trước đó.
Rồi một ngàn hay một triệu năm sau sẽ có người khác dựng một ngôi nhà trong chính cái không gian mà tôi đã xây ngôi nhà hiện nay và đến một ngày họ có thể nghe thấy giọng nói tôi vang lên trong ngôi nhà họ. Hoặc chính tôi của một triệu năm sau nghe lại giọng nói của chính tôi của một triệu năm trước.
Hồi mới làm thơ, tôi có viết một bài thơ về những con đò sông Đáy. Bài thơ có những câu thơ viết về một người cô ruột chết trẻ năm 16 tuổi. Sau đó ít năm, tôi đã xóa những câu thơ đó đi vì thấy rằng không nên viết về một con người không có thật trong gia đình mình. Nhưng khi in bài thơ đó tôi lại lấy lại những câu thơ về cô ruột tôi. Rồi tôi lại áy náy và xóa, rồi lại lấy lại.
Cho đến một ngày sau khi cha tôi về hưu, ông làm một mâm cơm để cúng một người trong gia đình và nói hơn bốn mươi năm đi công tác xa nhà ông không làm được. Lúc đó, anh chị em tôi mới biết người mà cha tôi làm giỗ là chị ruột cha tôi. Bà mất năm 16 tuổi. Tôi thực sự kinh hãi khi biết chuyện này.
Có một điều tôi nói thêm là ở quê tôi trước kia chị hay em gái của bố đề gọi là cô và anh hay em trai của mẹ đều gọi là cậu. Vì thế khi tôi viết "cô ruột tôi'' thì đó chính là chị gái cha tôi. Hóa ra, tôi không viết những câu thơ về người cô ruột đã mất khi còn rất trẻ bằng trí tưởng tượng mà bằng một hình thức của ký ức xuyên thời gian mà tôi hay chúng ta không dễ dàng lý giải.
Từ nhiều thế kỷ trước, các nhà văn đã viết ra những tác phẩm mà chúng ta gọi là truyện viễn tưởng. Khi đọc những tác phẩm đó, bạn đọc ngày ấy chẳng bao giờ tin con người có thể bay lên chín tầng mây, có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau trong khoảng cách hàng vạn dặm…Nhưng tất cả những ''trí tưởng tượng kinh hãi'' ấy và đôi khi bị người đương thời gán cho là những ý nghĩ của quỷ lại trở thành sự thật của chúng ta hiện nay.
Còn tôi nghĩ, không phải những câu chuyện "viễn tưởng" ấy gợi mở sự sáng tạo cho chúng ta hay khoa học của chúng ta phát triển mà con người chúng ta đã phục hồi ký ức bằng muôn vàn cách để tái hiện lại toàn bộ những gì đã có.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/hoa-thao-mua-va-ky-uc-xuyen-thoi-gian-557352/