'Hoa tiêu' giữa đại ngàn
Tôi muốn dùng từ 'hoa tiêu' để chỉ những con người quanh năm quen với công việc tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi mà nhiệm vụ của họ không khác bao nhiêu những người dẫn đường trên biển. Khác chăng là 'hoa tiêu' ở Vườn quốc gia này chuyên dẫn đường cho những du khách muốn chinh phục một chặng đường rừng núi, một đỉnh núi, một con thác...
Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Trung tâm) của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có 6 “hoa tiêu” chuyên nghiệp, làm nhiệm vụ dẫn đường cho khách chinh phục 3 tuyến đường chính: Tuyến đường khoảng 29 km lên đỉnh Bidoup - Núi Bà; tuyến thác Thiên Thai; tuyến du lịch sinh thái, hoạt động kỹ năng sống; ngoài ra cũng có các hoạt động khác như ngắm chim, chụp ảnh... Cái chung ở họ có thể nói là cần phải biết tỉ mỉ về địa hình, địa vực và tất cả những nguy hiểm trên đường, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Ông Phạm Xuân Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu khái quát về các tuyến: Tùy theo nhu cầu của khách du lịch mà họ đã đặt tuyến mà mình đề ra phương án cụ thể để dẫn đường. Mỗi tuyến du lịch chinh phục đều có những yêu cầu và đối tượng phục vụ cụ thể. Ví dụ như tuyến đường đi bộ chinh phục đỉnh Bidoup - Núi Bà có lộ trình khoảng 29 km, với lộ trình này yêu cầu những người muốn chinh phục phải có sức khỏe tốt và kỹ năng cơ bản để trèo đèo, lội suối. Tuyến thác Thiên Thai thì gần hơn nên yêu cầu cũng giảm xuống; chủ yếu là phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu học tập. Còn du lịch sinh thái, hoạt động kỹ năng sống thì phục vụ chủ yếu cho khách du lịch là các gia đình, trẻ em...
Đó là một số yêu cầu về khách, còn về những “hoa tiêu” giữa rừng thì yêu cầu để đáp ứng công việc là khá cao. Đầu tiên là chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, chuyên môn về trình độ ngoại ngữ, về y tế (thực hành sơ cứu), kiến thức tổng quát về Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và điều rất cần thiết đó chính là tình trạng sức khỏe phải tốt.
Hoàng Bảo Duy (sinh năm 1992) là một trong những “hoa tiêu” năng nổ tại Trung tâm. Anh tâm sự rằng làm dẫn đường cho khách đối với anh như là một nghề và nghiệp. Chuyến đi nào cũng là những kỷ niệm khó quên nhưng điều thú vị đọng lại trong anh là được giới thiệu và cùng trải nghiệm với du khách về thiên nhiên hoang dã của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, được giao lưu cùng bạn bè bốn phương. Qua đó, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên hoang dã không chỉ với người trong nước mà còn nhiều đối tượng là người nước ngoài. Nhà ở TP Đà Lạt, mỗi khi về chốn phố thị thì anh Hoàng Bảo Duy lại nhớ rừng, lại nhớ những cảnh vật ban sơ như buổi ban đầu. Điều đó càng thôi thúc anh với nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến rừng rú đó chính là phải cùng nhau chung sức giữ những cánh rừng nguyên sinh mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Một “hoa tiêu” khác, người bản địa chính gốc, sinh ra trên mảnh đất xã Đạ Nhim (Lạc Dương), sống giữa bốn bề rừng xanh núi thẳm đó là Kơ Sa En Luy. Nghe anh kể về bản thân, tự nhiên tôi mường tượng theo lời thơ: Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi/Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể (*). Có thể nói, khi Kơ Sa En Luy (sinh năm 1990) sinh ra khi Bidoup - Núi Bà đã có rồi. Và, Bidoup - Núi Bà có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ Kơ Sa En Luy thường hay kể.
Họ thường kể cho Kơ Sa En Luy về cuộc sống của cha ông ngày xưa, sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên như một đấng tối cao, xem thiên nhiên là mẹ. Chính vì vậy họ cố công bảo vệ, nhất thiết không để ai xâm phạm tới rừng xanh, phá đi vẻ hoang vu của núi thẳm. Thấm nhuần những triết lý tốt đẹp của cha ông, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt anh Kơ Sa En Luy trở về địa phương công tác, với niềm hân hoan được góp một phần công sức bé nhỏ của mình để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông nơi miệt Nam Tây nguyên.
Kơ Sa En Luy có vẻ bề ngoài đậm chất núi rừng, nước da rám nắng, chân tay rắn rỏi minh chứng cho những tháng ngày lặn lội chốn rừng xanh từ thời niên thiếu của anh. Điều thuận lợi được anh chia sẻ trong việc làm “hoa tiêu” chính là nơi đây, nơi chốn Bidoup - Núi Bà là nơi anh sinh ra và lớn lên. Ngoài ra, trong quá trình học tập chuyên ngành chính của anh là tiếng Anh nên người “hoa tiêu” này rất vững vàng khi giao tiếp và truyền tải kiến thức về những chuyến đi, những điều du khách cần thưởng thức về Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Theo anh nhận định, trong nghề nghiệp này mình có cái duyên vì hình như nghề nó vận vào mình, nó chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Có một tí duyên với nghề, với núi rừng nên mỗi chuyến đi rừng anh Kơ Sa En Luy luôn dành hết tâm nguyện để truyền tải kiến thức bao quát về Vườn quốc gia, về những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương nói riêng và Lâm Đồng nói chung đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Một đòi hỏi khác của công việc “hoa tiêu” giữa rừng chính là kỹ năng làm việc theo nhóm. Vì những chuyến đi xa, kéo dài từ 2 đến 3 ngày thì cá nhân một người không thể đảm nhiệm. Vì thế, đội “hoa tiêu” ở Trung tâm luôn tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong những chuyến đi để làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Có thể khẳng định tinh thần ấy như những cây thông trong Vườn quốc gia, vì một đặc điểm của cây thông chính là rễ của chúng có thể kết nối với nhau, tạo sự liên lạc, tương hỗ nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Công việc “hoa tiêu” giữa rừng đòi hỏi những con người có sức khỏe, có cơ bắp, có sự rắn rỏi để đảm bảo an toàn cho du khách, giúp đỡ du khách trong những tình huống bất ngờ. Nhưng chính nơi đây lại có những bóng hồng “hoa tiêu”. Họ cũng có thể trèo đèo, lội suối, cũng có thể làm bất cứ những công việc mà nam giới làm được và hơn hết đó chính là phát huy thế mạnh của “phái yếu” trong công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường sinh thái, về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên hoang dã.
Hai cô gái trẻ của Trung tâm là Phạm Thị Khuyên (sinh năm 1992) và Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1997) cũng là những “hoa tiêu” tràn đầy nhựa sống với những chuyến đi ngắn chừng 2 km đến 3 km, nhiệm vụ chủ yếu là giới thiệu, giáo dục cho các em học sinh, các bạn sinh viên về đa dạng sinh học, về các loại cây cối, về các loại muông thú và về Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. “Hoa tiêu” Phạm Thị Khuyên tâm sự: Khó khăn, vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe và luôn trau dồi kiến thức nhưng những điều đó lại là niềm vui để những bóng hồng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi kiến thức mà mình truyền tải đến các em học sinh, các bạn sinh viên chính là niềm vui khôn tả góp phần cho công cuộc bảo vệ những cánh rừng.
Dẫu biết, ai cũng phải cần và có một công việc để mưu sinh, nhưng công việc thầm lặng của những “hoa tiêu” giữa rừng càng ý nghĩa hơn khi họ giúp nhiều người hiểu ra rằng, bảo vệ thiên nhiên chính là cốt lõi để bảo vệ cuộc sống của con người.
(*): Bài thơ Đất nước - Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/201908/hoa-tieu-giua-dai-ngan-2960426/