'Hoa tiêu' giúp thanh thiếu niên ra khỏi con đường ma túy
Nhiều năm qua, chị Trần Thị Thi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hòa (An Minh, Kiên Giang), vẫn miệt mài đi tuyên truyền, vận động và chỉ lối cho nhiều thanh thiếu niên sa ngã làm lại cuộc đời mới. Chị là tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng chống ma túy.
Nhờ giọng nói nhẹ nhàng, phong thái chậm rãi và trái tim bao dung, chị Thi có ưu thế trong việc thuyết phục, tuyên truyền và kịp kéo nhiều em lầm đường lạc lối quay về với con đường lương thiện. Chị còn giúp nhiều em sau khi cai nghiện thành công trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, không tiếp tục tham gia mua bán, tiếp tay cho tội phạm ma túy. Điển hình như em N.T.T, em T. mù chữ, bị gia đình bỏ rơi. Vì thế, em sa vào con đường nghiện ngập ma túy năm 14 tuổi. Sau khi biết được hoàn cảnh của T., chị Thi đã phối hợp với địa phương gửi em vào trung tâm hỗ trợ học nghề. Hiện nay T. 22 tuổi, đã cai nghiện thành công và trở thành thợ mộc có tay nghề cao. T. còn quay lại giúp đỡ cho nhiều em khác có hoàn cảnh cũng tương tự.
Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, chị Thi đã phát hiện 16 em trên địa bàn có dấu hiệu dương tính với ma túy. Chị đã vận động gia đình đưa 2 em đến trại tập trung cai nghiện và 14 em quản lí tại gia đình. Theo chị Thi, các em có độ tuổi từ 14-18 tuổi, đây là độ tuổi "trẻ em chưa qua người lớn chưa tới", mỗi em mỗi tính cách, vậy nên việc tiếp cận, tuyên truyền luôn gặp nhiều khó khăn.
"Tôi tham gia hoạt động Hội phụ nữ từ năm 2013. Từ năm 2015 đến nay là phụ trách công tác phòng chống ma túy với HIV. Ở đây là vùng sâu vùng xa nên các hoạt động ma túy diễn ra nhiều. Nhiều gia đình trong xã có người thân liên quan đến ma túy vậy nên các em bị ảnh hưởng. Đa số, các em không được học hành đầy đủ nên dễ bị lôi kéo, rồi tiếp tay cho tội phạm. Việc đưa các em đi cai nghiện và vận động gia đình không khó bằng việc giúp các em tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều em sau khi cai nghiện về dễ mặc cảm, tự ti. Do đó, tôi luôn tìm cách tạo không khí sôi nổi, thường xuyên trao đổi hoặc tạo điều kiện cho các em chơi thể thao như bóngđá, bóng chuyền. Với các em nữ thì tạo điều kiện để học nghề may, bó chổi. Tạo công ăn việc làm cho các em để không thời gian rảnh rỗi mà quay lại đường cũ", chị Thi cho hay.
Nhớ lại thời gian đầu tham gia công tác phòng chống ma túy, chị Thi cho biết: "Ban đầu tôi cảm thấy bỡ ngỡ, băn khoăn. Tại vì mình chưa có nhiều kinh nghiệm xâm nhập, trao đổi với đối tượng cũng như tuyên truyền giáo dục thuyết phục. Lúc đầu thì cái gì cũng khó nhưng dần dần mình giúp được mấy em quay lại với con đường hoàn lương. Nhìn các em trưởng thành, tự tin tung cánh bước vào đời mà lòng tôi vui như hội, từ đó, tôi càng quyết tâm giúp đỡ cho các em. Nói chung tới giờ tôi vẫn thấy công việc này là vui nhiều hơn là nhọc".
Để phát hiện tuyên truyền vận động thanh thiếu niên đi cai nghiện, chị Thi thường xuyên nắm bắt thông tin từ các chi, tổ Hội. Chị tiếp xúc với mọi người bằng sự gần gũi, yêu thương chân thành nên trong quá trình đi vận động các chị em hội viên thường báo ngay nếu thấy trường hợp nghi ngờ.
Chị Thi chia sẻ: "Sau khi nắm bắt được thông tin, tôi sẽ lại gia đình thăm hỏi. Ban đầu mình chỉ tới thăm hỏi tình hình công việc, xem chị em làm ăn ra sao, rồi từ từ mình đi vào tuyên truyền hỏi các con như thế nào. Việc xác định các em có nghiện hay không là điều khó nhất. Tôi lựa chọn tiếp cận người mẹ trước, lân la tìm hiểu và hỏi các biểu hiện nghi ngờ. Tôi làm công tác tư tưởng để thuyết phục gia đình phối hợp với mình. Đối với trường hợp dễ thì mình đến 2 – 3 lần là gia đình hỗ trợ ngay. Còn khó thì đi 7-8 lần. Nói chung, tùy trường hợp mình phải linh hoạt xử lý và có cái khéo riêng của mình. Mình phải mềm dẻo động viên về mặt tinh thần và có niềm tin sẽ thuyết phục được các em. Một số trường hợp khó thì tôi phối hợp với Đoàn thanh niên, vận động gia đình đưa các em đi test nhanh. Em nào dương tính với ma túy thì mình kết hợp với công an xã đưa ra nhiều hướng xử lý. Nếu trường hợp mới nghiện, thì vận động gia đình cho em đó tự cai nghiện ở nhà, cho cam kết cai nghiện 1 tháng, nếu em đó có tiến triển tốt thì tiếp tục cho cai nghiện ở nhà. Nếu gia đình hỗ trợ không được thì mình sẽ đưa đi cai nghiện tập trung".
Có thể nói, những kết quả mà chị Thi đạt được không phải ngày một ngày hai, đó là thành quả của một quá trình miệt mài cống hiến, kiên trì, thầm lặng trong cuộc chiến đầy gian nan nhưng rất đỗi vinh quang. Chị là "hoa tiêu" cho những thanh thiếu niên vững bước trên hành trình tìm lại ý nghĩa cuộc sống.