Hoa tiêu trên 'con tàu' chuyển đổi số

Ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác.

Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch số ONEBANK của Nam A Bank Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch số ONEBANK của Nam A Bank Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

Sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số

Những ngày cuối năm, nhiều người tất bật ra vào cửa hàng tạp hóa của chị Phan Thị Thu Hiền ở phường 4, TP Tuy Hòa để mua hàng. Vì vậy, chị Hiền cũng luôn tay luôn chân buôn bán. Cuối ngày, vì không muốn giữ quá nhiều tiền mặt trong nhà, chị đem đến điểm giao dịch tự động của ngân hàng để nộp tiền vào tài khoản. Chị Hiền cho biết: “Ban đầu tôi cũng rất lo lắng, không biết làm như vậy có đảm bảo an toàn, tiền có được ghi nhận vào tài khoản của mình hay không. Nhưng qua một vài lần giao dịch, mọi việc đều thuận lợi nên tôi rất yên tâm”.

Theo chị Hiền, gia đình bán tạp hóa, thu tiền lẻ nhưng mỗi lần chuyển khoản mua hàng đều từ tiền triệu trở lên. Vì vậy, chị thường xuyên phải đến ngân hàng nộp tiền mặt vào tài khoản. Tuy nhiên, nhiều khi xong việc thì đã quá giờ hành chính, ngân hàng đóng cửa, chị không thể giao dịch. Từ ngày ngân hàng đưa vào hoạt động điểm giao dịch tự động có chức năng nộp tiền, chị bắt đầu thử và thấy rất tiện lợi.

“Tôi chủ yếu nộp tiền vào tài khoản rồi giao dịch qua app (ứng dụng) ngân hàng điện tử; từ thanh toán tiền hàng, nộp tiền điện, nước, internet, nộp học phí cho con hay nộp thuế, tôi đều thao tác được. Tôi cũng khuyến khích khách hàng chuyển khoản khi mua hàng hoặc quét mã QR mà ngân hàng trang bị cho cửa hàng chúng tôi để thanh toán mà không cần nhập số tài khoản”, chị Hiền chia sẻ.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra nhanh chóng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng. Nhờ vậy, khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ như mở tài khoản, thanh toán hóa đơn, mua vé tàu/xe/máy bay, đặt phòng khách sạn, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, nộp/rút tiền... hoàn toàn trên kênh số. Không riêng cá nhân hay hộ kinh doanh như chị Hiền, mà các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc này. Ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hồng Phúc cho biết: “Hiện 100% giao dịch như chi lương, thanh toán hóa đơn cho đối tác, xuất sao kê…, công ty đều thực hiện qua ứng dụng ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp. Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm được không ít thời gian, nhân lực và chi phí tài chính”.

Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Và không ngân hàng nào muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Theo ông Hà Minh Thanh Hoàng, Giám đốc Nam A Bank Phú Yên, hệ sinh thái số của Nam A Bank rất đa dạng, gồm Robot OPBA, Open Banking và ONEBANK… Việc khai trương chi nhánh Phú Yên vào cuối tháng 11/2022 góp phần giúp người dân tỉnh nhà tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ số hóa cao này. “Sau khi Nam A Bank Phú Yên đi vào hoạt động, chúng tôi đã mở ngay điểm giao dịch số ONEBANK nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu giao dịch của khách hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong tuần, kể cả dịp lễ, tết. Đặc biệt, tại ONEBANK, khách hàng có thể nộp/rút tiền từ tài khoản của tất cả ngân hàng ở Việt Nam. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ này trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng cho hay.

Với mạng lưới rộng, có mặt ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, Agribank Phú Yên cũng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giúp khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại. “Agribank Phú Yên đã trang bị nhiều máy ATM đa năng có chức năng nộp/rút tiền tự động tại TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, huyện Tuy An, giúp khách hàng chủ động giao dịch mà không cần đến quầy, kể cả ngoài giờ hành chính. Bên cạnh đó, Agribank Phú Yên còn tích cực trang bị mã QR cho các tiểu thương, hộ kinh doanh và triển khai thu hộ hóa đơn tiền điện, nước, viễn thông, học phí…, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương chung của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước”, ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết.

Theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế đang tiên phong chuyển đổi số. Trong quá trình này, ngân hàng luôn xem người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là mục tiêu, động lực; ngân hàng chuyển đổi số vì lợi ích của khách hàng. Đặc biệt, ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai hoạt động này; đồng thời tích cực truyền thông, quảng bá về lợi ích của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp…

Với nỗ lực của ngành Ngân hàng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022 tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Cụ thể, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt năm 2022 ước đạt 26,56 triệu món, tăng 114,53%; giá trị giao dịch ước đạt 299.300 tỉ đồng, tăng 47,2% so với năm 2021. Qua kênh điện thoại, số lượng giao dịch ước đạt 11,46 triệu món, tăng 170,5%; giá trị giao dịch 101.800 tỉ đồng, tăng gần 220,8% so với năm 2021. Qua kênh internet, số lượng giao dịch ước đạt 7,7 triệu món, tăng 293,76%; giá trị giao dịch ước đạt 24.200 tỉ đồng, tăng 1,22% so với năm 2021.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/292298/hoa-tieu-tren--con-tau--chuyen-doi-so.html