Hoài Đức, Hà Nội: Đất Cụm công nghiệp Dương Liễu bị 'xẻ thịt' để xây khu đô thị?
Suốt một thời gian dài, hàng loạt công trình giống biệt thự cao cấp tại các khu đô thị vô tư 'mọc' trên đất Cụm công nghiệp Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Nội).
Hàng loạt công trình "lạ" xuất hiện trong cụm công nghiệp
Ngày 03/01/2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề Dương Liễu (Cụm công nghiệp Dương Liễu, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) có quy mô 12,05ha.
Theo đó, dự án được giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương (Công ty Minh Dương) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.
Theo quy hoạch, Cụm công nghiệp Dương Liễu được phê duyệt 6,279 ha đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất; 2.228m2 đất xây văn phòng, trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề; đất hạ tầng kỹ thuật là 1.153m2, đất bãi đỗ xe là 1.440m2, đất cây xanh là 12.441m2, đất giao thông là 3,46 hecta.
Đáng chú ý, trong Quy hoạch Cụm công nghiệp Dương Liễu cũng không thể hiện có các ô đất để xây dựng nhà ở. Quy định về chiều cao các công trình sản xuất không quá 12m, không quá 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 70%.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm tháng 8/2022, bên cạnh những lô đất là xưởng sản xuất thực sự thì có nhiều công trình có kiến trúc rất "lạ" trông giống biệt thự cao cấp song lập, nhà ở cao tầng, nhà hàng kinh doanh, quán cà phê, nước giải khát tồn tại ngay trong cụm công nghiệp này.
Theo quan sát của phóng viên, mặc dù phía bên ngoài được ghi trên tấm bảng đề tên hộ kinh doanh, tên công ty, doanh nghiệp, địa chỉ và số điện thoại giao dịch. Tuy nhiên, những công trình trên được xây dựng với lối kiến trúc cao cấp, cánh cổng sơn son thiếp vàng và "tô điểm" với hàng cây cảnh và hòn non bộ đắt tiền. Phía bên trong những công trình này có máy bơm, xe máy, xe đạp trẻ em, ghế ngồi... giống như các hộ gia đình đang sinh sống chứ không giống khu văn phòng công ty hay nhà xưởng sản xuất.
Thậm chí, có những công trình còn ngang nhiên treo biển nhà hàng. Cụ thể là nhà hàng Hùng Béo. Phía bên trong có tủ lạnh cỡ lớn loại chuyên dụng cho nhà hàng, quán bia. Kèm theo đó là hàng loạt các loại nồi niêu, xoong chảo, rổ rá... Ngoài ra, có công trình còn trang bị máy ép nước mía và có cả ghế cho khách ngồi.
Cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa có nhà máy xử lý chất thải
Không chỉ có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch mà theo tìm hiểu được biết, cụm công nghiệp này phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 750 m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động hàng chục năm, Cụm công nghiệp Dương Liễu vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại thời điểm tháng 7/2022, gần như toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Dương Liễu có dấu hiệu đấu nối, xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung, cũng như hệ thống kênh mương trên địa bàn.
Để tìm hiểu, làm rõ thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hưng, Chủ tịch xã Dương Liễu đã có buổi làm việc với phóng viên. Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, theo quy hoạch, dự án Cụm công nghiệp Dương Liễu phải có khu xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư đã xin phép cơ quan có thẩm quyền được đấu nối hệ thống nước thải dẫn tới Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (thuộc quản lý của Công ty Phú Điền). Tuy nhiên, bản thân vị lãnh đạo xã này cũng không nắm rõ vị trí ống nước thải của Cụm công nghiệp Làng nghề Dương Liễu đấu nối tới Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà chính xác ở địa điểm nào?
Trong khi đó, những hộ dân ở địa phương khi biết tin Cụm công nghiệp Dương Liễu được triển khai đều rất vui mừng với hi vọng sẽ có khu sản xuất tập trung, tránh gây ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, hàng chục năm trôi qua, kể từ khi cụm công nghiệp này đi vào hoạt động thì nhà xưởng sản xuất thì ít mà những công trình giống biệt thự mọc lại lên san sát.
Không chỉ có vậy, theo tìm hiểu, giá thuê đất tại Cụm công nghiệp Dương Liễu với diện tích 300m2 đang được quảng cáo có giá 20 triệu đồng/tháng, giá bán từ 10-13 triệu đồng/m2.
Với mức giá cao như vậy khiến các hộ làm nghề sản xuất, chế biến của địa phương rất khó tiếp cận. Điều này cũng một phần nào lý giải cho việc các nhà xưởng xuất hiện tại đây khá ít so với tỷ lệ các công trình biệt thự, nhà hàng?
Chính quyền địa phương có "buông lỏng" quản lý?
Liên quan đến hàng loạt các công trình "lạ" trông giống biệt thự, nhà ở cao cao cấp xuất hiện trong Cụm công nghiệp Dương Liễu, ông Nguyễn Bá Hưng, Chủ tịch xã Dương Liễu cho rằng, nhìn các công trình này giống biệt thự nhưng lại không phải biệt thự hay nhà ở mà thực chất là trụ sở văn phòng giao dịch của các công ty.
Không những thế, ông Hưng còn cho biết, các công trình này đều được UBND huyện Hoài Đức cấp phép xây dựng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khi đề cập tới việc UBND xã có thực hiện kiểm tra, quản lý cũng như xử phạt các công trình có dấu hiệu xây dựng sai quy định hay không thì ông Hưng cho rằng việc này là trách nhiệm của UBND huyện Hoài Đức. Đồng thời, ông Hưng cho rằng: "UBND xã Dưỡng Liễu thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý của địa phương thì trong quá trình thực hiện, triển khai dự án thì thường xuyên phối hợp các cơ quan ban ngành chức năng của huyện để kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo chỉ đạo chung. UBND xã không lưu giữ bản đồ quy hoạch của cụm công nghiệp mà là do huyện và trực tiếp quản lý là chủ đầu tư".
Khi phóng viên đề nghị có thể cung cấp các văn bản kiểm tra thì ông Hưng cho rằng, xã chỉ là cơ quan phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện. Do đó, nhiều hồ sơ là do các cơ quan trên huyện lập và lưu giữ.
Trong khi đó, làm việc với Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, đơn vị được UBND huyện Hoài Đức giao trả lời thông tin của Báo Công Thương, ông Đinh Văn Âu, chuyên viên của Phòng Quản lý đô thị cho biết: Qua kiểm tra cũng đã phát hiện một số công trình có dấu hiệu sử dụng sai mục đích. Hiện UBND huyện Hoài Đức đã thành lập đoàn để kiểm tra để có cơ sở xử lý những vi phạm liên quan đến đất đai, môi trường tại Cụm công nghiệp Dương Liễu. Công tác kiểm tra đã thực hiện được mấy tháng nay, kết quả kiểm tra vẫn đang được tổng hợp.
Đoàn kiểm tra đã nắm bắt được một số công trình ở đó có sử dụng kinh doanh dịch vụ sai mục đích và yêu cầu UBND xã Dương Liễu thiết lập hồ sơ vi phạm để xử lý. Sau khi kiểm tra xong, ngoài việc xử phạt theo quy định buộc phải thực hiện theo đúng chức năng của cụm công nghiệp, những công trình cố tình vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo ông Âu, khu đất Cụm công nghiệp Dương Liễu không chỉ riêng chủ đầu tư mà còn có các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng. Tuy nhiên, về quy hoạch, kiến trúc và mục đích sử dụng thì vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Về mặt công tác quản lý, huyện chỉ quản lý chung, còn các Đội trật tự xây dựng và xã quản lý, giám sát trực tiếp.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý của Cụm công nghiệp Dương Liễu, ông Âu cho biết chưa tìm được và sẽ cung cấp sau.
Trước những câu trả lời của xã Dương Liễu và đại diện huyện Hoài Đức, dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao các cơ quan chức năng từ xã đến huyện thường xuyên phối hợp kiểm tra nhưng vẫn để các công trình có dấu hiệu xây dựng sai quy định liên tiếp xuất hiện, liệu có hay không tình trạng xử lý theo kiểu "con voi chui lọt lỗ kim"?
Được biết, vào năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương đã được UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Dương Liễu - Giai đoạn 2 đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ, dự án Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu do Công ty này thực hiện đến nay vẫn chưa bảo đảm tiến độ và có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích. Đề cập đến việc Công ty Cổ phần tập đoàn Minh Dương đang được UBND TP. Hà Nội tiếp tục cho phép mở rộng giai đoạn 2 Cụm công nghiệp Dương Liễu khi để hàng loạt "nhà đầu tư" thứ cấp xây dựng các công trình có dấu hiệu sai mục đích thì liệu có bị thu hồi dự án và không được phép tiếp tục giao đất thực hiện dự án hay không, ông Âu cho rằng phải chờ ý kiến của cơ quan chức năng cấp trên.
Trong khi đó, căn cứ điểm c, khoản 3, Điều 58 của Luật Đất đai 2013 về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì một trong các điều kiện để nhà đầu tư được giao đất là phải không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Trước quy định này, nếu đoàn kiểm tra của UBND huyện Hoài Đức kiểm tra và có kết luận sử dụng đất sai mục đích mà cơ quan chức năng của Hà Nội như UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Xây dựng Hà Nội... vẫn ban hành các văn bản chấp thuận cho việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Cụm công nghiệp Dương Liễu thì phải chăng đang "tiếp tay" để doanh nghiệp "nhờn luật", tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi?
Trước sự việc này, đề nghị các cơ quan chức năng của UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội... sớm vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm (nếu có).
Nhóm PV